Dạy con trai đi chợ, nấu cơm: Việc nên làm

GD&TĐ - Chuyện chợ búa, cơm nước xưa nay vẫn bị “đóng đinh” là việc của phụ nữ và những kỹ năng này thường chỉ được các bố mẹ dạy cho con gái.

Ảnh minh hoạ: INT.
Ảnh minh hoạ: INT.

Song ngày nay, nhiều gia đình dạy con trai đi chợ bởi nhận thấy việc này có nhiều lợi ích.

Đi chợ: Lợi ích lớn từ việc nhỏ

Có lẽ, trong các bài học thực tế để dạy trẻ về giá trị của đồng tiền thì đi chợ là một trong những hoạt động dạy con chi tiêu rất tốt. Qua việc chọn hàng, tham khảo giá cả và quyết định mua hàng sẽ giúp con hiểu hơn về việc lập kế hoạch, quản lý và tiêu tiền hợp lý.

Nghe và chứng kiến câu chuyện về quá trình dạy con trai đi chợ của chị Hồng Nhung (Đông Anh, Hà Nội) chúng ta sẽ hoàn toàn bị thuyết phục bởi kết quả hơn cả mong đợi của công việc này.

Chị Hồng Nhung là thợ làm tóc gần một cái chợ nhỏ, còn chồng chị làm tài xế. Hai vợ chồng bận rộn quanh năm với nghề dịch vụ, không có ngày nghỉ trừ lúc ốm đau hay nhà có công việc. Nhà chỉ có 2 cậu con trai, cách nhau 9 tuổi nên việc đi chợ, nấu cơm đều do chị “độc diễn”.

“Chuyện ăn uống tuy không cầu kỳ nhưng hàng ngày vẫn phải chạy ra chợ mua thực phẩm về nấu cơm cho chồng con ăn. Đôi khi gián đoạn công việc khiến khách hàng không mấy hài lòng. Tôi lại quan niệm, con trai không nên bận tâm đến việc nội trợ mà cần chuyên tâm học hành, phát triển sự nghiệp nên ôm tất việc nhà. Nhiều lúc thấy oải quá mà không biết phải làm sao” – chị Hồng Nhung tâm sự.

Suốt nhiều năm chị Nhung đều đặn làm mọi việc mang tính bổn phận và tự đóng khung trách nhiệm cho mình.

“Thời điểm dành tối đa thời gian cho cậu cả ôn thi cuối cấp 2 nên mỗi lần tranh thủ ra chợ tôi lại phải mang theo bé Sun để nó không làm phiền anh. Và thật bất ngờ, khi chuẩn bị vào lớp 1, Sun đã đề nghị nhận chân đi chợ thay mẹ. Vì chợ gần nên tôi bắt đầu tạo điều kiện cho con đi mua thử ít đồ khô, gia vị, sau chuyển dần sang mua đồ tươi. Giờ tôi thấy tiếc vì không chú tâm dạy cháu đi chợ sớm hơn” – chị Nhung vui vẻ kể.

Theo cô Thanh Huyền – giáo viên Trường Mầm non Thiên Đường Trẻ Thơ (Long Biên, Hà Nội), việc thường xuyên phải dắt con đi chợ cùng một cách bất đắc dĩ như trường hợp chị Hồng Nhung lại cho kết quả rất tuyệt vời.

Trước hết, hoạt động này làm sinh động và thực tế hoá những bài học nhận biết khô khan trong trường học. Người lớn thường nghĩ trẻ không để tâm việc giao tiếp, mua bán nhưng trẻ con thì lại dung nạp tất cả. Khi học mầm non, trẻ phân biệt và đọc đúng tên các loại rau củ phổ biến. Biết phân biệt thế nào là thực phẩm tươi ngon. Trẻ cũng sẽ biết phân biệt các loại thịt, cá. Đi chợ nhiều lần cùng mẹ sẽ biết thêm các loại thức ăn thường có thể kết hợp cùng nhau.

“Đưa con đi chợ cùng không chỉ đơn thuần là để mua sắm mà còn dạy cho trẻ rất nhiều kỹ năng. Vậy nên, nếu con có khiến bạn bận rộn hơn với các câu hỏi: Đây là rau gì, thịt gì; tại sao hôm nay không mua thịt bò mà lại mua thịt lợn; cách phân biệt trứng gà với trứng vịt,… thì các bậc cha mẹ hãy kiên nhẫn trả lời con. Hãy coi đây là cơ hội giúp con mở mang kiến thức và khám phá những điều mới lạ đối với thế giới của con” – cô Thanh Huyền chia sẻ.

Ảnh minh hoạ: INT.

Ảnh minh hoạ: INT.

Dạy con trai đi chợ - việc nên làm

Ngày nay, mỗi gia đình hiện đại thường sinh ít con nên trẻ được cưng chiều. Nhiều nhà có điều kiện thuê giúp việc, bọn trẻ không phải động tay vào việc nấu nướng chứ chưa nói tới việc đi chợ, mua thực phẩm. Các bé trai vẫn có xu hướng coi những công việc đó không phải của mình nếu không có sự chỉ bảo, phân công rõ ràng từ phía cha mẹ.

Con trai cũng cần được dạy các kỹ năng chợ búa, nấu nướng là quan điểm rất rõ ràng của vợ chồng chị Phương Anh (Long Biên, Hà Nội). Điều này chị nói thường xuyên với các con, cùng đó là giao nhiệm vụ để các con chủ động học hỏi.

Vì vậy, bé Kem (10 tuổi) con trai chị Phương Anh đã có thể thay chị và mẹ đi chợ mua thức ăn về nấu ăn cho cả gia đình. Một số món ưa thích, cậu chàng cũng có thể tự nấu để thưởng thức.

“Cả con gái và con trai tôi đều chú tâm dạy kỹ năng đi chợ. Đây là cách tôi chuẩn bị cho các con tính tự lập, tự chủ để sau này tự tin nếu đi học xa nhà và phải sống một mình khi không có mẹ bên cạnh chăm sóc. Con trai biết chợ búa, nấu nướng cũng sẽ biết cảm thông và san sẻ việc nhà với vợ con khi là người trưởng thành” – chị Phương Anh bộc bạch.

Trở lại câu chuyện về cậu con trai thích đi chợ của chị Hồng Nhung, mỗi lần gặp chị là cả góc chợ lại xôn xao chuyện thằng bé chọn đồ kỹ lắm, lại còn trả giá, biết so sánh đắt rẻ.

“Các cô bán hàng thì kể chuyện để cười vui nhưng đôi khi làm mình xấu hổ. Con trai kỹ tính thế sau lại khổ. Về góp ý nhưng con có quan điểm rất riêng và thuyết phục nên cũng không thể trách được” – Chị Nhung kể.

Sun lý luận về việc cháu thấy bố mẹ kiếm tiền vất vả nên khi đi chợ phải tiết kiệm nhất mà vẫn mua được đồ tươi ngon. Cũng nhờ cách nghĩ đó mà trong chuyện học hành sau này cháu rất ý thức tiết kiệm tiền cho bố mẹ. Từ khi bắt đầu vào tiểu học, Sun đã nuôi ước mơ trở thành một nhà kinh tế học và ước mơ đó của cậu bé ngày nào giờ đã thành hiện thực khi cậu tốt nghiệp loại ưu của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân.

Một bé trai “ki bo”, luôn nâng lên đặt xuống và không ngại trả giá khi đi chợ thay mẹ giờ đã trở thành một chủ doanh nghiệp làm ăn phát đạt, có cuộc sống riêng đầy đủ, hạnh phúc, với tính cách hào sảng và cởi mở.

“Dạy con đi chợ, bên cạnh việc sắm sửa những món đồ cần thiết còn là thời gian gắn kết tình cảm gia đình và dạy các kỹ năng cho con. Trẻ sẽ có thêm cơ hội hiểu, trân trọng giá trị của đồng tiền và công sức lao động cũng như từng thứ bản thân đang có.
Đó là những bài học đầu tiên về cách quản lý tài chính, chi tiêu hợp lý, tiết kiệm. Các bé trai cũng rất cần học kỹ năng này qua việc “chợ búa” bởi đây còn là những bài học sinh động để rèn tính tự lập và biết chia sẻ, cảm thông. Quan trọng hơn là bài học: Đi chợ, nấu cơm không phải là việc của riêng phụ nữ” - Chuyên gia tâm lý Vũ Trường Giang - Trung tâm Tư vấn tâm lý 247.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.