Sau khi Bộ GD&ĐT phê duyệt các đầu SGK lớp 2 và lớp 6 trong chương trình giáo dục phổ thông mới, công tác giới thiệu đến các địa phương cũng đang được triển khai thực hiện.
Theo ghi nhận của Báo GD&TĐ, nhiều phụ huynh có con em chuẩn bị lên lớp 2 và lớp 6 bày tỏ quan điểm của mình liên quan đến vấn đề này.
Chị Hoàng Thị Hảo, ở phường Lam Sơn, TP. Thanh Hóa, có con chuẩn bị lên lớp 6, tâm sự: “Tôi chưa biết bộ SGK mới cụ thể như thế nào, nhưng theo tôi nghĩ việc đổi mới giáo dục là hoàn toàn hợp lý. Bởi, các con được tiếp cận với chương trình mới, phù hợp hơn theo xu hướng phát triển của xã hội.
Mặt khác, việc thay SGK mới như hiện nay, thông qua nội dung các bài học, thì bố, mẹ có thể cùng con ứng dụng, cập nhật tình hình thực tiễn, để giúp các con xây dựng bài học được tốt hơn, nhất là kỹ năng mềm”.
Tuy nhiên, chị Hảo vẫn không khỏi băn khoăn bởi đầu sách nhiều sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới điều kiện kinh tế của các bậc phụ huynh, nhất là vùng nông thôn, miền núi.
Đó là chưa kể đến việc các phương pháp học tập mà thầy, cô giáo áp dụng cho bộ sách mới. Có thể, sẽ gặp khó khăn với cách tiếp cận của học sinh vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa (nơi thiếu thiết bị học tập).
Bên cạnh đó, khi các con về nhà, phụ huynh muốn hỗ trợ con học tập, cũng khó khăn hơn.
Cùng chung nỗi băn khoăn ấy, chị Bùi Thị Nhung, phường Quảng Tiến, TP Sầm Sơn (Thanh Hóa) đang có con học lớp 1, chia sẻ:
“Tôi nghe nói năm nay cả tỉnh Thanh Hóa sẽ chọn một bộ SGK chung nhất, nên đây cũng là điều kiện thuận lợi cho các con học tập. Còn nếu lựa chọn bộ sách khác nhau, học sinh và phụ huynh phải làm quen lại từ đầu sẽ gặp rất nhiều khó khăn hơn.
Bên cạnh đó, sách không được xuất bản trước năm học, nên nhiều phụ huynh dù có thời gian cũng không thể cùng con nghiên cứu làm quen với sách kịp thời. Số lượng đầu sách nhiều, các con mang đi học rất vất vả”.
Theo một số giáo viên tiểu học, việc yêu cầu đổi mới phương pháp cho phù hợp với thiết kế nội dung, chương trình là bắt buộc.
Song, hầu hết các trường đều thiếu thiết bị phục vụ dạy học, nên giáo viên không thể áp dụng được (diện tích phòng học, thiết bị nghe nhìn vì sách gần như được sử dụng trên lớp theo hình thức sách trực tuyến).
Đối với giáo viên tiểu học ở Thanh Hóa, hiện nay nhiều người có tuổi đời, tuổi nghề đã cao. Vì vậy, sử dụng công nghệ để tiếp cận, sử dụng sách cho đúng ý tưởng tác giả sẽ có nhiều hạn chế.
Với những giáo viên dạy lớp 2 được tham gia bồi dưỡng trực tiếp, thì sẽ thuận lợi hơn. Còn những giáo viên chỉ được bồi dưỡng theo hình thức trực tuyến trong thời gian ngắn, thì khi dạy thay trong trường sẽ rất khó khăn, ảnh hưởng đến chất lượng …
Thầy giáo Nguyễn Văn Giang – Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS thị trấn Mường Lát, cho biết: Đến thời điểm này, nhà trường đã chuẩn bị tinh thần để tiếp cận với chương trình thay SGK lớp 2 và lớp 6.
Nhà trường hiện có đội ngũ giáo viên trẻ, khỏe, nhiệt tình và tự giác khi tham gia các hoạt động giáo dục.
Để chuẩn bị cho chương trình thay SGK lớp 2 và lớp 6, nhà trường đã xây dựng kế hoạch bài bản theo hướng dẫn của ngành.
Tuy nhiên, nhà trường vẫn còn gặp khó khăn về cơ sở vật chất, như chưa có phòng học riêng bộ môn; bàn ghế được cấp lâu năm đã xuống cấp. Trang thiết bị, đồ dùng dạy học lớp 2 chưa có.
Học sinh hầu hết là con em gia đình buôn bán và làm nông nghiệp, đời sống kinh tế khó khăn, nên phụ huynh bận làm kinh tế, ít quan tâm phối hợp với giáo viên trong việc giáo dục con em, mà chỉ phó mặc cho nhà trường...
Để chuẩn bị thay SGK lớp 2 và lớp 6, nhà trường đã được tập huấn và hoàn thiện Mô đun 3.0, cho tất cả 22 giáo viên (cấp 1, 2). Cán bộ quản lý cũng đã hoàn thành tập huấn Mô đun 1, 2.
Hiện tại, phòng GD&ĐT huyện Mường Lát triển khai thực hiện Mô đun 3.0 để cán bộ quản lý các nhà trường tiếp cận. Vừa qua, nhà trường cũng đã cử 1 giáo viên âm nhạc tham gia hội đồng lựa chọn sách lớp 2, ở cấp tỉnh.
Cũng theo thầy Giang, vai trò của hội cha mẹ học sinh trong việc lựa chọn thay SGK mới cũng rất quan trọng. Ngoài việc được cấp sách, thì nhiều phụ huynh đã tự mua sách trước để các con tiếp cận với bộ sách mới.
Tuy nhiên, mặc dù đại diện hội cha mẹ học sinh cũng là thành viên trong hội đồng tuyển chọn SGK của nhà trường nhưng thực tế, phụ huynh đều thống nhất theo phương án khi hội đồng quyết định chọ bộ SGK nào.
“Nhà trường cũng mong muốn được cấp trên tổ chức tập huấn thay SGK sớm và kỹ hơn, để giáo viên được trải nghiệm nhiều hơn, không bị bỡ ngỡ khi giảng dạy.
Về vấn đề tài liệu tham khảo và sách giáo viên, thì cần được cấp kịp thời ngay từ đầu năm, để giáo viên thuận lợi trong việc soạn giảng”, thầy Giang đề nghị.
Trao đổi với Báo GD&TĐ, ông Trần Văn Thức – Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa, cho biết: Đến thời điểm này, tỉnh Thanh Hóa chưa chốt phương án lựa chọn bộ SGK lớp 2 và lớp 6, mà mới họp hội đồng cấp tỉnh phiên thứ nhất.
Hội đồng cấp tỉnh đang chờ cấp huyện triển khai, lựa chọn bộ SGK nào cho phù hợp, thì mới tiến hành họp phiên thứ hai.
Việc lựa chọn SGK lớp 2 và lớp 6 cho năm học 2021-2022 đang diễn ra đúng tiến độ và theo quy định của Bộ GD&ĐT.
“Chúng tôi dự kiến phương án cố gắng trong một huyện nên thống nhất chung một bộ SGK. Bởi lẽ, nếu một huyện, mà chọn nhiều bộ SGK, sẽ ảnh hưởng đến việc quản lý và điều hành không hiệu quả, hoặc khó khăn cho học sinh mỗi khi có em phải chuyển trường.
Bên cạnh đó, Sở GD&ĐT cũng có phương án. Chẳng hạn như, một huyện có 30 trường, nếu 25 trường chọn bộ này và 5 trường khác chọn bộ kia, thì cũng có thể thống nhất phương án đó.
Tuy nhiên, hội đồng chọn SGK cấp tỉnh vẫn đang phải bàn bạc, chứ chưa chốt phương án cụ thể”, ông Thức nói.