Dạy con mua sắm online

GD&TĐ - Giãn cách xã hội khiến thói quen tiêu dùng, sinh hoạt thay đổi. Nhiều bà nội trợ đã chuyển hướng đi chợ online, thậm chí còn dạy con trẻ cùng tham gia để thời điểm nghỉ dịch thêm phần ý nghĩa.

Mua hàng online sẽ giúp trẻ học được tính cẩn thận, kiên trì, thành thạo công nghệ thông tin và tránh được rủi ro. Ảnh minh họa.
Mua hàng online sẽ giúp trẻ học được tính cẩn thận, kiên trì, thành thạo công nghệ thông tin và tránh được rủi ro. Ảnh minh họa.

Gần gũi con cái nhờ đi chợ online

Trước đó, nhiều chị em có thể hiếm khi vào bếp, hoặc những bà nội trợ đảm đang sẽ ưu tiên với việc đi chợ truyền thống. Tuy nhiên, thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp, đi chợ online đã trở thành xu hướng của nhiều người.

Cô giáo Nguyễn Thu Hà, Ttrường Tiểu học Vạn Phúc (Hà Nội) cho biết, thời gian làm việc ở nhà toàn thời gian khiến cô có dịp trổ tài nội trợ, trữ đầy thực phẩm trong tủ nhờ đi chợ online.

Theo đó, mỗi ngày cô đều lên sẵn thực đơn, liệt kê những nguyên liệu cần mua ra giấy. Sau đó, cô thường lên các sàn thương mại điện tử đặt mua những món cần thiết. Lâu dần, có kinh nghiệm mua sắm online, cô thường chọn cách để vừa miễn phí giao hàng, vừa có giá ưu đãi.

“Trước đó, tôi ưu tiên việc đi chợ mỗi ngày để đồ ăn được tươi ngon hơn. Tuy nhiên, tình hình dịch vẫn còn diễn biến phức tạp, việc hạn chế ra đường, hạn chế tụ tập khiến tôi chuyển hướng sang mua hàng online. Ban đầu có thể chưa quen nhưng nhờ việc dạy học trực tuyến khiến tôi tiếp cận công nghệ dễ dàng hơn. Đồng thời, tôi cũng có thời gian nghiên cứu các cách chế biến và bảo quản thực phẩm”, cô Hà nói.

Cũng theo cô Hà, dịp đầu năm học mới, Hà Nội đúng vào đợt giãn cách xã hội, các cửa hàng phải đóng cửa nên không thể tìm được đồ dùng học tập. Cô Hà đã hướng dẫn con mua hàng trực tuyến. Đây cũng là cách để trẻ tự giác, có ý thức trách nhiệm với việc của mình. Đồng thời, đi chợ online còn giúp trẻ ứng dụng công nghệ thông tin tốt hơn để áp dụng trong việc học trực tuyến.

“Việc cùng nhau lên kế hoạch vào sàn giao dịch thương mại điện tử khiến cha mẹ và con cái gần gũi nhau nhiều hơn. Đó là thời gian để trao đổi kinh nghiệm quản lý tiền bạc, cách chọn và mua hàng hay những cách để phân biệt hàng thật, hàng chưa tốt”, cô Hà nói.

Không chỉ có cô Hà, nhiều gia đình cũng đã áp dụng hình thức dạy con đi chợ trực tuyến. Học sinh Nguyễn Trường Giang, Trường THCS Giảng Võ (HN) cho biết, thay vì phải đến cửa hàng, mẹ đã dạy em cách chọn đồ dùng trên mạng. Tuy rằng đã gặp phải rủi ro nhưng từ đó, em đã có nhiều kinh nghiệm và thành thạo hơn rất nhiều. Nhất là đồ dùng học tập và quần áo, em có thể cùng bố mẹ chọn lựa chỉ bằng cái nhấp chuột.

Cô giáo Nguyễn Thùy Dương (Trường Tiểu học Cát Linh) chia sẻ, nhiều phụ huynh chia sẻ cho nhau trong nhóm lớp về cách mua đồ dùng đúng quy định, đặt hàng ở đâu và các ưu đãi cho năm học mới,… Điều này chứng tỏ sức hút của mua sắm trực tuyến vô cùng hiệu quả đối với nhà trường trong thời điểm dịch bệnh.

Cô Dương cũng cho biết thêm, nhiều học sinh lớp 5 đã biết cách đặt các mã giảm giá, miễn phí vận chuyển, giúp việc đi chợ online nhanh chóng và tiết kiệm hơn nhiều. Thậm chí, nhiều em cũng nhận định phương thức mới này khá tiện lợi và sẽ tiếp tục đi chợ trực tuyến trong tương lai khi mọi thứ trở lại bình thường.

Theo cô Dương, với những kỹ năng được dạy, các em đã biết cách chụp hình hay quay phim lại quá trình nhận hàng, người giao hàng và những giấy tờ xác nhận kèm theo. Sau đó là ghi lại toàn bộ quá trình khui kiện hàng và kiểm tra sản phẩm. Điều này khiến các em rèn luyện tính cẩn thận, có trách nhiệm và tránh bị lừa. Chưa kể đến việc chờ những món hàng sẽ giúp các em học được tính kiên nhẫn, bình tĩnh và biết chờ đợi.

Đảm bảo an toàn mua sắm trực tuyến

Theo chuyên gia công nghệ Nguyễn Thành Tiến (CEO công ty thiết bị kỹ thuật và an ninh mạng HS) cho biết, mua sắm qua mạng giúp người tiêu dùng đáp ứng được những nhu cầu mà vẫn đảm bảo yếu tố an toàn. Việc không phải di chuyển đến tận cửa hàng không những tránh được dịch bệnh mà còn cả va chạm giao thông không đáng có.

Hình thức mua bán này cũng rất tiện lợi, nhanh chóng. Người tiêu dùng không phải xếp hàng chờ đợi như mua sắm truyền thống. Người mua chỉ cần ở nhà, lên mạng chọn mua và chờ vận chuyển hàng đến nhà.

Bên cạnh đó, mua sắm trực tuyến tạo cảm giác “kết nối”. Khi phải thực hiện giãn cách, phong tỏa trong thời gian dài dẫn tới việc không được tiếp xúc với người khác, mua sắm qua mạng giúp tạo cảm giác kết nối tới xã hội. Nhiều bạn trẻ chia sẻ, thông qua các thông báo đặt hàng, thanh toán, vận chuyển được gửi qua tin nhắn, email khiến họ vui vẻ hơn.

Tuy nhiên, chuyên gia Nguyễn Thành Tiến cũng khuyên rằng, nên lựa chọn những website bán hàng trực tuyến đáng tin cậy. Cần đọc kỹ các tất cả thông tin sản phẩm và chế độ đổi trả, bảo hành trước khi mua. Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng không nên ham đồ rẻ, không nhận được phản hồi tích cực từ những người mua trước đó. Đồng thời phải luôn lưu ý về bảo mật nội dung, làm giảm hacker tấn công. Điều này thường xảy ra với những người mua hàng nhỏ tuổi đang là học sinh. Nếu không đảm bảo an toàn thông tin trên mạng sẽ rất dễ bị xâm nhập vào tài khoản.

Ông Tiến cũng khuyên rằng, cần kiểm tra mặt hàng trước khi thanh toán và nhận hàng. Không thể phủ nhận, mua sắm online mang lại nhiều thuận lợi cho người tiêu dùng nhưng bên cạnh đó là những rủi ro không thể tránh khỏi.

“Nhiều bạn nghĩ rằng hình ảnh minh họa là điều quan trọng hơn cả. Hình ảnh càng chân thực thì càng đáng tin. Tuy nhiên, thực tế thì bạn không có bất cứ bằng chứng gì chứng minh rằng hình ảnh đó là sản phẩm của họ. Rất có thể, những hình ảnh đó được mượn từ một website hoặc một người bán khác. Ngoài ra, cần kiểm tra sản phẩm trước khi thanh toán và nhận hàng. Kiểm tra trực quan bên ngoài sản phẩm sẽ giúp bạn chắc chắn rằng sản phẩm hoàn toàn bình thường và vận hành tốt tại thời điểm bạn nhận hàng”, ông Tiến nhấn mạnh.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Thành Tiến cũng thông tin, không thể phủ nhận phương thức đi chợ online, mua sắm trên các sàn thương mại điện tử nói chung có thể xem là phương thức phù hợp nhất hiện tại với người dân. Không chỉ hạn chế tiếp xúc, không cần ra ngoài, ở yên tại chỗ mà vẫn nhận nguồn cung thực phẩm, đồ dùng thiết yếu tận nơi. Đây được dự đoán sẽ trở thành xu hướng tiêu dùng mới kể cả khi dịch bệnh đã được kiểm soát và mọi thứ quay trở lại bình thường, song song với các kênh mua sắm truyền thống.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.