WHO đề nghị châu Âu mở cửa trường học

GD&TĐ - Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) mới đây đã đề nghị trường học tại châu Âu mở cửa trở lại và có biện pháp an toàn để bảo vệ giáo viên, nhân viên và trẻ em trước dịch Covid-19.

Một lớp học trực tiếp tại Paris, Pháp vào tháng 5/2021.
Một lớp học trực tiếp tại Paris, Pháp vào tháng 5/2021.

Ông Hans Kluge, Giám đốc WHO tại châu Âu, cho biết: “Đại dịch đã gây ra gián đoạn nghiêm trọng trong lịch sử giáo dục. Điều quan trọng nhất hiện nay là duy trì các lớp học trực tiếp”.

Theo ông Kluge, khi đại dịch vẫn diễn biến phức tạp, giáo dục trẻ em một cách an toàn trong môi trường tập trung phải trở thành mục tiêu chính của các chính phủ. Điều này góp phần xây dựng kiến thức, sức khoẻ tâm thần và kỹ năng xã hội cho trẻ.

Ước tính 44/53 quốc gia ở khu vực châu Âu đã đóng cửa trường học trên toàn quốc vào tháng 4/2020. Hầu hết tái mở cửa vào tháng 9 cùng năm. Tuy nhiên, tình trạng đóng cửa hàng loạt vẫn tiếp tục diễn ra ở nhiều quốc gia trong mùa xuân và đầu mùa hè năm 2021. Hơn 1 triệu trẻ em châu Âu, tương đương 14,3% trong độ tuổi đến trường, phải nghỉ học vì Covid-19.

“Chúng tôi khuyến khích các quốc gia giữ cho trường học mở cửa và kêu gọi các trường áp dụng biện pháp giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm Covid-19 và các biến thể”, ông Kluge bày tỏ.

WHO và UNICEF khẳng định giáo viên, nhân viên trường học phải là một trong những nhóm đối tượng chính được tiêm vắc-xin. Trẻ em từ 12 tuổi trở lên có tình trạng sức khoẻ ổn định cũng nên được tiêm chủng.

Để bảo đảm môi trường an toàn, trường học cần cải thiện hệ thống thông gió trong lớp học, giảm sĩ số lớp nếu có thể, duy trì giãn cách xã hội, thường xuyên xét nghiệm cho học sinh, nhân viên.

Ông Philippe Cori, Phó Giám đốc UNICEF tại châu Âu và Trung Á, cho biết: “Trẻ em, thanh thiếu niên không thể mạo hiểm thêm một năm học bị gián đoạn. Trong thời gian nghỉ học, trẻ có thể phải hứng chịu bạo lực gia đình, bệnh về tâm lý. Các em là những nạn nhân thầm lặng của đại dịch và là một trong những người bị ảnh hưởng nặng nề nhất”.

Theo đánh giá của WHO, biến thể Delta có khả năng lây nhiễm cao đang gia tăng áp lực lên hệ thống giáo dục trước thềm năm học mới. Tiêm phòng là biện pháp tốt nhất để chống lại virus. Bên cạnh đó, người dân nói chung và giáo viên, nhân viên các trường cần tiếp tục tuân thủ biện pháp xã hội như xét nghiệm, truy tìm nguồn lây, cách ly và kiểm dịch.

Nhiều giáo viên tại châu Âu bày tỏ ủng hộ những khuyến cáo của WHO và UNICEF. Họ mong muốn trường học có thể tái mở cửa an toàn, học sinh được trở lại trường để bắt nhịp với năm học mới.

Chị Milena Maric, giáo viên tại Serbia, cho biết: “Hệ thống trường học của chúng tôi thích nghi nhanh chóng với sự chuyển đổi. Nhưng học sinh khó trau dồi kỹ năng xã hội, làm việc nhóm, chia sẻ ý tưởng và giao tiếp khi học trực tuyến.

Cách duy nhất để thoát khỏi tình trạng này là mở cửa trường học, tôn trọng các biện pháp ngăn ngừa lây nhiễm. Nếu có thể, chính phủ hãy tiêm vắc-xin cho tất cả các nhà giáo dục”.

Theo The Guardian

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ