Ý tưởng “độc, lạ”
“Cây cau gắn liền với người dân Phong Điền, trở thành hình ảnh gần gũi thân thương của miền quê xứ Huế. Những câu chuyện dân gian về cơm nắm mo cau, hay lúc nhỏ mẹ em thường lấy mo cau làm quạt, làm đồ chơi cho chúng em đã để lại nhiều dấu ấn kỷ niệm khó phai. Từ đó em có ước mơ làm được nhiều sản phẩm từ mo cau” –Nguyễn Thanh Trà, HS lớp 5, trường Tiểu học Điền An giải thích.
Còn Trần Gia Hân, HS lớp 3 thì trải lòng: “Thầy cô giáo nhắc nhở HS nhiều về lý do đã gây ra ô nhiễm môi trường, trong khi đó có mo cau. Nếu chúng ta biết tận dụng làm thành những vật dụng từ mo cau có thể tránh được điều đó nên em và các bạn muốn thử sức”.
Trước những ý tưởng đầy thuyết phục của Nguyễn Thanh Trà, Trần Gia Hân và Nguyễn Đức Như Tâm (HS lớp 2) đã được cô Nguyễn Thị Lý, thầy Nguyễn Đức Toàn nhiệt thành ủng hộ, sát cánh cùng nhóm thực hiện đề tài.
Ba sản phẩm các em đăng ký, gồm: Dép, nón và mũ. Ưu điểm rõ nhất là nguyên liệu gồm mo cau cần thêm chỉ, keo… đều dễ tìm, chi phí rẻ. Đặc biệt, mo cau có độ dai, dễ phân hủy trong môi trường. Ngoài ra, theo các nghiên cứu về y khoa, cơ thể người tiếp xúc với mo cau chữa được các bệnh về da liễu, đặc biệt là bệnh phù nề ở chân. Yêu cầu được các “nhà khoa học nhí” đặt ra là phải “độc” và lạ.
Sau gần ba tháng nghiên cứu, làm thử, kết quả cho thấy hầu hết các sản phẩm đều thực hiện chung nhiều công đoạn, như: Ngâm nước, ép phẳng, phơi, phân loại bẹ… Sau đó mới thực hiện theo thiết kế của từng sản phẩm, như độ cao thấp của dép, tùy vào độ cong của mũ, nón… vấn đề là tạo thẩm mỹ làm sao để tạo được thị hiếu của người tiêu dùng.
Lan tỏa sức sáng tạo
Sản phẩm đầu tiên thành công là dép đi trong nhà đã mang lại niềm phấn khích cho thầy và trò. Tiếp đến là sản phẩm mũ, nón của 3 nhà thiết kế thời trang nhí cũng được các bạn học hào hứng đón nhận. Từ thành công này, thầy và trò tiếp tục cho ra đời những tác phẩm đồ chơi nghệ thuật đáng yêu như hình các con vật như chuồn chuồn, bươm bướm, chậu cắm hoa, giỏ đi chợ…
Sản phẩm đặc biệt được các bạn trẻ yêu thích là bộ dụng cụ học tập gồm hộp bút, đèn học. Em Trần Gia Hân cho biết, khó nhất là làm mặt nạ, chậu hoa, vì chậu hoa phải lắp ráp nhiều mảnh, còn mặt nạ phải uốn thật khéo mới vừa với khuôn mặt…
Thầy Nguyễn Đức Toàn tự hào: “Ý tưởng sáng tạo làm các sản phẩm bằng mo cau của các em đã lan sang nhiều trường học khác trên địa bàn”.
Với đặc tính mềm mại, bền, đẹp, giá thành rẻ cộng thêm có tính thẩm mỹ cao mà vẫn giữ được mùi thơm nguyên thủy của mo cau do không sử dụng bất kỳ loại hóa chất nào trong quá trình sản xuất. Vì vậy, các sản phẩm làm từ mo cau được đánh giá rất cao.
Tuy nhiên, thầy Nguyễn Đại Ánh - hiệu trưởng nhà trường trải lòng, với khả năng một trường tiểu học, và các “nhà sáng tạo trẻ” đang là những thiếu niên thì đề tài chỉ dừng lại ở cuộc thi. Mong muốn của nhóm là có thể đưa sản phẩm đến với người sử dụng. Từ đó, có thể vừa tận dụng được nguồn nguyên liệu sẵn có, vừa giải quyết việc làm cho nhiều lao động nhàn rỗi. Để thực hiện được ước mơ này, cần sự chung tay của các cấp, các ngành và các doanh nghiệp.
Thầy giáo Nguyễn Phi Hùng, Trưởng phòng GD & ĐT huyện Phong Điền cho biết: “Từ năm học 2016 – 2017 đến nay, Trường TH Điền An liên tục đạt giải tại các cuộc thi khoa học kỹ thuật, sáng tạo thanh niên nhi đồng cấp huyện và cấp tỉnh. Những sản phẩm làm từ mo cau lần này do HS trong trường thực hiện cũng đạt giải Khuyến khích Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng toàn quốc năm 2020.
Tin rằng, đây sẽ là nền móng để có nhiều hơn nữa những sản phẩm làm bằng chất liệu tự nhiên để thay đổi chất liệu sản xuất đồ dùng sinh hoạt và có mặt trong các cửa hàng lưu niệm, hướng tới môi trường sống của chúng ta ngày càng được an toàn”.