Doanh nghiệp ngoại áp đảo thị trường bán lẻ Việt

GD&TĐ - Chỉ trong vòng hơn nửa đầu của tháng 9 đã có ít nhất 3 nhà đầu tư nước ngoài đổ vốn vào thị trường bán lẻ Việt Nam, để mở siêu thị từ chuỗi cửa hàng tiện lợi cho tới chuỗi siêu thị tỷ đô. 

Doanh nghiệp ngoại áp đảo thị trường bán lẻ Việt

Tuy nhiên, những động thái trên vẫn chưa khiến thị trường này thật sự bùng nổ, bởi trước đó dù đã xuất hiện không ít ông lớn ngoại đầu tư vào đây, nhưng thị trường bán lẻ Việt vẫn được các chuyên gia đánh giá là còn rất nhiều tiềm năng để tiếp tục thu hút các nhà đầu tư ngoại trong thời gian tới.

“Cuộc đua” của các DN ngoại

Vào đầu tháng 9, chuỗi cửa hàng tiện lợi của Hàn Quốc Ilahui đã có mặt tại Việt Nam với việc khai trương hai cửa hàng Ilahui đầu tiên ở Hà Nội và TPHCM thông qua hình thức nhượng quyền thương hiệu. Theo đại diện của Ilahui tại Việt Nam, trong quý IV/2016, thương hiệu sẽ nhân rộng lên 6 - 8 mô hình cửa hàng để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của khách hàng cả ba miền Bắc, Trung, Nam.

Theo đó, trong vòng 5 năm tới, Ilahui Việt Nam sẽ có ít nhất 200 cửa hàng trải dài khắp các tỉnh, thành Việt Nam. Đặc biệt, đại diện Ilahui tại Việt Nam còn cho biết, với lợi thế cập nhật sản phẩm, giá bán, đa dạng về chủng loại, mẫu mã, không gian cửa hàng lịch sự… công ty kỳ vọng đây sẽ trở thành mô hình kinh doanh mới có những bước thâm nhập mạnh mẽ trong thị trường bán lẻ Việt.

Cũng trong thời điểm này, 3 cửa hàng đầu tiên thuộc chuỗi siêu thị bán lẻ nổi tiếng Miniso của Nhật Bản cũng đã chính thức được khai trương tại Hà Nội. Đây có thể coi là một trong những đại gia của ngành bán lẻ Nhật Bản khi năm 2015, doanh thu của thương hiệu này vượt hơn 1 tỷ USD, trở thành thương hiệu bán lẻ có tốc độ phát triển nhanh số 1 thế giới.

Thế mạnh của Miniso là có thể tự thiết kế, sản xuất và phân phối hàng nghìn loại sản phẩm khác nhau từ đầu đến cuối với giá cả rất phải chăng. Hơn 50% sản phẩm của thương hiệu này có giá chỉ 43.000 đồng và thực hiện chính sách một giá trên quy mô toàn cầu. Vì vậy, thị trường Việt Nam được xem là cầu nối với thị trường Đông Nam Á giúp Miniso phát triển các chuỗi cửa hàng trong tương lai. Dự kiến tới cuối năm 2016, thương hiệu này sẽ mở 12 cửa hàng tại Hà Nội, TPHCM và 4 tỉnh, thành khác.

Trong khi đó, E-Mart – chuỗi siêu thị giảm giá lớn nhất Hàn Quốc tuyên bố đã ký kết thỏa thuận đầu tư 200 triệu USD (tương đương khoảng hơn 4.000 tỷ VNĐ) vào TPHCM – nơi được xem là trung tâm thương mại của Việt Nam, nhằm xây dựng những chuỗi bán lẻ quy mô lớn, siêu thị và nhiều loại hình cơ sở thương mại khác ở TPHCM.

Như vậy có thể thấy, cùng với những DN bán lẻ ngoại như: Metro, Big C, Lotte Mart, Aeon, Family Mart, Central, Auchan (Simply Mart)… thị trường bán lẻ Việt sẽ trở nên rất khốc liệt trong cuộc đua tranh giành thị phần giữa các ông lớn ngoại trong thời gian tới. Trong khi ở chiều ngược lại của chiến lược mở rộng phát triển mạng lưới bán lẻ, thị trường bán lẻ Việt Nam lại đang mất dần những thương hiệu trong nước quen thuộc.

DN nội yếu thế

Hiện ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM chỉ còn một số những thương hiệu bán lẻ như: Co.opmart, Satramart, VinMart cùng với chuỗi các cửa hàng tiện lợi Co.opFood, Satrafoods và VinMart+… Đây cũng chính là những thương hiệu chia phần thị trường bán lẻ và cũng mới có đủ sức để cạnh tranh với các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tại Việt Nam hiện nay.

Theo công ty nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam, trong số 93 triệu dân Việt Nam thì gần 60% dân số dưới 35 tuổi. Thu nhập của tầng lớp này cũng tăng từ 433 USD một năm mỗi người (năm 2000) lên 2.111 USD một năm mỗi người (năm 2015). Người tiêu dùng Việt cũng có nhu cầu trải nghiệm mua sắm mới, chất lượng cao hơn. Vậy nên, thị trường bán lẻ Việt được đánh giá là rất tiềm năng.

Tuy nhiên, để các DN bán lẻ Việt giành chiến thắng trong cuộc cạnh tranh ngày càng khốc liệt này, ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho rằng, các DN bán lẻ Việt cần tập trung nghiên cứu và phát triển chiến lược kinh doanh theo hướng phát triển chuỗi các cửa hàng tiện ích, tiện lợi phục vụ cho từng khu vực dân cư, từng khu vực thị trường. Bởi nếu không có một nền sản xuất nội địa tốt thì không có cơ hội nào để phát triển ngành kinh doanh bán lẻ tốt. Vì thế, cần liên kết chuỗi sản xuất – cung ứng thật chắc chắn ngay ở thị trường nội địa, tạo sự liên kết vùng, liên kết sản xuất - phân phối...

Bởi có thể thấy dù có nhiều ưu thế sân nhà, am hiểu thói quen tiêu dùng của người Việt nhưng việc kết nối từ khâu sản xuất tới tiêu thụ của các DN bán lẻ nội từ xưa đến nay vẫn còn rất lỏng lẻo. Thậm chí, muốn đưa hàng vào siêu thị, nhiều khi DN sản xuất vẫn phải trả phí “lót tay” khá cao khiến giá cả hàng hóa theo đó cũng bị đẩy lên...

Theo quy hoạch cả nước đến năm 2020 sẽ có khoảng 1.200 – 1.500 siêu thị, 180 trung tâm thương mại, 157 trung tâm mua sắm. Dự báo, giai đoạn 2016 - 2020, tốc độ tăng trưởng thương mại bán lẻ sẽ đạt 11,9%, quy mô thị trường khoảng 179 tỷ USD vào năm 2020, trong đó bán lẻ hiện đại sẽ chiếm trên 45%. Quy mô thị trường bán lẻ Việt Nam năm 2015 đạt 102 tỷ USD (tốc độ tăng trưởng đạt 7,3% trong giai đoạn 2010 - 2015), thị phần bán lẻ hiện đại ở Việt Nam chiếm khoảng 25% tổng mức bán lẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ