Doanh nghiệp ngoại “có xơi” được miếng bánh bán lẻ xăng dầu?

GD&TĐ - Bộ Công Thương vừa trình Chính phủ dự thảo Nghị định về mở cửa cho doanh nghiệp ngoại đầu tư vào lĩnh vực xăng dầu. Liệu thị trường đầy hứa hẹn này có phải miếng bánh dễ xơi và người tiêu dùng được lợi.

Ảnh minh họa (nguồn: IT)
Ảnh minh họa (nguồn: IT)

Mở cửa cho doanh nghiệp ngoại

Theo Dự thảo Nghị định bổ sung điều 1 của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP năm 2014 về kinh doanh xăng dầu, ngoài những doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu được Thủ tướng phê duyệt, các doanh nghiệp xăng dầu có hoạt động đầu tư, sản xuất xăng dầu được quyền chuyển nhượng cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài nhưng không quá 35% vốn.

Bộ Công Thương cho biết, xăng dầu là mặt hàng chiến lược, ảnh hướng lớn đến quốc kế dân sinh, an ninh năng lượng. Đây là thời điểm phù hợp mở cửa cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào bán lẻ xăng dầu tại Việt Nam. Việc sửa đổi sẽ bám sát mục tiêu cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh, thúc đẩy kinh tế tư nhân trên nguyên tắc Nhà nước phải nắm quyền chi phối.

Chính phủ đã điều hành các lĩnh vực kinh doanh từng bước theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước và thu hút được nhiều thành phần kinh tế. Các doanh nghiệp Nhà nước trong lĩnh vực này đều đã được cổ phần hóa như Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) 20%, Tổng Công ty dầu Việt Nam (PVOil) là 35%, Công ty CP lọc hóa dầu Bình Sơn là 49%.

Thực tế cho thấy, sau quá trình cổ phần hóa, một số doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trong nước đã có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Trong các doanh nghiệp lĩnh vực xăng dầu, hiện Công ty TNHH lọc hóa dầu Nghi Sơn có hai đối tác nước ngoài tham gia với phần vốn nắm giữ 35,1%. Tại Tập đoàn xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) có nhà đầu tư đến từ Nhật Bản là JX Nippon Oil & Energy là cổ đông chiến lược nắm giữ 8% cổ phần từ năm 2016.

Mở cửa cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường bán lẻ xăng dầu được kỳ vọng sẽ góp phần cải thiện đáng kể quản trị doanh nghiệp, giúp minh bạch hơn các báo cáo tài chính, nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh. Thậm chí, trên thị trường sẽ có khả năng giá bán lẻ cạnh tranh thay vì giá thống nhất như hiện nay, chênh lệch giá có thể không nhiều.

Theo TS Lương Văn Tuấn, giảng viên chuyên ngành Luật (Học viện Phụ nữ Việt Nam), khi Việt Nam tham gia Tổ chức Thương mại thế giới WTO năm 2007 và hơn 10 hiệp định thương mại, Việt Nam không cam kết mở cửa thị trường xăng dầu. Tự các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào nhà máy lọc dầu tại Việt Nam để phân phối sản phẩm mình làm ra.

Kỳ vọng tốt hơn về chất lượng lẫn dịch vụ

Xuất phát từ thực tế đã nêu trên, trong tờ trình Chính phủ, Bộ Công Thương khẳng định, việc rà soát bổ sung nội dung cho phép doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu được chuyển nhượng vốn cho nhà đầu tư nước ngoài là phù hợp với thực tế đã phát sinh và nhu cầu phát triển của ngành trong nước. Việc giới hạn 35% vừa giải quyết được vấn đề thu hút vốn, công nghệ, kỹ năng quản trị doanh nghiệp vừa giới hạn được mức độ can thiệp vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trong nước.

Theo chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Trí Hiếu: Nếu “mở cửa” mà dùng các điều kiện kinh doanh khiến nhà đầu tư nước ngoài gặp khó khăn thì cũng bằng không. Ông đồng tình với quan điểm, đưa ra các quy định để các nhà đầu tư ngoại tham gia vào thị trường đặc biệt ở khâu phân phối bán lẻ song Nhà nước phải nắm quyền chi phối.

Nhiều chuyên gia đánh giá cao đề xuất mở cửa cho doanh nghiệp ngoại đầu tư vào lĩnh vực xăng dầu vì sẽ giúp thị trường xăng dầu thay đổi tốt hơn về chất lượng lẫn dịch vụ. Câu chuyện đại gia Nhật Bản mở trạm bán xăng ở Việt Nam, hình ảnh vị tổng giám đốc người Nhật cúi chào khách đến đổ xăng trong ngày khai trương làm nhiều người ngạc nhiên. Sau hai năm hoạt động, sự thân thiện, cúi chào cám ơn khách hàng của nhân viên cây xăng vẫn duy trì. Điều này hình thành văn hóa doanh nghiệp và là đặc trưng thu hút sự quan tâm, ủng hộ của khách hàng.

Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài sẽ tác động tốt đến các nhà kinh doanh Việt Nam về cách làm dịch vụ và thái độ phục vụ, văn hóa phục vụ khách hàng. Dẫn chứng câu chuyện đại gia Nhật Bản mở trạm bán xăng tại Việt Nam, ông Hiếu đánh giá các công ty nước ngoài với cách bán hàng mới mẻ, thân thiện sẽ thúc đẩy sự cạnh tranh về chất lượng, dịch vụ của thị trường kinh doanh xăng dầu Việt Nam.

Còn theo TS Lương Văn Tuấn, nhiều lĩnh vực khác như điện lực, dầu khí, ngân hàng, hàng không cũng đã mở cửa cho nhà đầu tư ngoại được phép đầu tư. Riêng với lĩnh vực xăng dầu, các doanh nghiệp trong nước bắt đầu có nhu cầu phát triển đòi hỏi về vốn để chủ động nguồn cung trong nước nên rất muốn thu hút đầu tư nước ngoài. Ngược lại, các nhà đầu tư nước ngoài cũng rất quan tâm đầu tư vào các doanh nghiệp xăng dầu ở khâu phân phối bán lẻ. Tuy nhiên, các quy định hiện nay chưa đầy đủ, không tạo thuận lợi cho quản lý cũng như hoạt động này diễn ra hiệu quả.

Trong các hiệp định thương mại tự do, Việt Nam không mở cửa với kinh doanh xăng dầu nhưng đã mở với lĩnh vực sản xuất chế biến lọc dầu. Nhà đầu tư có quyền mở các cửa hàng bán lẻ để phân phối sản phẩm xăng dầu đã được sản xuất. Tuy nhiên, việc mở các cửa hàng bán lẻ xăng dầu không đơn giản bởi các địa phương đều có quy hoạch địa điểm hợp lý mà những điểm đó đã được doanh nghiệp phân phối xăng dầu trong nước mở từ trước. Để giải quyết vấn đề này, Nhà nước chi phối bằng cách khuyến khích các công ty ngoại kinh doanh xăng dầu ở các khu đô thị mới và quản lý về số lượng trạm xăng dầu của họ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thủ môn Quan Văn Chuẩn thận trọng trước trận gặp U23 Iraq.

U23 Việt Nam 'đọc vị' U23 Iraq

GD&TĐ - Trước trận so tài với U23 Iraq ở tứ kết U23 châu Á, thủ môn đội trưởng U23 Việt Nam Quan Văn Chuẩn tỏ ra khá thận trọng.