Phân luồng cho học sinh sau THCS: Xây niềm tin cho trò

GD&TĐ - Phân luồng, trong đó có phân luồng học sinh (HS) từ THCS, là chủ trương đúng đắn nhằm sử dụng hiệu quả nhất nguồn nhân lực.

Học sinh Trường THCS Phú Thượng (Phú Vang, Thừa Thiên – Huế) tham gia tư vấn nghề tại cơ sở dạy nghề. Ảnh minh họa
Học sinh Trường THCS Phú Thượng (Phú Vang, Thừa Thiên – Huế) tham gia tư vấn nghề tại cơ sở dạy nghề. Ảnh minh họa

Tuy nhiên, nếu triển khai cứng nhắc, cốt đạt “chỉ tiêu” phân luồng sẽ dẫn đến hệ lụy mà người chịu ảnh hưởng nhiều nhất chính là học trò.

Quan tâm đúng mức đến giáo dục hướng nghiệp

Khi chia sẻ về hoạt động phân luồng, điểm chung trong các ý kiến của thầy cô là nhấn mạnh tầm quan trọng của giáo dục hướng nghiệp và vai trò của giáo viên (GV) chủ nhiệm. Cô Nguyễn Thị Thúy Hồng, GV Trường THCS Nam Từ Liêm (Hà Nội), cho rằng: GV chủ nhiệm hoặc chuyên viên tư vấn cần thực hiện bài bản các tiết dạy hướng nghiệp cho HS từ lớp 8, tư vấn để HS hiểu rõ các hướng đi khác ngoài vào lớp 10 công lập. Đặc biệt, với HS có kết quả học tập chưa tốt, GV chủ nhiệm trao đổi với GV bộ môn để chỉ ra cho phụ huynh, HS hướng đi phù hợp với năng lực.

Việc làm này cần tiến hành ở lớp 8, 9 để các em nỗ lực vươn lên, bứt phá nếu muốn tiếp tục vào lớp 10 công lập; hoặc để HS chú tâm vào việc lựa chọn nghề phù hợp. Cách trao đổi với phụ huynh HS, HS cần khéo léo để thấy được ưu điểm, lợi thế của định hướng nghề sau THCS, từ đó tự nguyện lựa chọn hướng đi phù hợp và thoải mái với lựa chọn đó. Làm như vậy sẽ giúp HS có động cơ phấn đấu, xác định hướng đi đúng đắn theo năng lực bản thân, đặc biệt không bị sốc tâm lý.

Cô Trần Thị Thảo, Tổ trưởng chuyên môn, GV Ngữ văn, Trường THCS Ban Mai, Hà Đông, Hà Nội thì quan tâm đầu tiên đến định hướng hoạt động dạy - học đi vào thực chất, đánh giá đúng năng lực học tập của HS từ các lớp dưới. Từ đó, HS, phụ huynh HS biết và hiểu về điểm mạnh, điểm yếu của con em mình. Hoạt động giáo dục bám sát thực tế, đánh giá đúng năng lực HS, tránh bệnh thành tích (cho điểm cao các năm trước, lớp 9 mới đi vào thực tế... khiến cha mẹ HS khó chấp nhận năng lực của con). Nhà trường nên lồng ghép hoặc đưa hoạt động tư vấn hướng nghiệp sớm hơn trong chương trình dạy học, hoạt động ngoài giờ lên lớp, sinh hoạt chủ đề....

Có thể phân luồng HS qua các kỳ thi thử để có căn cứ rõ ràng, từ đó tư vấn phụ huynh, HS lựa chọn nhóm trường phù hợp. Để tránh phản ứng của phụ huynh HS và tổn thương tới HS, sự phân tích, đánh giá tránh dán nhãn, phủ nhận, mà cần dựa trên điểm mạnh, hướng tới giá trị HS nhận được khi học tập phù hợp với năng lực, lựa chọn trường phát huy được thế mạnh bản thân. Cùng với nhà trường, việc phụ huynh HS hiểu con, hiểu cả thế mạnh và hạn chế của con, chấp nhận và ghi nhận con cũng vô cùng quan trọng…

Từ góc độ quản lý, cô Lê Thị Ngọc Dung, Hiệu trưởng Trường THCS Quản Cơ Thành (An Giang), cho rằng: Hiệu quả công tác phân luồng có vai trò tư vấn, hỗ trợ vô cùng quan trọng của nhà trường, đặc biệt là người làm công tác chủ nhiệm. GV chủ nhiệm cần nắm rõ hoàn cảnh, năng lực HS để tư vấn kỹ, sao cho phụ huynh, HS hiểu và xác định được hướng đi phù hợp, đúng đắn. Việc này đòi hỏi ở thầy cô cả sự khéo léo, am hiểu tình hình thực tế của địa phương.

“Tại Trường THCS Quản Cơ Thành, công tác tư vấn, phân luồng HS được nhà trường lên kế hoạch cụ thể. GV chủ nhiệm tư vấn thường xuyên trong các buổi sinh hoạt chủ nhiệm. Bên cạnh đó, kết hợp với các trung tâm dạy nghề tổ chức các buổi tư vấn nghề nghiệp cho HS, để các em nhận ra với trình độ hiện tại vẫn có thể chọn cho mình một số ngành nghề phù hợp. Với HS có hoàn cảnh khó khăn, hoặc năng lực học tập chưa giỏi, khi hiểu rõ sự việc, các em sẽ có lựa chọn phù hợp. Hiện, nhà trường chưa đạt theo đúng Đề án (80% HS tiếp tục học THPT, 20% HS vào các trung tâm GDTX hoặc học nghề), nên hàng năm, GV chủ nhiệm động viên HS cố gắng dự tuyển sinh vào lớp 10 để tiếp tục học THPT” - cô Lê Thị Ngọc Dung cho hay.

Đa dạng hóa hình thức hướng nghiệp cho học sinh THCS thông qua hoạt động tìm hiểu trực tiếp về nghề nghiệp.
Đa dạng hóa hình thức hướng nghiệp cho học sinh THCS thông qua hoạt động tìm hiểu trực tiếp về nghề nghiệp.

Nguyên tắc quan trọng GV cần tuân thủ khi tư vấn

Ở góc độ chuyên gia, PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục, Trường ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội), nhấn mạnh đến các nguyên tắc GV cần tuân thủ khi tư vấn, gồm: Thiện tâm và không gây hại; tin cậy và trách nhiệm; chính trực; công bằng; tôn trọng con người. Theo đó, người tư vấn phải đấu tranh để đem lại quyền lợi, cẩn trọng để không làm điều gì tổn hại cho HS cả trong hiện tại và tương lai; phải thiết lập mối quan hệ trung thực, tin cậy với HS, luôn nhắc nhở mình ý thức về trách nhiệm nghề nghiệp và dựa trên bằng chứng khoa học, số liệu khách quan khi tư vấn.

Người tư vấn cũng luôn tìm cách để tăng cường sự chính xác, khách quan trong lĩnh vực chuyên môn, cũng như việc ứng xử với các bên liên quan; bảo đảm không bị tác động bởi bất kỳ yếu tố nào, bên nào trong quá trình tư vấn. Phải luôn bảo đảm sự công bằng cho mọi người trong tiếp cận với các lợi ích của công việc tư vấn; không phân biệt đối xử HS dựa trên ngoại hình, năng lực, thành tích. Người tư vấn luôn tôn trọng các giá trị của từng HS cũng như quyền riêng tư, quyền tự quyết của HS trong quá trình tư vấn.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh cụ thể của năm học này, PGS.TS Trần Thành Nam cho rằng, các nhà trường cần xem xét đánh giá lại thành tích học tập và những vấn đề ẩn đằng sau kết quả học tập (như sức khỏe tâm thần của HS, làm suy giảm động lực, sự cố gắng học tập). Có thể sử dụng bộ công cụ sàng lọc khó khăn tâm lý, nhân cách, thiên hướng nghề nghiệp để có minh chứng khách quan. Cùng với đó, PGS Trần Thành Nam khuyến cáo các cơ sở giáo dục cân nhắc tìm kiếm sự hỗ trợ chuyên nghiệp từ những chuyên gia tâm lý tại trường ĐH trên địa bàn, những chuyên gia tư vấn hướng nghiệp để có thêm nguồn tin khách quan trong tư vấn định hướng phân luồng HS, bên cạnh tư vấn của GV trong nhà trường.

Nhấn mạnh quan điểm tôn trọng “đa trí thông minh”, tôn trọng đánh giá quá trình trong nhận định về tố chất, năng lực của HS, theo PGS Trần Thành Nam, tư vấn định hướng phải dựa trên nhiều nguồn (khách quan, chủ quan), nhiều bên (gia đình, nhà trường, HS) và dựa trên sự thống nhất giữa các bên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bom lượn FAB-3000 của Nga.

Chật vật đối phó bom lượn

GD&TĐ - Bom lượn Nga đang là ám ảnh với hệ thống phòng thủ Ukraine dù lực lượng này đang được trang bị những vũ khí đánh chặn tối tân của phương Tây.