Doanh nghiệp ngoại đầu tư kinh doanh xăng dầu: Công ty Nhà nước, tư nhân cần sân chơi bình đẳng

GD&TĐ - Việc Bộ Công Thương xây dựng dự thảo để các doanh nghiệp nước ngoài tham gia sản xuất, phân phối xăng dầu được nhiều chuyên gia đánh giá cao. Tuy nhiên, “cửa” nào cho các doanh nghiệp “sinh sau, đẻ muộn” tồn tại trong khi các vị trí đắc địa nhất của thị trường bán lẻ đã... có chủ.

Việc để doanh nghiệp nước ngoài đầu tư và phân phối tại thị trường xăng dầu Việt Nam sẽ giúp người tiêu dùng được hưởng lợi.
Việc để doanh nghiệp nước ngoài đầu tư và phân phối tại thị trường xăng dầu Việt Nam sẽ giúp người tiêu dùng được hưởng lợi.

Lo bị lũng đoạn thị trường

Bộ Công Thương đang lấy ý kiến xây dựng dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 83/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu. Đáng chú ý trong bản dự thảo là tạo thuận lợi để các doanh nghiệp (DN) đầu tư nước ngoài tham gia, phân phối xăng dầu.

Theo lý giải của Bộ Công Thương, nhiều năm qua đã có nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần, góp vốn vào công ty xăng dầu của Việt Nam. Thế nhưng quy định hiện nay chưa đầy đủ, không tạo thuận lợi cho quản lý cũng như hoạt động này diễn ra hiệu quả.

Bộ Công Thương cho biết, việc sửa đổi Nghị định 83 sẽ bám sát mục tiêu cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh, thúc đẩy kinh tế tư nhân... Từ đó tạo sân chơi bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, giữa công ty Nhà nước và tư nhân.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết sẽ tổng hợp, hoàn thiện để nghị định mới có chất lượng và phải đi vào cuộc sống. Qua đó xây dựng một thị trường kinh doanh xăng dầu lành mạnh. Dự thảo này được nhiều chuyên gia đánh giá cao vì sẽ giúp thị trường xăng dầu thay đổi tốt hơn về chất lượng.

Theo chuyên gia Nguyễn Tuấn Quỳnh, hiện nay đã có một số DN ngoại tham gia thị trường kinh doanh xăng dầu. Ông Quỳnh cho rằng, các công ty của Nhật Bản rất quan tâm đến thị trường xăng dầu Việt Nam, vì nhiều tiềm năng tiêu thụ lớn.

Trước đây Việt Nam ngại các công ty nước ngoài tham gia mảng xăng dầu vì lo bị lũng đoạn thị trường, ảnh hưởng tới nền kinh tế. Nay với sự tham gia của doanh nghiệp ngoại, Nhà nước vẫn có thể quản lý thông qua quy hoạch, tiêu chuẩn chất lượng nhiên liệu...

“Cửa” nào cho doanh nghiệp sinh sau

Trước đề xuất cho doanh nghiệp nước ngoài tham gia vào thị trường bán lẻ xăng dầu Việt Nam, PGS.TS Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) giải thích: “Tham gia vào sản xuất, phân phối chứ không có chuyện mang xăng vào bán”.

Hiệp định WTO có 4 lĩnh vực cam kết không mở cửa thị trường trong đó có năng lượng. Chính vì thế, doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào sản xuất, bán lẻ thì được. Mang xăng từ bên ngoài vào bán thì không được. “Việc không mở cửa cho lĩnh vực năng lượng sẽ bảo đảm an ninh năng lượng cho Việt Nam” - ông Long nói.

Về việc tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nước ngoài đầu tư, ông Ngô Trí Long hoàn toàn đồng tình. “Để doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam sẽ tạo môi trường cạnh tranh. Hiện nay thị trường trong nước vẫn có tính cạnh tranh nhưng vẫn còn yếu” - ông Long cho biết.

Về mức giá trần xăng dầu hiện nay, ông Long giải thích Nhà nước áp mức giá trần xăng dầu để bảo đảm quyền lợi cho người dân. “Đây không phải là quy định cứng nhắc mà là để bảo đảm quyền lợi cho người tiêu dùng Việt Nam”. Ông Long cũng nói thêm, nếu doanh nghiệp nào bán rẻ hơn mức giá trần thì quá tốt cho người dân.

Việc doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất và bán lẻ xăng dầu tại thị trường trong nước gần như không ảnh hưởng gì tới thị trường cũng như các doanh nghiệp trong nước. Theo ông Long, các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu hiện nay đang được đặt tại những vị trí vô cùng quan trọng, đắc địa.

Nếu có xuất hiện thêm nhiều đơn vị bán xăng khác thì Nhà nước cũng không thể bố trí một địa điểm có 2 - 3 cây xăng. “Doanh nghiệp ra đời sau muốn cạnh tranh thì chỉ có thể cạnh tranh bằng giá, cung cách phục vụ và các chương trình khuyến mại để thu hút khách” - ông Long nói. Ông Long cũng không quên lưu ý, dù muốn bán với giá nào thì chất lượng xăng phải như nhau.

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho biết, không cam kết chưa có nghĩa là đóng cửa lĩnh vực năng lượng. “Đối với kinh doanh xăng dầu cần phải mở cửa thu hút càng nhiều nhà đầu tư càng tốt”, ông Hiếu nói.

Doanh nghiệp nước ngoài với cung cách bán hàng mới, thân thiện nên sẽ thúc đẩy sự cạnh tranh về chất lượng, dịch vụ của thị trường kinh doanh xăng dầu. “Sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài sẽ tác động tốt đến các nhà kinh doanh Việt Nam về dịch vụ và thái độ phục vụ khách hàng” - ông Hiếu nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa INT.

Môn học công cụ

GD&TĐ - Theo kết quả kỳ thi học sinh giỏi quốc gia lớp 12 năm học 2024 - 2025, Hà Nội vẫn dẫn đầu cả nước về số lượng học sinh đoạt giải.