Thi sĩ Bàng Bá Lân trong - Người của 'nhà quê'

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ -Nhà thơ, nhà giáo, dịch giả, nhiếp ảnh gia Bàng Bá Lân, họ tên thật Nguyễn Xuân Lân (17/12/1912 – 20/10/1988), quê tỉnh Hà Nam nhưng sinh ở phố Tân Ninh, phủ Lạng Thương (nay thuộc thành phố Bắc Giang); đỗ Tiểu học Pháp - Việt ở Đáp Cầu; học và đỗ bằng Thành chung ở Trường Trung học Bảo hộ Hà Nội (Trường Bưởi) rồi trở về Bắc Giang (1934).

Thơ của Bàng Bá Lân mang đậm chất liệu quê nhà. Tranh minh họa
Thơ của Bàng Bá Lân mang đậm chất liệu quê nhà. Tranh minh họa

Bàng Bá Lân không xuất hiện nhiều trên báo nhưng sớm có tập Tiếng thông reo (Lê Cường Xb, 1934), Xưa (in chung với Anh Thơ. Sông Thương Xb, 1941, 50 trang) và tập Tiếng sáo diều (Bản thảo, 1939 - 1945), thuộc số những cây bút khơi nguồn, kiến tạo phong trào Thơ mới.

Thơ Bàng Bá Lân đã được nhiều người trong cuộc, đương thời Thơ mới như Lê Ta, Nguyễn Nhược Pháp, Mộc Khuê, Lương Đức Thiệp, Hoài Thanh, Hoài Chân, Diệu Anh… cùng quan tâm tìm hiểu, phân tích mọi lẽ hay dở, xác định đặc điểm tiếng thơ một thời và những bước tiến vượt bậc, góp phần khởi dựng phong trào Thơ mới - “Một thời đại trong thi ca”…

Cũng cần nói thêm, Bàng Bá Lân còn là một tài danh nhiếp ảnh, sớm đoạt nhiều giải thưởng lớn trong nước và quốc tế như Giải Agfa - Việt báo (Hà Nội, 1937), giải Nhì cuộc thi ảnh về phủ Thống sứ Bắc Kỳ (1938), Huy chương của La Revue Francaise de Photographie et de Cinématographie (Tạp chí nhiếp ảnh và điện ảnh Pháp) ở Paris (1939)...

Hương quê đi vào thơ như máu thịt

Nhà thơ Bàng Bá Lân.

Nhà thơ Bàng Bá Lân.

So với nhiều tác gia Thơ mới, Bàng Bá Lân thuộc lớp nhà thơ khởi đầu, chỉ hai năm sau khi xuất hiện phong trào Thơ mới, khi vừa tròn 22 tuổi đã có tập Tiếng thông reo (1934), ra đời cùng một năm với Anh Nga của Huy Thông, Anh với em của Lan Sơn, Khúc Ly tao của Đỗ Huy Nhiệm, Tập thơ đầu của Nguyễn Vỹ; trước một năm so với Mấy vần thơ (1935) của Thế Lữ, Ngày xưa của Nguyễn Nhược Pháp, Bâng khuâng của Phan Văn Dật, Tiếng địch sông Ô của Huy Thông, Cô gái xuân của Đông Hồ…

Tương tự như hai tập thơ của Lan Sơn và Nguyễn Vỹ, tập thơ Tiếng thông reo (ký bút danh B. Blan) đã bị Lê Ta (bút hiệu của Thế Lữ) “đập” cho tơi bời khói lửa trong mục Cuộc điểm sách: Tiếng thông reo của B. Blan trên báo Phong hóa:

“B. BLAN? Tên chi lạ dữ vậy? B. Blan là tên một người làm thơ Việt Nam bằng giọng Tây. Cho nên Tây ở cái tên và Tây ở cả những chữ đề đầu các bài thơ Quốc ngữ. Trên đường rấn bước, ông đề là: Tren dương ran buoc; Một đêm mơ là mot dem mo; Dưới đèn là duoi den; Em gọi dầu hay Em gội dầu, hay Em gội đầu là Em goi dâu, mặc ai muốn đoán thế nào thì đoán.

Nhưng khó đoán nhất là hai câu đề: Vuon cu nao dau, co hai dau và Rau mat. Vuon cu nao dau, có lẽ là Vươn củ nào đâu, cô hai đầu, không thì ít ra cũng là Vườn củ nào đau, cô hai đâu? Còn Rua mat, đích thị là Rủa mát.

Nói vậy mà chơi đó thôi! Tôi muốn tìm một cớ để bỡn cợt riêng ông Bè Bờ Lăng chút ít, chứ nếu lối đầu đề khôi hài trên này đáng trách thì tôi đã trách cả những chữ Bo biên, Em la, Tho o, Gio giang vui, Tinh chan that, Noi dau long… của những cuốn Tình em và Dưới trăng kia rồi. “Bo biên” tôi sẽ chế là Bò biển; “Tho o” là Thó o; “Gio giang vui” là Giở giang vui; mà “Noi dau long” thì tôi gọi là Nồi đậu lỏng…

Nhưng nếu lại không nói lôi thôi thế, thì tôi còn biết nói chi về cuốn Tiếng thông reo được nữa. Chả nhẽ chỉ phê có độc một chữ “soàng”? Mà cái soàng, thì không phải là cái hay để mà ca tụng, cũng không phải là cái dở để mà bực mình.

Người ta thản nhiên giở sách ra, thản nhiên đọc hết trang nọ đến trang kia, thản nhiên gấp sách gạt sang một bên, không động lòng, nhưng không tức giận. Và ngẫm cho cùng thì văn thơ của ông B. Blan cũng không đến nỗi soàng đến thế.

Bởi vì, ngoài những câu tả không đúng như: Ai oán thông già rên cạnh suối,/ Thông ào ào réo ngỡ mưa tuôn…; Ngoài những câu mộc mạc như: Bên lửa, nàng lôi khách lại gần (!)/ Này chén chè ngon, anh hãy uống,/ Rồi cơm canh nóng sẽ cùng ăn…; Hoặc mập mờ, bối rối như trong bài thơ Thú quê, lôi thôi lúng túng như bài Gẩy rơm với những câu: Ngạc nhiên nhưng vẫn đứng im,/ Rồi hai cặp mắt cùng nhìn ngẩn ngơ…/ Ngậm ngùi sẽ hỏi vì đâu hỡi nàng?/ Vì đâu em chẳng ở làng,/ Lại ra ở chốn đồng hoang thế này… Lủng củng như bài Đêm qua với cảnh: Gió gào thét. Mưa xa nặng hạt,/ Gió đưa mưa “thăm” quán tơi bời./ Lá đa rụng nặng rơi lốp đốp,/ Bần sẽ rên thảm thiết: trời ôi!!! (!!!)”…

Nhưng không chỉ một chiều phê phán, Lê Ta (Thế Lữ) còn chi chút tìm đọc, sàng lọc lấy những ý, những chữ, những câu thơ hay và chân tình đưa ra bài học kinh nghiệm: “Và ngoài những câu thơ ép, nặng nề, tỏ ra tác giả không cần chọn chữ đúng và mặc thây cả vần thơ (thiêng liêng với trần gian, mắt sáng với âu yếm, sóng với thẳm, gió lạnh với sương đọng...), ngoài những lỗi đó, tác giả cũng tìm được một vài ý hay, cảnh đẹp, một vài nét bút đơn giản, nhẹ nhàng khiến cho người đọc ngạc nhiên:

“Bờ ao thu, trăng đọng cành sương”…

…Bên bờ thu biếc, khóm phù dung

Soi bóng hồ thu ngắm nước trong.

“Hứng gió rũ sương thu gội lá”…

…Nắng uống sương mai, gội gió thu.

Và bài Chiều thu với hai câu sau cùng: Nước trong xanh nhạt in đôi bóng,/ Một cặp thuyền nan lặng thả câu là những câu đặc sắc nhất trong cả cuốn thơ của ông B. Blan.

Ông B. không phải là không có tâm hồn thơ. Ông biết cảm động trước những hình sắc thường có ở trước mặt mọi người. Nhưng chỉ có người làm thơ là chú ý tới.

Ông biết trông những nét ánh trăng lóng lánh trong nước chậu thau rửa mặt, biết thấy cái buồn ngao ngán, tịch mịch của lớp nhà tranh bên khóm chuối, bên rặng cau lúc trưa hè; biết tìm vẽ những cảnh êm đềm trong một gia đình yên lặng: Bà dừng kim khâu, cháu thôi nghịch đến bên bà, con mèo vờn cuộn chỉ hay con vện nằm ngoài hiên.

Ông cũng thấy lòng rung động khi nghe tiếng ve mùa hạ kêu gào làm rung rinh ánh nắng gay gắt, làm thở dài làn gió trong cành sấu mốc rêu… Rồi ông ví thân thi sĩ chẳng khác gì thân ve, hút gió ăn sương để ca nên những khúc não nùng cho đến ngày thu cây rủ lá vàng, ve ở trên cành chỉ còn là cái xác.

Đời thi sĩ ngẫm xem nào có khác,

Kiếp ve kia rút ruột hiến ai ai.

Khúc đàn tâm lựa gẩy để người vui,

Mà riêng chịu nỗi thất vọng,

đau thương, lời chế bác…

Rồi mực cạn, bút cùn, tơ lòng tan nát,

Với thời gian, đời sẽ dần quên!

Lòng khách thơ lại đau đớn, đeo thêm,

Một mối hận cuối cùng! Ôi!

Nghề đen bạc!

Lời thơ thiết tha, êm ái, và thành thực, dẫu tôi chẳng phải là thi sĩ, nhưng trong lòng cũng thấy buồn bã một cách nhẹ nhàng… Ồ, giá cả cuốn thơ, tác giả cũng cho nghe những điệu như thế có hơn không? Món ăn cuối cùng tuy ngon, nhưng người ta vẫn còn chưa quên khó chịu về những món khó tiêu trước” (Phong hóa, số 137, ra ngày 22/2/1935)...

Rõ ràng là thái độ phê bình của Lê Ta Thế Lữ rất sòng phẳng, lên giọng châm biếm những bài thơ thô mộc, khôi hài, những câu thơ ép vần, thử nghiệm tầm phào, nhưng cũng biết đồng cảm, nâng niu từng câu thơ hay và hết lòng động viên, khích lệ người làm thơ.

Chừng hai tháng sau, thi sĩ Nguyễn Nhược Pháp bày tỏ sự cảm thông, cảm phục, dự cảm và tin cậy khuyến khích một hướng đi, một dòng cảm xúc, một lối viết đậm chất đồng quê: “Tôi rất lấy làm mừng vì đã hiểu được tâm hồn anh. Cái vui nhất của người phê bình là hiểu thấu được tâm hồn tác giả cuốn sách. Như ý tôi, thì phải thật là thi sĩ mới biết yêu thú quê, cái thú vui mộc mạc.

Ca hát tình yêu thì hỏi người trai trẻ nào mà không ca? Đã là văn thì phải cần có cái gì xuất sắc. Thơ anh hơi điểm chút buồn nhưng cái buồn êm ái, điềm đạm. Thơ cảnh lại có tình thì hoàn toàn vậy.

Tôi dám quả quyết rồi sau này anh sẽ chiếm một địa vị độc nhất trong làng thơ: Anh sẽ là thi sĩ của thôn quê. Chắc anh không quên thi sĩ Latinh trứ danh Virgile, một người yêu cảnh thôn quê một cách lạ lùng. Anh nên lấy mà làm gương” (Thư Nguyễn Nhược Pháp gửi Bàng Bá Lân, 20/4/1935)…

Đến năm 1941, Bàng Bá Lân cùng nữ sĩ đồng hương Anh Thơ cho in chung tập thơ Xưa, trong đó Bàng Bá Lân góp 15 bài, Anh Thơ 10 bài. Ghi nhận điều này, nhà phê bình Mộc Khuê (Kiều Thanh Quế) trong sách Ba mươi năm văn học (NXB Tân Việt, Hà Nội, 1941) đã điểm danh hai tác phẩm của Bàng Bá Lân: “Làng thơ mới (mới lẫn cũ) của văn học Quốc ngữ trong vòng mười năm nay đếm được: (…) Lắng nghe Tiếng thông reo (1934), Bàng Bá Lân cùng Anh Thơ gảy khúc đàn Xưa (1941)”…

Khác biệt trong bức họa đồng quê

Đến công trình tổng thành Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh - Hoài Chân (Nguyễn Đức Phiên xuất bản, Huế, 1942), hai ông tuyển hai bài thơ của Bàng Bá Lân (Trưa hè và Cổng làng) nhưng đều rút từ tập bản thảo Tiếng sáo diều (chưa xuất bản).

Chỉ với hai bài thôi nhưng đã đủ là niềm vinh dự, sánh ngang với số bài được tuyển của Vũ Đình Liên, Thanh Tịnh, Huy Thông, Nguyễn Vỹ, Bích Khê, Yến Lan, Phạm Hầu, Xuân Tâm, Nguyễn Nhược Pháp, Mộng Tuyết, Nguyễn Xuân Huy; vượt lên Thúc Tề, Đoàn Phú Tứ, Vân Đài, Phan Khắc Khoan, Thâm Tâm, Phan Thanh Phước, Hằng Phương chỉ được chọn duy nhất một bài…

Trong phần giới thiệu, hai nhà phê bình đặt thơ Bàng Bá Lân trong tương quan so sánh với các nhà thơ đồng quê tiêu biểu như Nguyễn Bính, Anh Thơ và Đoàn Văn Cừ:

“Đồng quê xứ Bắc đã gây cảm hứng cho nhiều nhà thơ. Nhưng mỗi nhà thơ xúc cảm một cách riêng. Nguyễn Bính nhà quê hơn cả nên chỉ ưa sống trong tình quê mà ít để ý đến cảnh quê. Anh Thơ không nhà quê một tí nào. Anh Thơ là một người thành thị đi du ngoạn, nên chỉ thấy cảnh quê (Tôi không muốn nói đến Đoàn Văn Cừ ở đây).

Bàng Bá Lân gần Anh Thơ hơn gần Nguyễn Bính. Bàng Bá Lân cũng ít sống trong tình quê nhưng người hiểu cảnh quê hơn Anh Thơ; hiểu hơn vì mến hơn. Thơ Bàng Bá Lân và Bức tranh quê đều là những bông hoa khả ái từ xa mới đưa về, nhưng bông hoa Bàng Bá Lân ra chiều đã thuộc thủy thổ hơn, cho nên sắc hương nó cũng khác.

Bàng Bá Lân không có cái tỉ mỉ của Anh Thơ, không nhìn đủ hình dáng đời quê như Anh Thơ. Anh Thơ có khi nhìn cảnh không mến cảnh, Bàng Bá Lân có khi lại mến cảnh quên nhìn, nhưng đã lưu ý đến cảnh nào, Bàng Bá Lân thường lưu luyến cảnh ấy.

Như khi người tả một buổi sáng: Cổng làng rộng mở. Ồn ào,/ Nông phu lững thững đi vào nắng mai. Ta thấy rõ người mến cảnh ấy lắm: Lòng người cùng rộng mở với cổng làng và cùng vui với nông phu trong nắng sớm. Bởi thế có lúc người đã cảm được hồn quê vẫn bàng bạc sau cảnh vật. Tôi không biết làm thế nào nói cho ra điều này. Âu là cứ trích ít câu thơ của Bàng Bá Lân:

Quán cũ nằm lười trong sóng nắng,

Bà hàng thưa khách ngả thiu thiu.

Nghe mồ hôi chảy đầm như tắm…

Đứng lặng trong mây một cánh diều.

Cả cái hồn lặng lẽ ngây ngất của đồng quê dưới nắng trưa như ngưng lại trong mấy câu ấy. Một lần khác, tả cảnh trưa hè trong một gian nhà tranh tịch mịch, người viết: Bụi nằm lâu chán xà nhà/ Nhẹ nhàng rơi phủ bàn thờ buồn thiu… Mười bốn chữ, chữ nào cũng mang nặng một chút hồn! Thiết tưởng người ta không thể đi sâu vào cảnh vật xứ quê hơn nữa.

Ấy cũng vì Bàng Bá Lân sau khi đã hấp thụ ở thành thị một nền học khá, liền về ở nhà quê luôn. Người sống cuộc đời thong dong một ông chủ trại, thì giờ để làm ruộng ít hơn là để làm thơ. Chuyện mộng của nhiều người, với Bàng Bá Lân đã thành chuyện thực.

Có nhiều người thanh niên làm gì thì làm vẫn ao ước thú điền viên, cái thú thân yêu của nhà nho ngày trước. Họ không đủ can đảm sống lam lũ như những người dân quê thực. Nhưng thành thị thì họ chán ghét lắm rồi. Họ tức tối mỗi lần nghĩ đã đưa giọt máu trong sạch và cường tráng của ông cha đến nơi hẹn hò của bệnh tật, của tội lỗi”…

Tương đồng với nữ sĩ Anh Thơ, những đóng góp của Bàng Bá Lân với nền Thơ mới nước Việt và với riêng nền Thơ mới miền quê trung du sông Thương - Bắc Giang đã được Hoài Thanh - Hoài Chân ghi nhận trong lời Nhỏ to cuối sách Thi nhân Việt Nam: “Những thơ ra đời trong mười năm nay đã nhiều lại nhiều khuynh hướng. Tôi cố đưa một tí trật tự vào chỗ vốn chẳng có trật tự gì. Tôi chia làm ba dòng: Dòng Pháp, dòng Đường và dòng Việt. Ấy cũng là liều.

Tôi đã phân vân nhiều lắm trước khi dám liều như vậy. Bởi người ta có thể tìm thấy trong làng thơ những xóm như: Xóm Sông Thương: Bàng Bá Lân, Anh Thơ. Xóm Tự Lực: Thế Lữ, Xuân Diệu, Huy Cận. Xóm Hà Tiên: Đông Hồ, Mộng Tuyết… Nhưng trong các xóm dân ngụ cư nhiều quá không có gì thuần nhất. Và đã chia xóm, rồi lại phải đặt “trùm xóm”, cũng lôi thôi”...

Ngay trong năm này, Lương Đức Thiệp trong chuyên khảo Việt Nam thi ca luận (Khuê Văn xuất bản cục, Hà Nội, 1942) đã lược qui thơ Bàng Bá Lân và cả Anh Thơ vào lối thơ “tả chân” với không nhiều thiện cảm: “Sóng đôi chủ nghĩa tả chân có tính cách tranh đấu, một chủ trương tả chân khác quyến rũ một số thi sĩ không sắc màu chính trị.

Ông Bàng Bá Lân - hơn nữa - cô Anh Thơ đứng ra thay mặt cho phái này, dẫu hữu ý hay vô tình. Tập Bức tranh quê của nữ thi sĩ đầy chặt những bức họa thô sơ về một phương diện sinh hoạt của dân chúng: Ai ơi! Có biết xuân già trẻ?/ Mừng đón xuân về lộc nẩy xanh…/ Ngòi lông gội mực trong nghiên đá,/ Khai bút mừng xuân rũa ý thơ…

Nét bút của cô Anh Thơ, của thi sĩ họ Bàng chưa đủ linh động. Cảnh với tình còn rời rạc hay tê cứng trong những câu mà nhạc điệu còn thô kệch. Quan niệm về thơ đã mơ hồ (hay sai lạc) không giúp tài nghệ phái này phát triển được. Con đường bế tắc đã vẽ ra trước mắt mọi người: Thơ khô khan như những bức ảnh chụp bằng chiếc máy kính mờ… Đã phóng ảnh một cách máy móc, thi sĩ không truyền sang cảnh vật được nguồn rung động của tâm hồn mình”...

Trong bài viết có ý nghĩa tổng kết thường niên Những hoạt động văn chương Việt Nam trong năm qua in trên báo Thanh nghị (số 10, tháng 3/1942), Diệu Anh Đinh Gia Trinh lại tỏ ý đồng cảm với chất thơ đồng quê và đánh giá cao bước tiến của “cặp bài trùng” Bàng Bá Lân - Anh Thơ: “Một điều người ta thường nhận xét là một tật xấu thông thường của nhiều bài thơ của các tác giả tự cho mình là thi sĩ: Sự nghèo nàn trong thi tứ (ngoài các đề về tình ái, thiếu những rung động mới lạ, những băn khoăn có tính cách khoáng đạt và cao thượng), sự thiếu nhạc điệu trong hình thức...

Gần đây cô Anh Thơ và ông Bàng Bá Lân có xuất bản chung tập thơ Xưa. Ông Lân là một nhà thơ có thể tiến bộ hơn nữa về nhạc điệu; ông ưa tả những niềm tình của thời xưa, những tâm lý đơn giản ở thôn quê và thi vị của đồng nội. Cô Anh Thơ không ưa diễn những mơ mộng và những tình cảm lãng mạn; cô muốn là một nhà thi sĩ tả chân và cô ưa làm sống lại những hoạt động của thời xưa, tả thực những cảnh sống nôm na ở thôn quê”...

Đến với làng Thơ mới bằng tập Tiếng thông reo còn nhiều hạn chế, qua thời gian Bàng Bá Lân đã vượt lên mình và nhập cuộc trong dàn đồng ca phong trào Thơ mới. Những người làm thơ và giới phê bình đương thời đã đón nhận ông, đồng cảm với một giọng thơ đồng quê bình dị, lắng sâu.

Nhìn rộng ra, ngay từ đương thời Thơ mới, Bàng Bá Lân đã cùng Anh Thơ tiếp tục khơi nguồn dòng thơ sông Thương hòa trong nền thơ dân tộc và hiện đại.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Tham vọng đi vào lịch sử

GD&TĐ - Bầu cử Quốc hội ở Ấn Độ luôn là sự kiện không nơi nào trên thế giới có thể sánh được về quy mô và thời gian.
Cán bộ y tế đỡ đẻ ngay trên biển.

Đỡ đẻ cho sản phụ ngay trên biển

GD&TĐ - Một sản phụ ở xã đảo Quan Lạn, huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) được các bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Vân Đồn đỡ đẻ thành công ngay trên biển.