Giải pháp có ảnh hưởng lớn đến việc làm kinh tế và được ứng dụng trực tiếp vào những ao tôm nuôi, trường học…
Sáng tạo từ thực tiễn
Em Lê Thị Như Quỳnh khi còn là học sinh lớp 9 (năm học 2015 - 2016) Trường THCS Vĩnh Hậu (huyện Hòa Bình, Bạc Liêu) đã sáng tạo “Hệ thống cấp - thoát nước tự động trong nuôi trồng thủy sản” tham gia dự thi Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng tỉnh Bạc Liêu lần thứ II (2015 - 2016) và đạt giải Nhì (không có giải Nhất) và đạt giải Khuyến khích toàn quốc cùng năm.
Chia sẻ về ý tưởng sáng tạo của mình, Như Quỳnh cho biết: “Nhà em có nuôi tôm nên những lúc thủy triều lên xuống hay mưa nhiều thấy cha mẹ em phải đi ra mưa gió để mở cống nước xả nước ra sông hay lấy nước vào rất vất vả. Do đó em đã nghĩ ra việc làm giải pháp cấp - thoát nước tự động để khi đó công việc nuôi trồng thủy sản của gia đình giảm bớt khó khăn”.
Bạc Liêu có đường bờ biển kéo dài và đi qua địa bàn huyện Hòa Bình, nên việc dẫn nước mặn vào đồng nội thuận lợi cho việc nuôi tôm công nghiệp và nuôi tôm quảng canh phát triển ở vùng đất này.
Tuy nhiên, việc dẫn nước vào những ao nuôi quảng canh hay thoát nước thường xuyên còn nhiều trở ngại. Việc cấp - thoát nước của người nuôi phụ thuộc vào tự nhiên khá lớn, đòi hỏi yêu cầu phải chủ động trong công tác thủy lợi so với tôm nuôi công nghiệp rất nhiều.
Giải pháp của Như Quỳnh xuất phát từ thực tế trong nuôi trồng thủy sản tại địa phương nơi gia đình sinh sống. “Em bắt tay vào thực hiện chỉ nghĩ đó là điều muốn tốt cho cha mẹ hơn trong kinh tế, công việc đỡ cực hơn, chứ thực sự em cũng không nghĩ cao đến việc áp dụng nguyên lí khoa học để làm dự án”, Quỳnh cho biết.
Sau thời gian thực hiện dự án để chạm tay vào những giải thưởng của cuộc thi sáng tạo, giải pháp của Quỳnh được đánh giá cao không chỉ trong khuôn khổ cuộc thi mà còn được vận dụng vào chính gia đình của em.
Thành công lan tỏa được ứng dụng vào nhiều hộ dân nuôi trồng thủy sản nơi em sống. Đặc biệt hơn còn được ứng dụng vào trong ngôi Trường THCS Vĩnh Hậu vì sân trường thấp hơn mặt bằng đường nên những khi mưa lớn hay bị ngập. Giải pháp sáng tạo của Như Quỳnh đã giúp nhà trường giải quyết vấn đề thoát nước sân trường vào mùa mưa hiệu quả.
Đầu tư ít, hiệu quả cao
Theo Như Quỳnh, số tiền đầu tư cho dự án trên 100.000 đồng bao gồm những vật liệu dễ tìm, dễ mua trên thị trường như ống dẫn nước bằng nhựa và ống bằng vải ga (bạt). Tùy theo khoảng cách đường dẫn từ sông vào đến ao nuôi, vải ga tốt hay không có thể giá thành thay đổi.
Cách làm rất đơn giản, không mất nhiều thời gian mà ai cũng có thể thực hiện được. Chỉ cần khéo léo lấy một đầu ống vải ga buộc cố định vào một đầu ống nhựa sao cho hai ống này thông với nhau để dẫn nước vào ao, hai đầu ống được đặt trên hai bờ ngang bằng nhau. Việc hoạt động của hệ thống này cũng khá linh hoạt bởi lợi dụng hai chiều lấy nước.
Có nghĩa là đặt hệ thống trên đường dẫn nối bờ ao với bờ sông và khi thủy triều lên mực nước ngoài sông cao hơn sẽ đẩy nước vào trong ao.
Ngược lại, khi mực nước trong ao cao hơn thì sẽ đổ nước dồn ra ngoài sông một cách tự động, hoàn toàn thay thế cách cấp thoát nước thủ công như trước đây. Hệ thống tự động sẽ khắc phục được tình trạng dòng thủy triều lên xuống thất thường, giảm sức lao động của con người đáng kể.
Hiện nay đã là cô nữ sinh lớp 10 của Trường THPT Lê Thị Riêng (huyện Hòa Bình, Bạc Liêu), Như Quỳnh không dừng lại ở những chiến thắng mà tiếp tục dấn thân vào cuộc thi kiến thức liên môn của tỉnh để cho mình những cơ hội chinh phục đam mê sáng tạo.
Sáng tạo của Quỳnh được đánh giá cao không chỉ trong khuôn khổ cuộc thi mà còn được vận dụng vào chính gia đình của em. Thành công lan tỏa được ứng dụng vào nhiều hộ dân nuôi trồng thủy sản nơi em sống.
Đặc biệt hơn còn được ứng dụng vào trong ngôi Trường THCS Vĩnh Hậu vì sân trường thấp hơn mặt bằng đường nên những khi mưa lớn hay bị ngập. Từ sáng tạo của Như Quỳnh đã giúp nhà trường giải quyết vấn đề thoát nước sân trường vào mùa mưa hiệu quả.