Đối lập với khung cảnh này, giá thuê nhà ở đô thị đang tăng cao, vượt quá khả năng chi trả của nhiều người, trong đó có sinh viên các trường đại học, cao đẳng.
Nhiều tuần qua, sinh viên Thổ Nhĩ Kỳ đã tổ chức biểu tình ở hàng chục thành phố. Không chỉ xuống đường, nhiều người ngủ ngoài công viên, đường phố để phản đối tình trạng giá thuê nhà tăng cao. Các chuyên gia cảnh báo đây là dấu hiệu của cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt ngày càng tăng.
Anh Hasan Dogan, sinh viên năm tư ngành Thiết kế đồ họa, đã cùng nhiều bạn bè ngủ ngoài đường phố Istanbul 4 đêm liên tiếp. Anh cho biết, đây là một phần của phong trào phản đối khủng hoảng tiền thuê nhà tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Trước khi vào đại học, Dogan trả 87,7 USD (khoảng 2 triệu đồng) mỗi tháng để thuê một căn hộ gần khuôn viên trường. Nhưng hiện nay, giá thuê nhà đã lên đến 226 USD (khoảng 5 triệu đồng) nên Dogan không đủ khả năng chi trả.
Trong khi đó, ký túc xá dành cho sinh viên do nhà nước quản lý đã chật kín người. Dogan có thể sẽ không tìm được chỗ thuê nhà phải chăng trước khi năm học mới bắt đầu vào tháng 10.
Lâm vào hoàn cảnh tương tự, sinh viên Kemal Yilmaz, 23 tuổi, cho biết: “Mọi chi phí đều trở nên đắt đỏ trong đại dịch. Trong đó, giá thuê nhà gần trường đại học là quá cao. Tình hình nghiêm trọng đến mức chúng tôi buộc phải xuống đường để yêu cầu được giải quyết vấn đề của mình”.
Theo Yilmaz, giá thuê nhà gần trường đại học của anh hiện tại tăng hơn gấp đôi so với giá trước đại dịch. Cha mẹ anh đã nghỉ hưu nên tài chính gia đình không dư dả và không thể trả những khoản sinh hoạt phí đắt đỏ.
Theo số liệu thống kê chính thức, giá thuê nhà tại các thành phố ở Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng đáng kể trong đại dịch dù kinh tế đất nước lâm vào hoàn cảnh khó khăn. Một cuộc khảo sát vào tháng 9/2021 của chính quyền thành phố Istanbul cho thấy, 95% người dân đánh giá tiền thuê nhà quá cao. Khoảng 41% đã trì hoãn trả tiền nhà từ khi đại dịch bắt đầu.
Cùng với đó, giá cả của các mặt hàng tiêu dùng cũng tăng chóng mặt. Tỷ lệ lạm phát hàng năm của nước này bất ngờ tăng vọt lên 19,25% vào tháng 8, mức cao nhất trong 2 năm trở lại đây. Đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ đã giảm xuống mức thấp nhất trong tuần này.
Dogan, Yilmaz và hàng nghìn sinh viên khác tham gia vào phong trào phản đối rộng khắp cả nước. Nhóm yêu cầu chính phủ hỗ trợ sinh viên bằng các biện pháp như giảm tiền thuê nhà, xây thêm nhà ở, cung cấp nhiều trợ cấp và học bổng cho sinh viên.
Tổng thống Recep Tayyip Erdogan cho biết, chính phủ đang hành động để chống lại tình trạng lạm phát. Cơ quan chức năng sẽ xây dựng thêm ký túc xá và tăng học bổng cho sinh viên.
Tổng thống Erdogan bày tỏ: “Chúng tôi đang xây dựng các khoản đầu tư mà chưa chính phủ nào từng thực hiện trước đây. Hiện nay, chúng tôi có những ký túc xá với sức chứa gần một triệu người và sẽ tiếp tục xây dựng thêm”.
Trước đó, từ năm 2002, khi Đảng Công lý và Phát triển của Tổng thống Erdogan nắm quyền, hàng trăm trường đại học mới đã được thành lập tại Thổ Nhĩ Kỳ. Ước tính đến năm 2021, hơn 8 triệu người dân Thổ Nhĩ Kỳ đang theo học các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng.