Thay vì ép con học quá nhiều, cha mẹ nên làm gì?

GD&TĐ - "Chủ nhật này anh đi họp phụ huynh cho con nhé" - Chị chìa mảnh giấy khổ A5 trước mặt chồng với thái độ không lấy gì làm vui vẻ. "Ô hay, sao lúc nào cũng là anh? Em không phải phụ huynh của thằng Tít à?".

Thay vì ép con học quá nhiều, cha mẹ nên làm gì?

"Không phải chúng ta thống nhất ngay từ đầu rồi hay sao, em phụ trách việc dạy kèm, giám sát thằng Tít mỗi tối, còn việc họp phụ huynh để anh đảm nhiệm, mỗi tháng may ra họp một lần mà sao anh cứ phải càu nhàu thế nhỉ, em phải dạy con 30 buổi tối mỗi tháng thì đã làm sao nào...".

Anh bất chợt đưa ra ý kiến: "Thế này nhé, từ nay chúng ta thay phiên nhau kèm con học, hôm nào họp phụ huynh thì chúng ta sẽ đi cả đôi". "Nhất trí!" - Chị tỏ ra "chơi đẹp" khi không mất 1 giây đã đồng ý luôn. 

Buổi tối hôm đó, Tít chạy về phòng chuẩn bị sách vở sau khi vừa ăn cơm xong, thấy bố lững thững đi theo sau, thằng bé tròn mắt ngạc nhiên: "Ơ, sao bố không lên gác đọc báo, xem bóng đá hoặc chơi game? Bố vào đây làm gì ạ?". 

Anh nhấm nhẳng đáp lại con: "Cái thằng này! Bố có bao giờ xem tivi đâu, buổi tối bố vẫn phải làm việc đấy chứ, nhưng hôm nay bố sẽ dành thời gian để học cùng con. Mà này, sao con lại nghĩ bố hay xem bóng đá và chơi game?". "Thì ngày nào mẹ cũng nạt con phải học chăm chỉ nếu không muốn sau này suốt ngày chỉ biết dán mắt vào tivi để xem bóng đá và chơi game như bố".

Chưa dạy con được chữ nào, anh đã phi thẳng vào bếp tìm chị để làm cho ra nhẽ: "Sao em lại tiêm nhiễm vào đầu thằng Tít những chuyện không có thật như thế hả?". Lần này cũng không mất đến 1 giây để hiểu ra vấn đề, chị vẫn thản nhiên vừa lau bát đĩa vừa nói: "Ui xời, em nói có sách mách có chứng nhé, trong máy tính còn lưu hết dữ liệu kia kìa. 

Anh gật gù, nhưng giọng điệu đầy mỉa mai: "Ừ, em cũng giỏi đấy. Thế có cần anh tường thuật với con trai rằng lúc ở cơ quan, mẹ nó toàn tranh thủ shopping online không?".

Giữ đúng quy định, buổi tối hôm sau chị là người kèm con học. Nhìn thấy quyển vở của con, chị nổi nóng: "Mới sểnh mẹ ra có một ngày thôi mà sao chữ của con lại như gà bới thế này?".

Tít cãi: "Hôm qua bố bảo con là đừng tốn thời gian vào việc nắn nót chữ, muốn viết đẹp thì phải khéo tay, mà đấy lại là mấy việc tủn mủn của phụ nữ. Đàn ông con giai thì phải làm việc lớn, ví dụ như..." - Thằng bé chưa truyền đạt hết sự việc thì mẹ nó đã "bốc hơi" từ lúc nào không hay, ngoài phòng khách lại có thêm một cuộc cãi vã. 

Không ngày nào anh chị không to tiếng với nhau vì bất đồng quan điểm trong việc dạy dỗ, uốn nắn con trai. Thằng bé quá quen với điều này nên nó không buồn phàn nàn mà lặng lẽ đóng cửa phòng, tự hoàn thành nốt đống bài tập về nhà. 

Đúng lịch hẹn sáng chủ nhật, 2 vợ chồng cùng đi họp phụ huynh. Không giống mọi khi, lần này giáo viên chủ nhiệm đón anh chị trước cửa phòng họp với thái độ rất phấn khởi: "Hôm nay phụ huynh cháu Tít lại đi cả đôi cơ à? Các phụ huynh khác phải học tập anh chị mới được". Chị nhanh nhẹn đáp lại: "Có gì đâu cô, con cái luôn là ưu tiên hàng đầu của vợ chồng chúng tôi”. 

Cuộc họp bắt đầu trong lúc anh chị vẫn không ngừng đôi co về việc ai sẽ là người đứng lên phát biểu nếu chẳng may bị "chỉ định". Giáo viên chủ nhiệm cầm trên tay một tờ giấy, niềm nở khoe: "Như các anh chị đã biết, tháng vừa rồi các em học sinh vừa hoàn thành bài văn tả về cha mẹ của mình, nhìn chung bài viết của các em đều đạt mức khá trở lên vì tất cả đều rất chân thực và xúc động. 

Trên tay tôi là một bài văn rất thú vị, tuy không được điểm cao nhất nhưng nhờ bài viết này mà tôi phát hiện một vấn đề thường thấy trong nhiều gia đình hiện nay. Rất mong bố mẹ của cháu Tít lắng nghe bài văn này".

Ngồi phía dưới, anh chị tròn mắt nhìn nhau, giáo viên chủ nhiệm mỉm cười: "Tôi xin chia sẻ thêm với anh chị, tờ giấy trên tay tôi chính là bài văn của cháu Tít, trong bài cháu có kể rằng, mỗi buổi tối bố mẹ cháu thường xuyên tranh luận về việc học và tương lai của cháu. Tôi nghĩ rằng, đối với một số bậc bố mẹ, việc trau dồi kiến thức cho con là điều nên được khuyến khích. 

Tuy nhiên, đối với các con, vấn đề này lại được suy nghĩ theo một chiều hướng khác. Các con thường mong muốn có sự cân bằng giữa học tập và vui chơi. Bản thân chúng tôi, những người làm công tác giáo dục cũng đồng ý rằng trong bất cứ lĩnh vực nào, sự điều độ và hợp lý cũng là yếu tố quan trọng. Trong học tập cũng vậy! 

Việc ép các con học quá nhiều, đặc biệt là khi các con không muốn, có thể gây ra tác dụng ngược lại. Các con sẽ cảm thấy chán nản, áp lực, từ đó bỏ bê chuyện học hành, thậm còn bị ảnh hưởng đến tâm lý và sức khỏe. Ép con học đôi khi là cần thiết, tuy nhiên, chúng ta cần có phương pháp khoa học, đảm bảo độ hợp lý với từng đối tượng. 

Căn cứ vào độ tuổi, tính cách, tâm lý của trẻ, bố mẹ có thể khuyến khích trẻ học những môn thuộc thế mạnh của mình, đồng thời tìm cách để phát triển môn học năng khiếu đó. Tôi xin gửi lại bài văn này cho anh chị, hy vọng anh chị sẽ đọc kĩ và dành nhiều thời gian hơn để lắng nghe tâm tư của con”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ