Thuở nhỏ học tiểu học ở trường huyện và trường tỉnh. Năm 1925 vào học Trường Quốc học Huế đến năm thứ ba rồi ra Hà Nội học trường tư. Từ năm 1931 bỏ học, đi dạy trường tư thục, làm báo, in sách.
Được ví như một “chiến tướng”, ngay từ đầu Lưu Trọng Lư đã xuất hiện cả trên tư cách nhà thơ và người phê bình, luận thuyết, đấu tranh cho thắng lợi của Thơ mới.
Kẻ phiêu du trong làng Thơ mới
Khoảng những năm 1933-1934, chủ trương nhà sách Ngân Sơn tùng thư ở Huế. Trong phong trào Thơ mới, ông từng cộng tác với các báo Phụ nữ tân văn, Phụ nữ thời đàm, Tiến hóa, Phong hóa, Hà Nội báo, Tân Thiếu niên, Tao đàn và xuất bản Người sơn nhân gồm 3 truyện ngắn, 10 bài Thơ mới và một bài luận bình Thơ mới (Ngân Sơn tùng thư Xb, Huế, 1933) và in tuyển thơ Tiếng thu (1939)…
Khác biệt những bài phát biểu quan niệm, trao đổi với Phan Khôi, Tản Đà, Bùi Công Trừng về nghệ thuật Thơ mới và trực tiếp giới thiệu thơ Xuân Diệu, Nam Trân,… bản thân các tác phẩm thơ của Lưu Trọng Lư cũng được người đương thời như Nguyễn Xuân Huy, T.K - Lê Tràng Kiều, Nhất Linh, Nàng Lê - Lê Tràng Kiều, Việt Châu, Trần Thanh Mại, Ngô Vũ, Thanh Châu, Lương Đức Thiệp, Hoài Thanh - Hoài Chân, Vũ Ngọc Phan, Kiều Thanh Quế… cùng phán xét, đánh giá và tiếp nhận theo nhiều cung bậc khác nhau.
Ngay từ khi Thơ mới vừa mới định hình, Nguyễn Xuân Huy và T.K (Lê Tràng Kiều) trong bài viết Một trào lưu mới trong thi ca: Thơ mới in trên báo Tân Thiếu niên ở Hà Nội (1933) đã kịp thời theo dõi “lược sử Thơ mới” và ghi nhận đóng góp của Lưu Trọng Lư ở vị thế người phụ họa, tiếp nối, phát triển tư tưởng Thơ mới của Phan Khôi: “Thế là, trong số Phong hóa 31 ra ngày 14 Janvier 1933, cô Liên Hương có gửi một “bức thư ngỏ” cho ông Phan Khôi đại ý trách ông sao đã xướng xuất ra mà bấy lâu lại thờ ơ lãnh đạm với Thơ mới, và khuyên ông “nên mạnh dạn một lần nữa mà tiến lên đường”.
Phụ theo lá thư ấy lại có cả bài Tình già và nhiều bài nữa của Lưu Trọng Lư, Tân Việt, Thanh Tâm, có lẽ là những bài Thơ mới thứ nhất, sau bài mẫu Tình già của ông Phan. Thế là trong ngày xuân xán lạn tươi cười năm 1933, Thơ mới lại nối lại với thi nhân mối giây tình đứt đoạn đã hai năm! Mà lần tái hợp này tình duyên mới mặn mà đằm thắm biết bao!”…
Trong buổi ban đầu, khi cả phía nhà phê bình cũng như người làm thơ và chính ông chủ báo Nhất Linh chủ trương in Thơ mới cũng còn phân vân khi tỏ bày ý kiến và chứng dẫn sự xuất hiện điệu Thơ mới bằng những câu thơ của Phan Khôi, Tân Việt và chính Lưu Trọng Lư (ký tên Thanh Tâm) trong bài Thế nào là Thơ mới:
“Trong bài Ngày xuân vắng khách thơ, ông Thanh Tâm tả thì giờ đi mau chóng: Rồi ngày lại ngày/ Sắc mầu: phai/ Lá cành: rụng/ Gian nhà: trống/ Xuân đi/ Chàng cũng đi… Trong bài Giấc mộng tàn, bài Lại nhớ Vân của ông Lưu Trọng Lư:
Thừa lương khách đã vắng
Trời nước mông mênh duy
còn có bốn mặt nhìn nhau lặng
Hôm nay dạ lại bần thần
Nhìn đám mây chiều lại
nhớ Vân!
Tuy câu nhiều chữ, câu ít chữ, không có bó buộc vào niêm luật, mà đọc lên cũng êm tai, mỗi câu có một điệu riêng, như một khúc âm nhạc, diễn được cái cảm của nhà làm thơ, và người xem thơ, cùng với người viết cùng cảm như nhau” (Phong hóa, 1933)...
Ngay từ khi các bài thơ được in rải rác, trước ngày ra đời tập Tiếng thu (1939), thơ Lưu Trọng Lư đã được bạn đọc hết sức quan tâm.
Từ bốn năm về trước, Lê Tràng Kiều đã cho in bài Một nhà Thơ mới rất chú trọng về âm luật: Lưu Trọng Lư trên cả hai báo Ngày nay và Văn học tạp chí (1935), năm sau in lại trên Hà Nội báo (1936), trong đó nhấn mạnh vai trò nhạc điệu trong thơ Lưu Trọng Lư và chính chất nhạc đó đã kiến tạo nên một chất giọng thơ kiểu mới: “Muốn chứng tỏ các nhà thơ cổ biết rằng Thơ mới là một thứ thơ có âm nhạc hẳn hoi, không gì hay hơn là đưa thơ của Lưu Trọng Lư mà nói, một thi sĩ xưa nay rất chú trọng về mặt âm nhạc của thơ.
Lưu Trọng Lư chính là một người đầu tiên gieo hạt Thơ mới vào đất Bắc”, nhấn mạnh sự đồng cảm với tâm tình thiếu nữ Chiêm Thành, sự đồng điệu với hồn thơ Paul Verlaine và đi đến so sánh, đối sánh, khái quát: “Thế Lữ và Huy Thông thường ngẩng lên trời nhìn núi sông cao rộng mà ca những bài ca hùng tráng... Trọng Lư chỉ cúi đầu xuống đất, bước từng bước, sợ sệt, ngại ngùng như bao giờ cũng lo đạp phải những cái linh thiêng của trời đất rơi rác xuống…
Những tình cảm tả trong thơ Trọng Lư là một thứ tình cảm dồi dào, mới mẻ, tế vi, tế vi quá cho nên người đọc khó nhận ra, vì thế, những bạn hâm mộ Thơ mới ít ưa thơ Trọng Lư bằng thơ Thế Lữ là một nhà Thơ mới, “mới” một cách táo bạo.
Nhưng đối phó với phái thơ cũ, thì thơ Trọng Lư là một cái chiến lũy chắc chắn vô cùng, vì thơ Trọng Lư có một cái âm nhạc rất dồi dào, rất phong phú... Ta chỉ tiếc một điều, thơ Trọng Lư cũng phiêu lưu, nay đây mai đó. Khi đăng ở báo này, khi đăng ở báo nọ, cho nên không mấy ai đọc được hết”…
Thế rồi Nàng Lê (Lê Tràng Kiều) trong bài Thu, thu, thu in trên báo Tiểu thuyết thứ Năm (1938) lại có dịp nhớ đến nỗi buồn thu của họ Lưu: “Có ai bình tĩnh hỏi lòng hơn nhà thơ Lưu Trọng Lư, khi mỗi mùa thu đến, lại cởi lòng ra mà: Lắng nghe trăng dải bên thềm… Có ai nhớ một lần, mùa thu chàng Lưu đã e dè ngồi trong rừng thu để nhìn: Con nai vàng ngơ ngác,/ Đạp trên lá vàng khô”…
Ngay sau khi tập Tiếng thu ra đời, tác giả Việt Châu trong bài Đọc thơ tình cảm (thơ Lưu Trọng Lư) và bàn với các ông Lê Tràng Kiều, Trần Thanh Mại in trên báo Mai ở Sài Gòn (1939) đã nêu rõ quan niệm riêng của mình về lối “thơ tình cảm” và đề cao thơ tình cảm của Lưu Trọng Lư: “Có người sẽ hỏi: Thơ nào chẳng là tình cảm? Thơ tình cảm đây là sánh với những trường thơ lạ khác mà mang danh.
Đã chẳng có những trường thơ lạ… rất lạ đó sao? Viết bài này tôi chủ ý nói đến một thứ thơ thuần tình cảm mà thôi - thứ thơ mà ông Lưu Trọng Lư đứng đầu trong phái… Đọc và bàn Lưu Trọng Lư, tôi muốn hoàn toàn lấy một hồn thơ để hiểu một hồn thơ bạn. Tôi không muốn dẫn một thành ngữ nào, một châm ngôn của triết nhân nào; tôi cần phải bình dị"...
Sau khi xác định vai trò của ý thơ, lời thơ và chất nhạc trong lối thơ tình cảm, Việt Châu chuyển sang phân tích, bình giảng chất tình cảm - trữ tình hài hòa trong nhạc điệu thơ họ Lưu và nhận định: "Thơ Lưu Trọng Lư là thơ của người đời, thơ của thiên nhiên.
Và chỉ như thế mới là THƠ mà thôi. Tôi sẽ thấy ai rất đáng bỉ, khi họ sẽ phê bình thơ Lưu Trọng Lư với những chữ: Hứa hẹn, tài hoa, chân tài, thiên tài, v.v… Ông Lưu Trọng Lư, cũng như tác phẩm của ông không cần một chút xíu nào cái giọng phê bình rất nhạt (tuy rằng kêu) ấy. Phải chăng, ông Lưu Trọng Lư! một tiếng khen thành thật, một niềm tri kỷ thanh cao quý gấp vạn lần lời xu phụ, tán - dương - vô - ý - thức?".
Đến khoảng thời gian này, nhà phê bình Trần Thanh Mại đã hội đủ điều kiện để phác họa chân dung bậc chủ tướng qua một chặng đường thơ với đoạn kết trong bài Lưu Trọng Lư: Thi sĩ giang hồ: “Sau câu chuyện hàn huyên và trao đổi cho nhau những tin tức về văn giới trong nước, Lư cáo từ ra đi, mặc dầu mưa to gió lớn, mặc dầu khuya. Đứng ở ngưỡng cửa, tôi nhìn con người thiếu niên phiêu lãng ấy băng mình trong đám gió mưa, hình như nó không làm lạnh, không đánh ướt được chàng.
Tôi cũng không buồn tự hỏi chàng sẽ đi đâu, và làm những gì trong đêm ấy?”… Một cách thành thực, nhà phê bình Trần Thanh Mại nhấn mạnh phong cách và những đóng góp của Lưu Trọng Lư với nền thơ đương đại, đồng thời cũng nêu ra những sở đoản của thi sĩ mà theo ông, nó như hệ quả tất yếu của một chất thơ sở trường đã đi quá giới hạn: “Phải! Phiêu lưu, Lưu Trọng Lư là một chàng phiêu lưu.
Đời Lư là đời một người giang hồ lãng tử, không kể ngày mai, không thể chống chọi lại với những tiếng gọi huyền bí xa xăm. Nó bắt chàng một sớm, một chiều, lại thắt lại chiếc áo tơi, lại cất gót lên đường, mặc dầu chàng đã được ăn yên, ở yên ở chỗ trước. Nhờ thế mà thơ chàng đã nhuốm được cái phong vị não nùng của non sông đất nước, cái linh hồn hồn nhiên, nhẹ nhàng, lặng lẽ của thời qua”, đồng thời cũng thẳng thắn chỉ ra những câu chữ, hình ảnh, thi tứ mà ông cho là trùng lặp, kể cả phần tranh minh họa “theo phái lập thể” (cho dù hậu thế có thể cảm nhận khác hơn): “Lưu Trọng Lư còn có cái tật xấu nữa là ít săn sóc đến những câu của mình đã viết ra.
Như trong bài Giang hồ mà cái năng lực dẫn khởi, não nùng không còn chối cãi được nữa, chàng luôn luôn vấp phải những ý tứ và những chữ lặp đi lặp lại nhiều lần” (Đông Dương tuần báo, Sài Gòn, 1940).
Lấy thước đo giá trị nghệ thuật làm lẽ sống
Nhà thơ Lưu Trọng Lư. |
Rồi đến khi Lưu Trọng Lư in bài thơ Vô liêu đến chiếc đồng hồ trên Tiểu thuyết thứ Bảy (1940) và có người ẩn danh phê phán khá nặng lời thì Ngô Vũ đã lên tiếng phản biện, phản vấn, công kích trở lại trong bài báo Hai bài thơ... hài hước? và đi sâu bình giảng nghĩa lý bài thơ: “Báo Đồng thanh trong Nam vừa đây có một bài nói về hai bài thơ của Tiểu thuyết thứ Bảy đăng trong số 338, ra ngày 7 Dècembre 1940.
Bài báo ấy không ký tên, và có ý nói rằng chúng tôi đã cho đăng lên báo mình hai bài thơ “hài hước” mà không biết. Hài hước bởi vì tác giả bài báo kia đọc lên không hiểu chi chi cả” (Tiểu thuyết thứ Bảy, 1941)…
Từng có lần nhà phê bình Kiều Thanh Quế sau khi điểm danh 32 tác giả và số tập thơ kèm theo (cả Thơ mới và cũ) trong sách Ba mươi năm văn học (1941), đã xác định: “- Lưu Trọng Lư trong rừng thẳm, trên lưng “con nai vàng ngơ ngác”, nâng niu chiếc sáo trúc thổi khúc Tiếng thu (1939) tuyệt vời”...; thì qua ba năm sau, ông viết bài Thi sĩ Lưu Trọng Lư với Tiếng thu (Tri tân, 1944).
Trong phần mở đầu, Kiều Thanh Quế tán đồng các ý kiến của Trần Thanh Mại, Nguyễn Vỹ và đi đến xác quyết thơ Lưu Trọng Lư “bao giờ cũng chỉ biết chú trọng có âm thanh và nhạc điệu” gắn với các thuộc tính “Khi thì nỉ non…”, “Khi thì lẳng lơ…”, “Khi thì sang sảng như tiếng hát đò đưa…”, “Khi thì buồn bã lạ…”, “Khi thì ai oán não nùng, đầy vơi niềm trắc ẩn, tràn ngập lòng xót thương”: “Đừng ai cố tìm tư tưởng trong thơ Lưu Trọng Lư. Vì vô ích. Lưu Trọng Lư bao giờ cũng chỉ biết chú trọng có âm thanh và nhạc điệu (như Paul Verlaine, đứng đầu phái thơ Tượng trưng ở Pháp, bao giờ cũng bảo: “Thêm nhạc điệu nữa đi, và lúc nào cũng phải có nhạc điệu”)”…
Rồi đến Thanh Châu trong bài Hoa với đời sống tinh thần của chúng ta in báo Trung Bắc tân văn đã nhắc tới bài thơ Lưu Trọng Lư đề tặng Nguyễn Bá Trác (người đã viết Hạn mạn du ký sau khi đi Nhật Bản về): “Xưa nay, muốn chỉ những người đã cất bỏ được cái gánh nặng công danh, để nghĩ đến cái đời sống tinh thần trong sạch của mình riêng, người ta chỉ cần gợi hai tiếng “tùng cúc” trong một câu thơ là đủ.
Khi nhà thơ Lưu Trọng Lư tới thăm ông tổng đốc Nguyễn Bá Trác, một hưu quan ở quê nhà, thi sĩ cũng đã có tặng câu: Ở đây, hoa đã nở mùi thuyền. Ý muốn nói rằng cái mùi hoa ở trước sân cụ Nguyễn đã nhuốm mùi đạo như cái bông hoa ở chỗ tu hành rồi. Cái mùi hoa đó, cũng lại là mùi hoa cúc. Bởi vì thi sĩ đã kết bài thơ ấy bằng hai câu: Một thiên hạn mạn đây là hết,/ Cúc gọi thu về dưới cố viên” (1942) …
Trong chuyên khảo Việt Nam thi ca luận, nhà nghiên cứu Lương Đức Thiệp có cách thẩm âm và cảm nhận riêng về đặc tính nhịp điệu thơ họ Lưu (được phân tích và khái quát chủ yếu qua các bài Tiếng thu, Gió, Đan áo): “Trong ông Lưu Trọng Lư, phảng phất một xu hướng nữa về thơ. Thơ là Nhạc. Đọc lên, ngâm lên, nó phải réo rắt trầm bổng, nhặt khoan như những khúc đàn. Cả tài nghệ của thi nhân quy tụ vào điểm đó.
Hình ảnh, mầu sắc, ý tình phải nhường một chỗ lớn cho âm điệu. Bởi quá thiên về nhạc điệu, ông Lưu Trọng Lư, đại diện ý thức cho chủ trương này, đã cho chúng ta nhiều “bản đàn lời”, nghĩa là nhiều bài thơ gần như không đủ nghĩa, hay thiếu cả nguồn cảm xúc chân thành. Trong bài thơ có nhiều chữ chỉ đứng làm “vì”, đứng để lấp những chỗ trống không!... “Bài thơ” của ông thường ngắn, nhưng đó không phải là ngắn theo cách tổng hợp” (Khuê Văn xuất bản cục, Hà Nội, 1942).
Trong phần tổng luận Một thời đại trong thi ca mở đầu công trình đại thành Thi nhân Việt Nam (Nguyễn Đức Phiên Xb, Huế, 1942), hai nhà phê bình Hoài Thanh - Hoài Chân đặc biệt nhấn mạnh vai trò, vị thế Lưu Trọng Lư trên tư cách “Người hưởng ứng thứ nhất” phong trào Thơ mới và đã tròn 30 lần nhắc đến tên ông… Rồi hai ông tuyển in 11 bài thơ của Lưu Trọng Lư vào Thi nhân Việt Nam (đồng hạng Nhì với kiện tướng Huy Cận), chỉ xếp sau Xuân Diệu (15 bài) và đi sâu phân tích, lý giải, xác định đặc điểm và giá trị thơ họ Lưu: “Trong thơ Lư, nếu có tả chim kêu hoa nở, ta chớ tin, hay ta hãy tin rằng tiếng kêu kia màu kia chỉ có ở trong mộng.
Mộng! Đó mới là quê hương của Lư. Thế giới thực của ta với bao nhiêu thanh sắc huy hoàng Lư không nghe thấy gì đâu. Sống ở thế kỷ hai mươi, ngày ngày nện gót giày trên các con đường Hà Nội, mà người cứ mơ màng thấy mình gò ngựa ở những chốn xa xăm nào…
Tôi chỉ biết, dầu có ưa thơ người này người khác, mỗi lúc buồn đến, tôi lại trở về với Lưu Trọng Lư. Có những bài thơ cứ vương vấn trong trí tôi hằng tháng, lúc nào cũng như văng vẳng bên tai. Bởi vì thơ Lư nhiều bài thực không phải là thơ, nghĩa là những công trình nghệ thuật, mà chính là tiếng lòng thổn thức cùng hòa theo tiếng thổn thức của lòng ta”…
Trong tâm thế hướng đến phác họa toàn cảnh bức tranh văn học nửa đầu thế kỷ, Vũ Ngọc Phan trong Nhà văn hiện đại đã nhấn mạnh tính phổ quát của những cảm thu, tình thu, cảnh thu, sắc thu, chiều thu, ngày thu và tâm tưởng bốn mùa thu, đồng thời đi sâu phân tích những đặc điểm thuộc về thi tứ, cảm xúc, âm điệu, nội dung và hình thức nghệ thuật các bài thơ, câu thơ trong thơ họ Lưu: “Ấy, đọc Tiếng thu của Lưu Trọng Lư, tôi vừa tưởng nhớ đến tiếng thu, cái tiếng thu làm cho cỏ cây rầu rĩ úa vàng, tôi lại vừa cảm thấy cái tiếng thu cứ ít lâu lại cứ văng vẳng bên mình, cái tiếng mà ta không thể căn cứ vào thời gian và không gian mà cho tinh chất...
Cái hay trong thơ của Lưu Trọng Lư ở sự thành thực, tấm lòng sầu não của ông thế nào, sự ước mong của ông thế nào và có thể thổ lộ ra được chừng nào, ông thổ lộ ra chừng ấy. Ông không hề gò từng chữ, bó từng câu để cho lạc mất ý mình; thơ ông nếu lời tinh tế thì tự nó tinh tế, chứ thật ông không bao giờ gọt dũa.
Đọc thơ Lưu Trọng Lư, ta nên coi như những tiếng buồn thảm của lòng mà không nên xét về nghệ thuật. Tuy thế, thơ ông vẫn có một cái đặc biệt là rất giàu về âm điệu, nên đọc dễ nhớ, dễ thuộc lắm. Còn ý và lời thơ thì nửa cũ, nửa mới, làm cho những người chuộng hẳn cũ và những người thích hẳn mới đều không ưa, nhưng thơ họ Lưu đã tự vạch lấy cái địa vị rất xứng đáng của mình.
Có thể nói thơ ông là tấm gương phản chiếu tâm hồn một hạng thanh niên Việt Nam buồn nản trong lúc hai văn hóa Đông Tây giao nhau. Thử hỏi những người thanh niên trí thức Việt Nam, mấy ai không nghe văng vẳng “tiếng thu" ngân trong những lúc lặng lẽ mơ màng với hồn thơ và hồn đất nước?" (Quyển III, 1943) ...
Trên tất cả, thơ Lưu Trọng Lư đã được người đương thời yêu mến, tiếp nhận, luận bình, đánh giá cao bằng chính thước đo giá trị nghệ thuật. Có thể xác định Lưu Trọng Lư đã góp phần quan trọng làm nên lịch sử phong trào Thơ mới và cũng đã trở thành lịch sử ngay giữa thời Thơ mới.
Những ý kiến của người đương thời luận bình về thơ Lưu Trọng Lư cho phép hậu thế hình dung về một thời luận bình văn chương thực sự sôi nổi, khách quan, phong phú, đa dạng, nhiều chiều.