Thuở nhỏ, ông theo cha mẹ qua nhiều nơi, từng học ở Hải Phòng, Trường Tourane (Đà Nẵng), rồi Trường Bảo hộ Pháp (Trường Bưởi) ở Hà Nội. Học xong, ông về làm việc tại Sở Công chính Hải Phòng.
Năm 1936, ông cùng Lê Đại Thanh (1907 - 1996) thành lập Đoàn kịch Đại Thanh - Lan Sơn, mở Nhà hát Ca trù ở xóm Quần ngựa (Hải Phòng). Đương thời Thơ mới 1932 - 1945, ông từng làm biên tập và cộng tác với các báo: Hải Phòng tuần báo, Phong hóa, Ngày nay, Hà Nội báo, Chuyện đời, Tinh hoa… Đã xuất bản tập thơ Anh với em (Nguyễn Văn Dzĩnh xuất bản, H., 1934)…
Đương thời thơ của ông đã được Nguyễn Tiến Lãng, Lê Ta (Thế Lữ), Nguyễn Triệu Luật, An Như Ý, Thạch Lam, Trúc Hà (Trần Thiêm Thới), Lê Văn Hòe, Mộc Khuê (Kiều Thanh Quế), Hoài Thanh - Hoài Chân, Vũ Bội Liêu… cùng quan tâm tìm hiểu, phân tích, giới thiệu với đông đảo công chúng bạn đọc.
Lấy thơ để “đánh ghen”
Ngay khi tập thơ đầu tay (và là tập thơ riêng duy nhất) của Lan Sơn mới được xuất bản, chủ tướng của phong trào Thơ mới Lê Ta (Thế Lữ) đã có bài giới thiệu Cuộc điểm sách: Anh với em in trên báo Phong hóa (số 119, ra ngày 12/10/1934).
Trong nửa phần đầu, Lê Ta giới thiệu từ hình thức trang trí bìa sách đến phân tích những dòng cảm hứng chủ đạo của tập thơ và khả năng có một vài bài chịu ảnh hưởng thơ Pháp:
“Ngày xưa, nhà làm thơ Lamartine là người thứ nhất đã bỏ cây đờn lề lối bảy dây để nẩy muôn sợi tơ lòng. Muôn sợi tơ lòng rung động ca ngợi được đủ các tình tứ của tâm hồn và cảnh vật. Ngày nay, ông Nguyễn Lan Sơn muốn bỏ cây đờn cũ để ôm cây đờn Hy Lạp là biểu hiệu thơ mới của ông.
Cây đờn ấy có 5 dây, theo như hình vẽ ngoài bìa sách. Vô tình hay hữu ý, nhà thi sĩ thanh niên của tôi đã tìm được cách rất khéo để tóm đại ý tập thơ mới Anh với em (Anh với em, thơ mới Nguyễn Lan Sơn - Nguyễn Văn Dzĩnh xuất bản. Có bài tựa của Nguyễn Tiến Lãng, trong đó, người đề tựa xưng mình là anh, gọi tác giả là em).
Vì Anh với em là một tập thơ chỉ tả 5 thứ tình: Yêu, thương, nhớ, giận, ghen. Bằng ấy nỗi niềm pha trong mấy điệu thơ buồn rầu, tha thiết, đau thương, đựng trong hơn 90 trang giấy và chia làm ba phần: Phần thứ nhất đề là Nụ đầu xuân, trong đó có bài Tình xưa thu tạ. Phần thứ hai đề là Nắng hạ hay nhất là bài tả cô con gái mùa xuân gọt thủy tiên. Phần thứ ba Tàn thu có hai bài đều xuân cả: Xuân qua và Xuân hận.
Thi sĩ quả là một người mơ màng. Trong cả tập thơ, có lẽ những bài Lơ đãng trang 23, Vết thương lòng (Đã đăng Phong hóa, số Tết) trang 33 là hơn cả. Tác giả ưa lấy hình ảnh, tỉ dụ để tả nỗi lòng, tả một cách thân mật và kín đáo. Thi sĩ cùng người yêu ra ngắm cảnh vườn. Người yêu là một giai nhân lơ đãng, nhởn nhơ lấy tay bấm những trái đào xem còn non hay đã chín:
Em xem đào đã chín hay chưa?
Lơ đãng tay em vẫn hững hờ
Lại bấm thử xem bao trái khác
Như em bấm những trái non xưa.
Nhưng trái tim thi sĩ tức là trái đào kia, mà tay người yêu đã vô tình bấm thành vết thương, cũng như bình hoa mã tiên của Sully Prudhomme bị cái quạt làm rạn:
Những ngấn tay em vẫn rõ ràng
Một ngày một rõ vết đau thương
Mong đâu lại được xinh tươi nữa...
Trái tim kia có khi lại là củ thủy tiên nữa. Một buổi sớm kia, người yêu ngồi tỉa thủy tiên. Nàng mải trông bao cảnh lạ người qua đến nỗi dao chạm tới giò hoa. Hoa phải lụi rồi hoa bị thải ra đống rác hiên ngoài: Tim anh chung phận với hoa này,/ Cũng bởi vì em đã xảy tay./ Đã vội mải trông bao cảnh đẹp,/ Vết thương mang nặng vẫn còn đây./ Còn đây năm cũ vết thương lòng,/ Ghi lấy tình em chẳng thủy chung,/ Một phút lòng em mơ bạn mới,/ Yêu anh sau nữa cũng bằng không.
Nhưng, thiết tha, nồng nàn nhất, có lẽ mấy câu đầu bài Anh vẫn biết:
Anh vẫn biết: anh thật hay hờn giận,
Tự anh chuốc lấy sầu, tự anh
mua lấy hận.
Anh giận em những việc không đâu!
Anh trách em, anh châm chọc từng câu,
Anh yêu lạ lùng, vì anh yêu em quá…
Thực là những tiếng vang của Paul Géraldy, tác giả Toi et moi”...
Như vậy là ngay khi tập thơ vừa mới được in ra thì Lê Ta đã chỉ rõ nguồn thơ Pháp đã ảnh hưởng đến thơ Lan Sơn. Bài thơ Vết thương lòng của Lan Sơn có ý tưởng, cấu tứ tương đồng (có người gọi là “phóng tác”) so với bài Le vase brisé (Bình hoa vỡ) của nhà thơ Pháp Sully Prudhomme, tên thật là René Francois Armand Prudhomme (1839 - 1907), người đầu tiên nhận giải Nobel Văn học (1901).
Còn bài Anh vẫn biết của Lan Sơn thì Lê Ta cho rằng, chính là âm hưởng đồng vọng từ tập thơ Toi et moi (Em và anh) (1913) của nhà thơ, nhà văn Pháp Paul Géraldy (1885 - 1983).
Điều này cho thấy, tầm kiến văn sâu rộng và mối liên hệ chặt chẽ giữa tầng lớp trí thức, văn nghệ sĩ, thi nhân Việt Nam đương thời Thơ mới với cội nguồn văn hóa - văn học Pháp quốc giai đoạn cận - hiện đại… Trong nửa phần sau bài báo, Lê Ta thẳng thắn góp ý, phê bình những ý thơ mà ông cho là vẩn vơ, dễ dãi, ầm ĩ: “Thi sĩ là người đa tình, làm thơ cũng toàn về tình, cái tình Anh và Em, nghĩa là trai với gái. Có vậy đó thôi. Ta đừng đợi ở tác giả những giọng hùng tráng, hoặc bi đát mà cao siêu, hoặc buồn thương mà rộng rãi. Cây đàn và trái tim của Lan Sơn này chỉ phụng sự cho ái tình (…). Ước ao rằng bây giờ đọc thơ Lan Sơn, người ta không sầu một cách ầm ĩ đến như thế”…
Tiếp theo trong mục bài Cuộc điểm… mấy nàng thơ (Phong hóa, số 132, ngày 11/1/1935), Lê Ta có ý chê thơ của các ông Từ Bộ Hứa, Nguyễn Vỹ, Đức Văn, Nhuệ Thủy và cả Lan Sơn: “Thi sĩ là người đa tình. Mà tình nhân thi sĩ là Nàng Thơ (…).
Nàng Thơ của ông Lan Sơn là một người hay vòi. Tôi thấy lúc nào nàng ta cũng lẽo đẽo đi lải nhải theo sau thi sĩ, tay cầm cái mùi xoa ướt đẫm, mặt thì mếu xếch mếu xác. Chẳng biết có bị thi sĩ bạt tai cho cái nào không”...
Tha thiết để rồi im lặng
Từ phương Nam, nhà văn Trúc Hà (Trần Thiêm Thới) quê gốc Hà Tiên đã viết bài Phê bình tập thơ Anh với em của Lan Sơn trên báo Sống (Sài Gòn, số 8, ra ngày 19/3/1935), trước hết đánh giá cao những “điệu mới, ý mới” gắn với chủ đề tình yêu: “Anh với em là một tập thơ mới xuất bản gần đây của ông Nguyễn Lan Sơn. Theo lời tựa của ông Nguyễn Tiến Lãng, thì tập thơ ấy là “cái bông hoa đầu mùa” đã đưa tác giả từ địa vị cậu học sinh lên địa vị nhà thi sĩ.
Cây đàn Hy Lạp đăng trên cái bìa trắng trẻo đẹp đẽ chủ ý để lộ cái khuynh hướng của tác giả về lối thơ điệu mới, ý mới. Toàn tập cả thảy 20 bài chia làm ba phần: Nụ đầu xuân, Nắng hạ, Tàn thu. Từ xuân đến thu, các bài thơ đều một giọng than thở, bi ai, sầu oán. Thi sĩ rất khốn khổ vì ái tình mà vẫn một mực chung tình”.
Sau khi phân tích mấy bài thơ cụ thể - cũng giống như Lê Ta - Trúc Hà chỉ ra những bài trong tập Anh với em chịu ảnh hưởng của thơ Pháp, cũng như thơ người đương thời, cụ thể là Thế Lữ: “Tác giả chịu ảnh hưởng thơ Tây rất nhiều. Đọc những bài Lơ đãng, Vết thương lòng, ta liền có cái cảm như đọc bài Cái bình vỡ của Sully Prudhomme, tuy ngụ ý có chỗ khác. Và chịu ảnh hưởng của bọn thi nhơn đồng thời, nhất là của thi sĩ Thế Lữ (…).
Tuy đã ôm cây đàn mới để hòa nhịp với muôn sợi tơ lòng, thi sĩ vẫn còn quyến luyến với âm điệu cũ mà ngày xưa bà Đoàn Thị Điểm, ông Ôn Như hầu ưa khảy. Tiếc thay, cái âm điệu ấy đã quen tai ta quá rồi, nó không còn cái hiệu lực rung động cái dây tình cảm ta nữa. Tôi không bảo những điệu thơ cũ phải bỏ hẳn.
Nhưng đã làm thì phải cho nó có cái vẻ mới, cái âm hưởng mới, hợp với tâm lý, với sở thích của lớp người đang khát khao cái mới. Những bài thơ thất ngôn dài ở hai phần trên đã có được các màu mè ấy. Hơi có nhẹ nhàng, mau lẹ, trẻ trung, khác hẳn cái giọng nghiêm trang già cỗi ngày trước”… Đến phần kết, Trúc Hà chỉ rõ nguồn cảm xúc, giọng điệu trữ tình thơ Lan Sơn và khả năng cuốn hút, tác động tới một bộ phận bạn đọc: “Anh với em sẽ là quyển sách yêu quý của hạng người đa sầu đa cảm.
Những kẻ thất bại trong tình trường sẽ tìm được một thi nhân của họ. Mối thất vọng khổ sở, cảnh đau đớn ê chề của họ sẽ có phần an ủi được, vì họ thấy rõ rằng cái đau khổ kia chưa phải là tuyệt trần”...
Tiếp đến Hoài Thanh - Hoài Chân trong công trình tổng thành Thi nhân Việt Nam (Nguyễn Đức Phiên xuất bản, Huế, 1942) đã tuyển của Lan Sơn 3 bài thơ: Vết thương lòng, Tết và người qua..., Đám ma đi (đồng hạng với những Thu Hồng, Đỗ Huy Nhiệm, Lưu Kỳ Linh, Nguyễn Giang, Phan Văn Dật).
Về bài Vết thương lòng, hai ông có thêm chú thích: “Hãy so sánh với bài Le vase brisé của Sunly Prudhomme cùng một đề nhưng kín đáo và ý nhị hơn”; còn về bài Đám ma đi thì hai ông chú: “Chúng tôi trích bài này vì chiều theo lời yêu cầu của Ô. Lan Sơn”.
Từ đây, Hoài Thanh - Hoài Chân phác họa đặc điểm một tiếng thơ chân thành, dịu nhẹ và nhấn mạnh điểm dừng của Lan Sơn: “Một buổi sáng kia, tình yêu đã đến với Lan Sơn và người học trò ấy bỗng thành thi sĩ. Tình yêu không đưa Lan Sơn vào một trời đất nào xa lạ; Lan Sơn chưa từng đi sâu vào những chỗ u uẩn trong lòng người.
Người chỉ nói những điều rất tầm thường, những điều ai cũng biết, nhưng giọng nói của người thiết tha, chân thực dễ cảm lòng ta. Xem như khi người mong thư: Thư bạn thôi không có buổi nay!/ Người phát thư vừa qua khỏi cửa,/ Lòng anh như dại lại như ngây… Cùng khi người tìm bạn: Em ơi, nói mãi chỉ thêm sầu,/ Mỏi mắt phương trời chốc bấy lâu,/ Phố xá xôn xao, người nhộn nhịp,/ Tìm em anh có thấy em đâu.
Kể Lan Sơn còn vụng về nhiều. Lắm lúc người ngập ngừng, bỡ ngỡ. Nhưng cái bỡ ngỡ ấy không phải không có chút duyên riêng. Ấy là cái duyên của người thiếu nữ khi thỏ thẻ những lời ngây ngô mà thành thực: Em thường nói: “Ai hơn anh được!/ Em trông anh thật khác người ta,/ Biển tình cho nổi phong ba,/ Người là người lạ, anh là anh em”.
Tiếc thay tình yêu ngày một lạt. Lan Sơn hình như chỉ còn giữ lại một cái bóng để làm thơ. Nhưng tình hết, thơ Lan Sơn cũng hết. Chỉ những lúc hồi tưởng lại thời thơ ấu, trong lòng người mới có chút trong trẻo có thể diễn ra thơ.
Con người dễ thương ngày trước, con người mà Ô. Nguyễn Tiến Lãng gọi bằng em trong một bài tựa (Tựa Anh với em), con người ấy trở nên tối tăm, rắc rối, cầu kỳ, con người ấy tôi không muốn biết nữa”…
Trong bài khảo cứu dài từ góc độ thi pháp, nhà ngữ học Vũ Bội Liêu xác định đặc điểm và chứng dẫn thơ Lan Sơn: “Có khi chỉ một, hay vài chữ tài tình cũng đủ tạo nên một hình ảnh mạnh mẽ, tươi đẹp hay ngộ nghĩnh. Cái bộ mặt hốc hác như kêu gào sự đói ấy (cette face maigre qui crée la jaim (Alphonse Daudet)); Cf: Ăn no rồi lại nằm khoèo, Thấy giục trống chèo bế bụng đi xem (Ca dao).
Những lối đi mỗi lúc thêm dày đặc những bóng tối (Les chemin se remplissent dombre, homère); cf: Đám ma đi trong hơi sương lạnh giá,/ Đi trên đường và đạp xéo lòng tôi” (Thanh nghị, số 20, ra ngày 1/9/1942)…
Thi sĩ Lan Sơn thuộc số những người sớm đến với phong trào Thơ mới, thể hiện là người am hiểu thơ truyền thống dân tộc và chịu ảnh hưởng sâu đậm từ nguồn thơ Pháp.
Giới phê bình đương thời đánh giá cao tiếng thơ trữ tình mới mẻ, chân thành, thiên về khai thác thế giới nội tâm và xác nhận những đóng góp nghệ thuật của ông với phong trào Thơ mới, đặc biệt ở giai đoạn khởi đầu.