Thiếu ngoại ngữ khó cạnh tranh việc làm lương cao

GD&TĐ - TS Lưu Việt Hùng – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Hàng hải 1 cho rằng, sinh viên không đáp ứng yêu cầu về ngoại ngữ sẽ thu hẹp cơ hội việc làm có mức thu nhập cao.

Ngoại ngữ chính là kỹ năng bắt buộc khi người lao động muốn tiếp cận việc làm ổn định.
Ngoại ngữ chính là kỹ năng bắt buộc khi người lao động muốn tiếp cận việc làm ổn định.

Ngoại ngữ mở ra nhiều cơ hội việc làm

TS Lưu Việt Hùng – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Hàng hải 1 cho biết, ngoại ngữ có vai trò quan trọng đối với sinh viên, đặc biệt là ở các cơ sở GDNN. Trong thời đại toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, ngoại ngữ đang trở thành một yếu tố quan trọng để con người có thể kết nối với thế giới đa chiều, đa văn hoá.

Việc biết và sử dụng thành thạo thêm một ngoại ngữ sẽ tạo cơ hội việc làm cho mỗi cá nhân nói chung và cho sinh viên các cơ sở GDNN nói riêng. Ở một số vị trí việc làm, nhiều người đáp ứng được năng lực chuyên môn tốt, nhưng không có ngoại ngữ nên mất đi mức thu nhập cao cho bản thân.

Trước đây, việc học ngoại ngữ thực sự rất khó khăn và chỉ diễn ra khi có hướng dẫn của giáo viên. Ngày nay có rất nhiều công cụ, phương tiện có thể hỗ trợ cho sinh viên tự học, tự phát triển tất cả các kỹ năng thông qua các phần mềm và các lớp học trực tuyến với giáo viên bản ngữ.

TS Lưu Việt Hùng cho biết thêm, sinh viên được trang bị ngoại ngữ có rất nhiều ưu thế. Thứ nhất, ngoại ngữ mở ra nhiều cơ hội việc làm. Đặc biệt là tại các công ty nước ngoài. Các đơn vị này, ngoài việc yêu cầu năng lực làm việc, họ cần nhân viên sử dụng ngôn ngữ toàn cầu là tiếng Anh.

Hơn nữa, việc biết thêm ngoại ngữ giúp các bạn hiểu kỹ thêm về văn hoá công ty, nhân sự, tiền lương, các điều kiện làm việc và tìm kiến cơ hội nghề nghiệp phù hợp. Thậm chí, còn rất thuận tiện trong quá trình trả lời phỏng vấn và thoả thuận mức lương. Nhiều sinh viên tốt nghiệp ngành đi biển của Trường Cao đẳng Hàng Hải 1 tham gia phỏng vấn để được nhận làm việc trên các tàu có thuyền viên đa quốc tịch, chạy tuyến quốc tế. Nếu họ sử dụng ngoại ngữ thành thạo thì việc được tiếp nhận với mức lương cao rất khả thi.

Thứ hai, ngoại ngữ góp phần tăng thu nhập. Theo thống kê việc tăng thu nhập đối với người có ngoại ngữ tăng khoảng 15% so với người cùng chuyên môn nhưng không biết ngoại ngữ.

Thứ 3, ngoại ngữ giúp chúng ta tiếp cận với kho tri thức nhân loại. Sinh viên có thể tìm hiểu chuyên môn, văn hoá chỉ qua một cú click chuột hoặc có thể trực tiếp tham khảo, xin ý kiến chuyên môn từ các chuyên gia nước ngoài nhanh chóng, thuận tiện trong công việc.

Ngoại ngữ là một hành trang không bao giờ lỗi mốt trong thời đại 4.0 khi mà tất cả các hoạt động đều không có biên giới. Thế giới ngày một phát triển, máy móc có thể thay thế con người trong một số công việc, nhưng khả năng giao tiếp linh hoạt để xoá đi ranh giới văn hoá là điều mà máy móc không bao giờ có thể làm được.

TS Lưu Việt Hùng – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Hàng hải 1. Ảnh NVCC
TS Lưu Việt Hùng – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Hàng hải 1. Ảnh NVCC

Ngoại ngữ không thay thế thao tác kỹ năng nghề nghiệp

Nói về thực trạng nhiều nhà tuyển dụng cho rằng, sinh viên trường nghề còn yếu và thiếu ngoại ngữ, TS Lưu Việt Hùng cho biết: Hiện nay, sinh viên trường nghề được tạm phân chia thành 2 nhóm.

Nhóm thứ nhất bao gồm sinh viên học các ngành nghề mà vị trí việc làm mà các em hướng tới không cần hoặc ít sử dụng đến ngoại ngữ. Điều này dẫn đến thực trạng yếu và thiếu ngoại ngữ. Hầu hết, các em chưa tính đến việc tăng giá trị bản thân bằng việc trang bị thêm một ngoại ngữ để có thêm nhiều cơ hội và thu nhập cao hơn.

Nhóm thứ 2 gồm các sinh viên đang học tại các ngành nghề được khuyến cáo sẽ sử dụng ngoại ngữ. Thực tế các sinh viên này đã được tư vấn, hướng nghiệp rõ ràng và có tâm thế để trau dồi ngoại ngữ song hành nâng cao kiến thức, năng lực chuyên môn. Tuy nhiên, số lượng các em sinh viên xác định đúng mục tiêu học tập trong một lớp chỉ khoảng 40% - 50%.

Hiện, nhiều sinh viên cho rằng, đã giỏi ngoại ngữ thì không cần học nghề vì có thể làm nhiều nghề khác. TS Lưu Việt Hùng nhấn mạnh: Ngoại ngữ không là công cụ thuần tuý mà là văn hoá, hỗ trợ quá trình giao tiếp và chuyên môn. Do đó, việc học ngoại ngữ phải song hành với học chuyên môn, nếu biết sử dụng ngoại ngữ thì việc xử lý chuyên môn sẽ thuận lợi hơn rất nhiều.

Điều này không loại trừ đối với những cá nhân có năng khiếu ngoại ngữ, trường hợp này có thể đi học chuyên sâu ngôn ngữ để trở thành giáo viên ngoại ngữ hay phiên dịch. Tuy nhiên, đối với sinh viên trường nghề thì việc giỏi nghề là tất yếu và ngoại ngữ không thể thay thế được các thao tác kỹ năng nghề nghiệp. Do đó, việc học ngoại ngữ cần phải được đặt song hành với học nghề để phát huy tốt nhất năng lực người học.

Để tăng cường trình độ ngoại ngữ cho sinh viên, nhất là tại các cơ sở GDNN, TS Lưu Việt Hùng cho rằng: Giáo viên cần học hỏi, biết sử dụng nhiều CNTT trong hoạt động dạy học để tạo hứng thú cho người học. Đồng thời, tạo các nhóm, cặp để người học trình bày những quan điểm riêng.

Người dạy cũng cần được đào tạo chuyên sâu. Biết kết hợp sử dụng hình ảnh, video, trò chơi, bài hát, truyện ngắn, ngữ cảnh thực tế. Người dạy cần đánh giá khách quan, công bằng, ghi nhận, khích lệ sự tiến bộ của người học. Từ đó, truyền cảm hứng, nâng cao nhận thức vị trí môn học trong chương trình, trong công việc sau này và trong xã hội.

Thấu hiểu được tầm quan trọng của việc học ngoại ngữ, sinh viên Nguyễn Trâm Anh – Trường Đại học Vinh (Nghệ An) cho rằng, sinh viên phải có ý thức tự nâng cao năng lực của bản thân. Từ đó xây dựng động cơ, phương pháp học tập thích hợp. Nhà trường cần nghiên cứu xem việc dạy và học ngoại ngữ là môn học chính, tăng số lượng tín chỉ; tổ chức nhiều cuộc hội thảo, giao lưu giữa sinh viên trong, ngoài trường và với sinh viên quốc tế. Giảng viên phải đổi mới phương pháp giảng dạy, tạo cho sinh viên động lực học tập.

Nữ sinh này cũng cho rằng, nhà trường cùng tổ chức Đoàn, hội các cấp cần tạo môi trường giao tiếp thường xuyên cho sinh viên, tránh để xảy ra việc kiến thức chỉ nằm lại trên bài thi, không sử dụng thực tế, như: Tổ chức nhiều chương trình, nhiều cuộc thi liên quan đến ngoại ngữ, thành lập câu lạc bộ tiếng Anh...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.