Trong bài trả lời phỏng vấn kênh truyền hình CNBC (chuyên về thông tin kinh tế và thị trường tài chính của Mỹ) mới đây, ông Trần Quý Thanh, Chủ tịch Tập đoàn Tân Hiệp Phát, nói về ý định trong tương lai giao quyền điều hành doanh nghiệp cho cô con gái Trần Uyên Phương: “Kế thừa công việc kinh doanh không phải là một món lợi, đó là một trách nhiệm”.
Trong vài năm qua, có khá nhiều chủ doanh nghiệp tiến hành các bước “chuyển giao quyền lực” cho những người con của mình – trong đó chiếm hơn một nửa là các ái nữ trẻ tuổi. Các hình thức chuyển giao bao gồm chuyển giao tài sản (chuyển nhượng cổ phiếu số lượng lớn), bổ nhiệm tham gia bộ máy quản lý – điều hành hoặc thậm chí là giao hẳn quyền điều hành doanh nghiệp khi người chủ lui vào hậu trường…
Có thể kể ra hàng loạt cái tên “đình đám” như: Lê Thu Thủy, con gái bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Seabank, giữ chức Phó Chủ tịch HĐQT ngân hàng này; Nguyễn Ngọc Mỹ, con gái ông Nguyễn Tuấn Hải, Chủ tịch Tập đoàn Alphanam, sở hữu lượng cổ phiếu lên đến 2 triệu USDN, Trần Phương Ngọc Giao, con gái bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc công ty CP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) sở hữu số cổ phiếu PNJ lên đến 144 tỉ động, xếp hạng 116 trong số những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam…
"Ái nữ" Nguyễn Ngọc Mỹ - một doanh nhân thành đạt |
Với nhiều người “ngoài cuộc”, việc những cô gái trẻ đó khởi nghiệp từ những “bệ phóng hoành tráng” như vậy được coi là điều may mắn. Thành công nếu có đến với họ thì cũng là điều đương nhiên và hẳn rất dễ dàng. Tuy nhiên, thực tế lại không hoàn toàn như vậy. Ngay cả khi đã được “giao ghế” thì họ cũng phải chấp nhận sự khốc liệt của thương trường.
Bà Trần Uyên Phương - Phó Tổng Giám đốc Tân Hiệp Phát |
“Lớn lên, tôi biết được rằng để tồn tại, chúng ta phải có kỷ luật, chúng ta không được bỏ hoặc chiều lòng theo bản thân mình. Đó là nguyên tắc mà tôi áp dụng trong kinh doanh”, Trần Uyên Phương luôn tâm niệm vêf lời dạy của cha mình khi đối mặt với nhiều thách mà thực tế đặt ra, ngay từ khi vừa nắm giữ chức Phó Tổng giám đốc Tân Hiệp Phát lúc tuổi đời chỉ mới xấp xỉ 30. Được biết trung bình mỗi ngày cô phải làm việc tới 16 tiếng để giải quyết các công việc, nhiều khi phải làm việc trong điều kiện áp lực tâm lý hết sức nặng nề, căng thẳng.
Với Nguyễn Ngọc Mỹ, việc nắm trong tay một lượng cổ phiếu lớn của doanh nghiệp thuộc sở hữu của cha mình cũng thực sự là “gánh nặng”. Đặc biệt, trong năm 2015, khi giá cổ phiếu Alphanam bị hủy niêm yếu, tài sản hao hụt, cô cùng các cộng sự phải “lao tâm khổ tứ” tìm cách duy trì sự ổn định và cơ hội phục hồi.
Những thách thức đến từ cuộc sống và công việc với các nữ doanh nhân 8x, 9x có thể được coi là bài học bổ ích, quý giá trong bước khởi nghiệp, để họ có thêm kinh nghiệm và bản lĩnh hướng tới thành công vững chắc hơn trong tương lai.