Thực tế trong khung đào tạo của các trường nghề đều có phần kiến thức phổ thông bắt buộc, sau khi ra trường, nếu đáp ứng đủ điều kiện, các em có thể học lên cao hơn.
Đi lên từ trung cấp
Trong thực tế, phân luồng không làm triệt tiêu cơ hội học của học sinh, mà còn đa dạng hóa phương thức, luồng học, tạo điều kiện học tập suốt đời cho mọi người, góp phần xây dựng xã hội học tập, giúp hệ thống giáo dục gắn kết chặt chẽ hơn với thị trường lao động.
Minh chứng là câu chuyện của anh Nguyễn Quốc Trung, quê ở vùng Đồng Tháp Mười. Năm 1997, anh Trung tốt nghiệp THCS, do cái nghèo của gia cảnh và cái khó của vùng sâu, vùng xa, cơ hội học tiếp lên THPT và đại học rất mong manh nên anh quyết định học nghề. Sau khi nộp hồ sơ, anh vào học hệ Trung học nghề chế tạo máy thuộc Trường Cao đẳng Công nghiệp 4 (TPHCM). Sau 3 năm, anh Trung tốt nghiệp được cấp bằng nghề bậc 3/7 và tấm bằng tốt nghiệp THPT.
Đáng nói, trong suốt hơn 20 năm qua, với sự nỗ lực của bản thân, anh Trung vừa làm, vừa học lên cao và đến nay là ThS chuyên ngành Quản trị kinh doanh. Hiện, anh là Giám đốc Công ty TNHH Máy Thép Việt, có trụ sở tại huyện Hóc Môn (TPHCM), chuyên sản xuất, chế tạo các dòng máy cán nguội định hình kim loại.
Đến nay, sản phẩm của công ty anh đã xuất khẩu đến hơn 40 quốc gia trên thế giới.
Anh Trung tâm sự: “Bước vào đời với tư cách là người thợ lành nghề đã cho tôi nhiều kiến thức, những trải nghiệm, kinh nghiệm thực tế và nguồn tài chính ổn định để “lấy ngắn nuôi dài”. Từ đó, tôi vừa làm việc vừa tiếp tục việc học tập, nâng cấp bản thân, hay nói cách khác là nghề đã tạo ra mình hôm nay nên mình luôn mong muốn đóng góp điều gì đó ngược lại cho nghề.
Thời gian qua, tôi tham gia nhiều buổi chia sẻ kinh nghiệm học nghề, tham gia tư vấn hướng nghiệp… để các bạn trẻ có thể chọn được con đường đi đúng đắn cho mình. Trong nghề nghiệp, quan trọng nhất vẫn là xác định đúng đam mê, chỉ có đam mê mới giúp thành công dù chọn theo bất kỳ nghề nghiệp nào. “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh” là vậy”.
Chia sẻ về việc tuyển dụng nguồn lao động có tay nghề hiện nay, anh Trung cho hay: Một hiện tượng đang phổ biến ở các doanh nghiệp là khá dễ dàng khi tuyển dụng lao động biết nghề do “hay làm, tay quen”. Tuy nhiên, đối với những lao động có trình độ chuyên môn, tay nghề cao, được đào tạo bài bản lại gặp không ít khó khăn do tình trạng khan hiếm trong thực tế “thừa thầy, thiếu thợ”.
“Là đơn vị sản xuất luôn cần thợ giỏi, lực lượng thợ chiếm 75 - 80% trong toàn bộ nguồn nhân lực của công ty. Thời gian qua đơn vị luôn ưu tiên tuyển dụng các lao động có trình độ chuyên môn và tay nghề cao. Trong yêu cầu tuyển dụng, các yếu tố như đạo đức, tác phong, thái độ và đam mê nghề nghiệp được xem trọng không kém chuyên môn”, anh Trung nhấn mạnh.
Nhiều lựa chọn
Anh Trung cũng cho biết, không chỉ Công ty TNHH Máy Thép Việt mà nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực cơ khí khác rất cần lao động có tay nghề cao. Lực lượng này được đào tạo từ trường lớp sẽ nhanh chóng thích nghi với môi trường làm việc chuyên nghiệp, máy móc công nghệ cao và cũng là cơ sở để chọn lọc, phát triển đội ngũ lãnh đạo dự bị.
“Việc phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp THCS giúp các em bước vào đời lập nghiệp nhanh hơn, phát triển bản thân một cách vững chắc hơn và bổ khuyết vào đội ngũ thợ lành nghề trong thị trường lao động hiện nay”, anh Trung nói.
TS Đinh Văn Đệ, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Lý Tự Trọng (TPHCM), cho hay: Vài năm trở lại đây có khoảng 30% học sinh THCS không học lên THPT mà chọn con đường khác như học nghề hoặc giáo dục thường xuyên.
“Phân luồng đã tạo cơ hội thuận lợi cho mỗi học sinh được phát triển nghề nghiệp phù hợp với năng lực, sở trường và hoàn cảnh cá nhân. Từ đó giúp những em không tiếp tục học phổ thông thì theo học tại các trường trung cấp, cao đẳng nghề. Bên cạnh đó, việc học nghề có những lợi thế như: Nhà nước tài trợ học phí nghề nghiệp, tối ưu về mặt thời gian, các em ra trường sẽ làm việc sớm và tự trang trải cuộc sống”, Tiến sĩ Đinh Văn Đệ cho hay.
“Đối với Trường Cao đẳng Lý Tự Trọng, trong công tác đào tạo nhà trường quan tâm trang bị cho giảng viên các kiến thức về kỹ năng mềm, kỹ năng giảng dạy và hiểu tâm lý học sinh vừa qua bậc học THCS để có phương pháp quản lý và giảng dạy phù hợp. Nhà trường đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng phát triển năng lực để các em tích cực trong học tập, đạt chất lượng cao về kỹ năng, chuyên môn. Chưa kể, trong thời gian học ở trường, các em được sắp xếp hợp lý để học các môn văn hóa, đủ điều kiện để sau này có thể học liên thông lên trình độ cao hơn”, TS Đinh Văn Đệ nhấn mạnh.