Thôi thì cứ để ngòi bút đưa đi vậy:
Thầy Thiện là người đẹp lão, chắc chắn vậy. Đặc biệt là khuôn mặt, đạt được sự cân đối hiếm thấy. Có lẽ hồi trẻ Thầy đẹp trai lắm, và may mắn là thời gian không những không làm phai nhạt đi mà còn làm tăng thêm cái sự hồn hậu, chân tình, nho nhã và tinh tế... Lưng chưa còng, lông mày chưa bạc, chân chưa sụm xuống.
Cử chỉ thì rất dứt khoát, nghiêm trang như một người lính, giống như một ngọn núi đứng yên giữa đất trời. Ai gặp Thầy, ấn tượng đầu tiên luôn là yên lòng và dễ gần.
Tuy thế, tôi lại nhớ nhất những lần thấy Thầy thực sự ốm. Như tiết đầu tiên của năm lớp 12, khi Thầy vừa đi mổ về: hai khoé miệng xệ xuống, gò má hóp lại – trông thật đáng thương. Nhưng nhìn vào cặp mắt rất sáng của Thầy, tôi lại thấy yên tâm.
Thầy đã dạy cho chúng tôi vô vàn điều hay:
Với tư cách người Thầy, mỗi bài học của Thầy là sự tổng hợp các kiến thức trong sách vở, được biến đổi cho phù hợp với học sinh nhưng cũng đồng thời bổ sung thêm các nguồn từ thực tiễn.
Thầy cố gắng lồng những câu chuyện sống động từ thực tiễn vào bài học. Nhờ thế, giờ học của Thầy luôn luôn là một sự kiện được đón chờ hàng tuần.
Nhưng quan trọng hơn là Thầy đã dạy chúng tôi cách suy nghĩ, làm sao để đầu óc mình luôn sẵn sàng với những điều mới lạ. Thầy dạy Cách học, chứ không phải chỉ dạy Học.
Với tư cách người ông, Thầy còn chỉ cho chúng tôi phải sống như thế nào. Bài học đầu tiên của Thầy cho chúng tôi chỉ xoay quanh việc giải thích từ “Người”. Có thế mà nhớ mãi ngày mà chúng tôi được “mở não” đấy.
Tiếp sau đó là những câu chuyện, những lời nhắc nhở về từ những việc lặt vặt như cách ăn, cách nói… đến những thứ tối quan trọng như cách làm người tốt, cách đưa ra lựa chọn đúng đắn.. Và chính Thầy cũng là một bài học sống cho chúng tôi làm theo.
Có lẽ không thầy cô giáo nào để lại cho chúng tôi những ấn tượng sâu đậm với từng cử chỉ nhỏ nhặt nhất như thầy. Đứng trước Thầy, chúng tôi luôn cảm thấy mình thật nhỏ bé.
Với tư cách người cha, Thầy là người quản lí trật tự trong trường. Thầy vừa là quan toà, bồi thẩm, và luật sư nữa. Với mỗi lỗi lầm của chúng tôi, Thầy đều xem xét từ mọi hướng, chỉ rõ ra cái tốt, cái xấu, cái được, cái mất.
Và Thầy luôn luôn đứng về phía học sinh, tìm mọi cách giáo dục, chứ không phải trừng phạt những bạn bị mắc lỗi. Nhưng đừng tưởng Thầy dễ dàng bỏ qua. Lần gần đây nhất là khi một số bạn lớp tôi mắc lỗi lớn, thầy nổi cơn lôi đình ngay giữa lớp. Đấy là một số ít lần chúng tôi thực sự sợ Thầy.
Với tư cách một người bạn, Thầy là người để chúng tôi tâm sự mọi suy tư thầm kín của mình. Nhưng mà Thầy làm cách nào để khiến chúng tôi có thể mở lòng mình ra như thế? Thầy tự mở lòng với chúng tôi trước.
Thầy nói với chúng tôi mọi điều, hầu hết là những kỉ niệm từ lâu lắm rồi. Rồi sau đó là những ý kiến riêng của Thầy – nhưng trước đó là việc hỏi và đặt suy nghĩ của chúng tôi lên bàn cân trước.
Thầy nói thẳng, nói thật và coi chúng tôi như người lớn - một cách đối xử mà chúng tôi ít được hưởng. Có lẽ vì thế mà trong lớp, cả những ông “con trời” cũng đều quý mà gờm Thầy.
Kỉ niệm với Thầy thì nhiều lắm: Biết bao buổi học đã trôi qua với tiếng cười sảng khoái – thầy quả là có khiếu chọc cho đến cả đá cũng phải tủm tỉm.
Hay là khi Thầy nhắc nhở cho chúng tôi về quá khứ, và cả hiện tại đầy khó khăn mà vinh quang của chúng ta, từ đó truyền thêm ngọn lửa quyết tâm cho mỗi học sinh.
Thầy ít mắng mỏ, nhưng lần nào có thì quả đúng như là dao cứa vào ruột. Nhưng ở đây tôi chỉ muốn kể một ấn tượng thôi, ngày đầu tiên Thầy vào lớp:
Đó là một buổi chiều thu đầy nắng, khi mà toà nhà mới còn chưa bay mùi vôi. Thầy in bóng lần đầu trên cửa lớp, một nụ cười đôn hậu trên môi.
Lớp tôi, hồi đấy còn ngổ ngáo lắm. Nhưng không, khi Thầy mở miệng, ai cũng có thể cảm thấy một sức mạnh ở trong cái dáng người hơi đậm ấy.
Câu hỏi đầu tiên của Thầy là: “Các em có biết chữ “người” có nghĩa gì không?”. Cả lớp nín lặng. Thầy phải giải thích cặn kẽ, từng chân tơ kẽ tóc một. Giọng nói thật cuốn hút, đầy tinh thần, và đặc biệt là sự tôn trọng, chân tình gửi gắm trong đó.
Thật tiếc là tôi không nhớ rõ, nhưng tóm lại là: Con người luôn luôn phải đặt trong các mối quan hệ xã hội, vừa có tính cá nhân vừa có tính cộng đồng.
Một bài học rất cần thiết với chúng tôi lúc đó, những đứa trẻ tưởng mình là trung tâm của xã hội. Khi thầy bước ra khỏi cửa, đã có nhiều đứa thầm cảm ơn vì may mắn có được một người thầy như thế.
Mấy nét trên chắc chắn là chưa đủ để phác hoạ lên bức chân dung của thầy Nguyễn Văn Thiện. Có còn nhiều việc mà tôi rất muốn kể: Như việc thầy vào đề một bài học với câu hỏi, hay những câu chuyện gần lắm mà xa lắm, hoặc là nụ cười của Thầy…
Nhưng liệu có bút nào tả nổi người Thầy vô cùng đáng kính của chúng tôi? Còn nhớ, trong tiết học cuối cùng, Thầy lẳng lặng viết lên bảng dòng chữ rất đẹp: Chúc lớp 12A5 Thành Công – Thành Danh – Thành Nhân.
Tôi viết bài báo này, có lẽ không thể bày tỏ hết lòng kính trọng và biết ơn Thầy, chỉ mong những dòng chữ này đến được với Thầy, như một món quà nhỏ. Con xin kính chúc Thầy mãi mạnh khỏe, vui trẻ và tiếp tục dạy dỗ cho thật nhiều các thế hệ học trò tiếp theo.