Gỡ khó công tác phân luồng học sinh sau THCS

GD&TĐ - Từ nhiều năm nay, chỉ tiêu “30% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp” luôn là bài toán khó giải của nhiều nhà trường.

Học sinh Trường THCS Đồng Thái (huyện Ba Vì, Hà Nội).
Học sinh Trường THCS Đồng Thái (huyện Ba Vì, Hà Nội).

Một trong những rào cản là do phụ huynh chưa sẵn sàng cho con học nghề từ quá sớm.

Thời điểm này, các trường THCS đang gấp rút ôn thi cho học sinh trước kỳ thi vào lớp 10 sắp tới, đồng thời tích cực thực hiện công tác phân luồng. Thầy Nguyễn Quang Hiển - Phó Hiệu trưởng Trường THCS Sơn Đà (huyện Ba Vì, Hà Nội) - cho biết: Năm học này nhà trường có 4 lớp 9 với 133 học sinh. Khi học sinh đi học trở lại, nhà trường đã tích cực bồi dưỡng, chuẩn bị chu đáo để ôn tập cho các em.

Nhà trường cũng tổ chức kỳ thi thử với đề thi giống kỳ thi vào lớp 10 THPT. Công tác coi thi, chấm thi cũng diễn ra nghiêm túc để đánh giá đúng chất lượng học sinh. Sau kỳ thi, nhà trường phân loại học sinh, bồi dưỡng kiến thức cho các em có học lực kém, đồng thời thực hiện công tác phân luồng theo nguyện vọng và khả năng.

Thực hiện công tác phân luồng, theo thầy Hiển, những năm qua, nhà trường đều gặp khó khăn. Nguyên nhân đầu tiên là điểm đầu vào của Trường THPT Bất Bạt thấp hơn nhiều so với các trường THPT khác trên địa bàn huyện. Nhiều gia đình vẫn chưa hiểu và đồng thuận trong việc cho con đi học nghề, mang nặng tâm lý coi trọng bằng cấp.

Do đó, trong tiết giáo dục hướng nghiệp, các thầy cô đều tăng cường giới thiệu chương trình đào tạo nghề, giúp các em nắm được các thông tin liên quan đến giáo dục nghề nghiệp, các cơ hội học tập, việc làm sau khi tốt nghiệp. Đồng thời cũng tuyên truyền đến phụ huynh những lợi thế khi học nghề.

Cũng trên địa bàn huyện Ba Vì, cô Đinh Thị Ngọc Dung - Hiệu trưởng Trường THCS Đồng Thái - cho biết: Năm học này, nhà trường có 4 lớp 9 với 174 học sinh. Xác định công tác phân luồng là nhiệm vụ trọng tâm nên nhà trường luôn làm tốt công tác tuyên truyền để mỗi gia đình học sinh hiểu rằng học nghề sau tốt nghiệp THPT là hướng đi đúng.

Nhà trường đã phối hợp với Trường Cao đẳng Giao thông Vận tải Trung ương 1, Trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Hà Nội, Trung tâm GDNN-GDTX huyện Ba Vì tổ chức các buổi sinh hoạt ngoại khóa nhằm định hướng nghề nghiệp cho trò. Nhờ đó,  phụ huynh và học sinh có thêm nhiều thông tin về lợi ích của việc học nghề, vừa rút ngắn được thời gian đào tạo, lại vẫn có bằng tốt nghiệp THPT.

Được giao chỉ tiêu phân luồng 36%, tăng so với năm học trước, là nhiệm vụ rất khó khăn với Trường THCS Chu Minh (huyện Ba Vì). Để triển khai, nhà trường đã xây dựng kế hoạch phân luồng kỹ lưỡng trên cơ sở kết quả các năm học của các em trước khi lên lớp 9. Nhà trường cùng với giáo viên chủ nhiệm các lớp tiến hành báo cáo kết quả cho phụ huynh học sinh, để phụ huynh học sinh biết được năng lực của con em mình, có định hướng trong việc cho con học nghề.

“Với cách làm bài bản và theo lộ trình, đến giữa tháng 4/2022, công tác phân luồng của nhà trường đạt kết quả cao so với nhiều trường trên địa bàn huyện (40%, cao hơn mức huyện giao là 4%). Với sự cố gắng đó, có thể thấy hoạt động tư vấn học nghề sau tốt nghiệp THCS ngày càng đi vào chiều sâu, góp phần giảm áp lực trong kỳ thi vào lớp 10 THPT”, thầy Nguyễn Duy Hùng - Hiệu trưởng nhà trường thông tin.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ