Dạy con chấp hành an toàn giao thông từ hành động của phụ huynh

GD&TĐ - Để giúp trẻ nhận thức, hình thành thói quen trong chấp hành quy định về an toàn giao thông, cha mẹ phải là người gương mẫu chấp hành. Tuy nhiên hiện nay, nhiều phụ huynh vẫn chưa chú trọng đến vấn đề này.

Cha mẹ cần dạy con chấp hành luật khi tham gia giao thông.
Cha mẹ cần dạy con chấp hành luật khi tham gia giao thông.

Khi di chuyển bằng ô tô, các phụ huynh được khuyến cáo chọn chỗ ngồi thích hợp cho trẻ. Đồng thời, có thể sử dụng ghế trẻ em trên ô tô. Lưu ý, trẻ em sơ sinh dưới 1 tuổi và nhẹ hơn 9 kg nên ngồi hướng về phía sau để đạt độ an toàn cao nhất.

Nguy cơ tiềm ẩn

An toàn giao thông cho trẻ em là vấn đề được quan tâm hằng ngày. Tuy nhiên, trên đường phố hiện nay, còn rất nhiều phụ huynh lơ là các biện pháp đảm bảo an toàn cho trẻ khi tham gia giao thông.

Dễ thấy nhất là tình trạng chở trẻ em đi xe máy, xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm. Hoặc, trẻ không có ghế ngồi riêng; không có đai bảo vệ. Thậm chí, nhiều người còn một tay ẵm trẻ nhỏ, một tay điều khiển xe máy thong dong trên đường… Những hành động đó được cho là gây nguy cơ lớn tới sự an toàn của cả người lớn và trẻ nhỏ.

Theo hãng luật Mahoney Law (Denver, Mỹ) - đơn vị chuyên nghiên cứu về điều luật và các vụ tai nạn giao thông, một người đi xe máy có nhiều khả năng bị thương nặng hoặc tử vong cao hơn so với khi điều khiển ô tô. Đó là lý do ngày càng có nhiều người lựa chọn xe hơi để di chuyển, đặc biệt là các gia đình có trẻ nhỏ.

Tuy nhiên, phương tiện này vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro khác nhau. Do đó, điều cần thiết là phụ huynh trang bị thêm những kiến thức liên quan đến việc bảo đảm an toàn cho trẻ khi đi ô tô.

Tại nhiều quốc gia trên thế giới, tai nạn giao thông là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra cảm giác lo ngại khi cho trẻ em di chuyển bằng xe ô tô. Nhằm giảm thiểu rủi ro và giúp phụ huynh yên tâm hơn, chính phủ nhiều quốc gia đã ban hành bộ luật an toàn khi tham gia giao thông cho trẻ nhỏ. Đồng thời, yêu cầu người dùng phải tuân thủ.

Tại châu Âu, từ năm 1970, các quốc gia đã công bố những quy định bắt buộc sử dụng ghế và đai an toàn khi đi ô tô, đối với cả người lớn và trẻ em. Mỹ cũng là một trong số những quốc gia chú trọng luật an toàn giao thông. Quy định sử dụng ghế chuyên dụng có thắt dây, ghế nâng có đai an toàn được áp dụng cho tất cả các bang. Thống kê cho thấy, biện pháp an toàn này đã làm giảm nguy cơ chấn thương cho trẻ em từ 71 - 82%.

Hiện nay, Việt Nam vẫn chưa ban hành văn bản pháp luật chính thức và quy định bảo vệ trẻ em khi đi ô tô. Đồng thời chưa đưa ra những khuyến nghị chi tiết phù hợp với chiều cao, cân nặng và độ tuổi của trẻ. Mặc dù vậy, các chuyên gia cho rằng, phụ huynh vẫn cần chú ý những quy tắc nhất định để giữ an toàn cho trẻ khi đi ô tô, hạn chế rủi ro ngoài ý muốn.

Để giúp trẻ nhận thức, hình thành thói quen trong chấp hành quy định về an toàn giao thông, cha mẹ phải là người gương mẫu chấp hành. Tuy nhiên hiện nay, nhiều phụ huynh vẫn chưa chú trọng đến vấn đề này. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông ở trẻ em. Song, nguyên nhân chủ yếu vẫn do ý thức, thái độ của các phụ huynh đối với việc chấp hành quy định của pháp luật về an toàn giao thông.

Đã không ít lần người đi đường thót tim khi người lớn một tay lái xe, một tay ôm hờ trẻ em đang ngủ phía sau. Có nhiều bà mẹ còn vô tư cho trẻ đứng nhảy múa trên xe khi đang chạy với tốc độ cao… Mới đây, vụ việc trẻ vỡ tim vì đập ngực vào vô lăng ô tô tại Nghệ An đã khiến nhiều người xót xa. Trước đó, trẻ được người thân cho ngồi phía trước vô lăng xe ô tô để đi dạo. Khi người thân vô tình đạp nhầm chân ga và chân phanh, ô tô đã đâm thẳng vào bờ tường, khiến trẻ chấn thương va đập mạnh, lồng ngực bị ép vào vô lăng cứng.

Cha mẹ cần làm gương cho trẻ trong việc chấp hành luật lệ giao thông. Thế nhưng, thay vì giáo dục con ý thức chấp hành, có những người còn hùa theo ý thích của trẻ. Thậm chí, “kéo” con vào vi phạm, dẫu biết điều đó không được phép. Tình trạng phụ huynh chở con đi học không chấp hành quy định an toàn giao thông cũng diễn ra phổ biến, đặc biệt là không đội mũ bảo hiểm. Những hành động đó được cho là có thể gây ảnh hưởng không nhỏ tới ý thức của trẻ.

Trẻ cần ngồi ở vị trí an toàn nhất trên ô tô.

Trẻ cần ngồi ở vị trí an toàn nhất trên ô tô. 

Kết hợp thực tế với lý thuyết

Trẻ em chưa có khả năng tự bảo vệ. Do đó, một sơ suất nhỏ cũng có thể đem đến hậu quả đau lòng. Có lẽ, nhiều vụ tai nạn giao thông sẽ không xảy ra, nếu người lớn nâng cao ý thức khi tham gia giao thông, hoặc thường xuyên, nghiêm khắc giáo dục trẻ chấp hành luật an toàn giao thông.

Chia sẻ trên blog, chị Trang Lê Jennifer - một phụ huynh hai con, nhận định, trước hết, cha mẹ phải giải thích cho trẻ những thông tin cần thiết về giao thông đường bộ. Đồng thời, nói về những rủi ro trẻ sẽ gặp phải nếu không tuân thủ luật giao thông. Cha mẹ cũng cần nói với các con rằng, việc không tuân thủ luật giao thông không những ảnh hưởng đến trẻ, mà còn mọi người xung quanh. Ví dụ, nếu trẻ qua đường không quan sát đèn tín hiệu thì, không chỉ bản thân con sẽ bị thương, mà người vô tình va phải cũng sẽ ảnh hưởng.

“Trẻ con vốn hiếu động và nhận thức chưa cao. Vì thế, cha mẹ hãy kết hợp giữa lý thuyết và thực hành để giúp con yêu ghi nhớ lâu hơn. Cha mẹ có thể thông qua thực tế bằng việc tham gia giao thông cùng trẻ, chỉ dẫn cho con trên thực tế. Hoặc, thông qua các tranh, ảnh, video clip, bài hát, bài thơ, màu sắc… về an toàn khi tham gia giao thông. Khi đó, con vừa có thể hình dung vấn đề bạn đang nói, vừa ghi nhớ dễ dàng và lâu hơn những kỹ năng cần thiết”, phụ huynh này chia sẻ.

Theo chị Trang, điều quan trọng nhất là khi cùng trẻ ra ngoài đường tham gia giao thông, phụ huynh phải là người tuân thủ chấp hành luật nghiêm chỉnh trước. “Nếu trước mặt trẻ mà cha mẹ vượt đèn đỏ hoặc không đội mũ bảo hiểm hay phóng nhanh, thì đương nhiên những lời dạy của mình đối với con sẽ không còn giá trị gì nữa cả. Vì vậy, cha mẹ hãy gương mẫu trước để các con học tập và noi theo”, nữ phụ huynh nhấn mạnh.

Chia sẻ về những phương pháp giúp trẻ an toàn khi ngồi trên xe ô tô, ông Trần Hồ Trung Tín - Phòng Điều dưỡng, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TPHCM) cho biết: “Trẻ em chưa hình thành ý thức đầy đủ như người lớn. Vì thế, trẻ không thể kiểm soát những hành vi đời thường, không thể nhận biết thế nào là nguy hiểm hay an toàn. Vì thế, các phụ huynh khi cho trẻ em đi ô tô, cần lưu ý những vấn đề nhỏ nhất”.

Theo chuyên gia này, khi va chạm xảy ra, những đồ không cố định sẽ trở thành thứ vô cùng nguy hiểm với hành khách ngồi trên xe, đặc biệt là trẻ nhỏ. Vì vậy, các phụ huynh được khuyến cáo đảm bảo hạn chế tối đa những thứ đặt trên xe nhưng không được buộc cẩn thận.

Ngoài ra, dù trẻ ngồi ghế riêng hay cùng người lớn, phụ huynh cũng phải tập thói quen thắt dây an toàn cho trẻ. Bởi, đây được coi là hành động cơ bản, bắt buộc đầu tiên để hình thành thói quen cho trẻ khi bước vào xe ô tô.

“Trẻ em chơi đùa trên xe thường bị cuốn theo trò chơi, không làm chủ được hành động, không thể ngồi yên tại chỗ. Do đó, trẻ dễ bị ngã, va chạm vào các bộ phận trên xe. Từ đó, dẫn đến chấn thương, đặc biệt khi xe chạy nhanh, đổi hướng”, ông Tín cảnh báo.

Do đó, các phụ huynh được khuyến cáo chọn chỗ thích hợp cho trẻ. Đồng thời, sử dụng ghế trẻ em trên ô tô cho con. Lưu ý, trẻ em sơ sinh dưới 1 tuổi và nhẹ hơn 9 kg nên ngồi hướng về phía sau để đạt độ an toàn cao nhất. Trong khi đó, trẻ từ 10 - 18 kg nên ngồi hướng về phía trước. Với những trẻ lớn hơn có cân nặng từ 18 - 30 kg,  phụ huynh có thể để con ngồi trên ghế nâng. Tuy nhiên, cần sử dụng dây đai an toàn choàng qua ngực và bụng.

Nguy cơ khi bỏ quên trẻ trên ô tô

Ông Trần Hồ Trung Tín nhấn mạnh, điều quan trọng là không để trẻ một mình trên xe. Trẻ bị bỏ quên trên xe ô tô đối diện với nhiều nguy hiểm như: Ngạt thở, sốc nhiệt… Bởi, đây là môi trường kín, xe tắt động cơ và thường được đỗ giữa trời nắng nóng.

“Trong hoàn cảnh này, trẻ rất dễ bị sốc nhiệt và ngạt khí, thậm chí thiệt mạng do xe đóng kín, không có nguồn cung cấp oxy. Ngoài ra, do để ngoài trời nắng, nhiệt độ bên trong xe quá cao cũng là nguyên nhân gây nóng bức, khó thở ở trẻ. Thân nhiệt con người không thể chịu được ngưỡng nhiệt độ quá cao, khi tới 40 độ C thì sốc nhiệt. Nguy hiểm hơn, tới mức 42 độ C sẽ gây rối loạn các cơ quan và gây thiệt mạng”, ông Trần Hồ Trung Tín cảnh báo.

Do đó, chuyên gia này khuyến cáo, cha mẹ cần chú ý, chọn nơi thoáng mát khi đỗ xe. Đồng thời, tránh ánh nắng trực tiếp chiếu vào xe gây tăng nhiệt độ và khiến trẻ dễ bị sốc nhiệt. Trong quá trình lái hoặc ngồi trên xe, nên thường xuyên để mắt và nói chuyện với trẻ, sớm phát hiện ra những dấu hiệu bất thường (nếu có) để phản ứng kịp thời. Tuyệt đối không được để trẻ ngồi trong xe một mình.

Nếu không may phát hiện trẻ có những dấu hiệu bất thường như: Thân nhiệt nóng lên đột ngột, khó thở, mê man, cần nhanh chóng đưa trẻ tới bệnh viện càng sớm càng tốt, tránh hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.