Hà Nội: Giáo viên khó tiếp cận sách giáo khoa mới

Hà Nội: Giáo viên khó tiếp cận sách giáo khoa mới

Mong tiếp cận đầy đủ các bộ sách

Bà Nguyễn Diệu Ánh - Phó trưởng Phòng GD&ĐT quận Hoàn Kiếm, Hà Nội chia sẻ: Hiện nay giáo viên vẫn chưa được tiếp cận đầy đủ 32 đầu sách do Bộ GD&ĐT phê duyệt. Do đó, phòng mong muốn sớm có các bộ sách để cho giáo viên tiếp cận, các nhà trường chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị để phục vụ chương trình giáo dục mới đạt hiệu quả.

Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Thạch Thất nêu ý kiến: Phòng mới chỉ có 2/5 bộ sách và chưa thể phổ biến rộng rãi tới tất cả giáo viên. Trong khi đó, tại Hội nghị, mỗi bộ chỉ được giới thiệu vài cuốn “tiêu biểu” nên các giáo viên hay cán bộ Phòng Giáo dục chỉ tiếp cận được một phần rất nhỏ. Trước thực trạng này, Phòng GD&ĐT huyện Thạch Thất đề xuất Sở GD&ĐT Hà Nội có hướng giải quyết để các cơ sở giáo dục sớm có đủ 5 bộ SGK mới.

Bà Lê Thị Thu Hương - Trưởng phòng GD&ĐT quận Bắc Từ Liêm cho rằng: Thông tư ban hành danh mục thiết bị dạy học tối thiểu lớp 1 chưa có đơn giá của từng thiết bị, do đó gây khó khăn trong quá trình dự toán để đề xuất UBND quận phân bổ cho các trường. Vì vậy, đề nghị có đơn giá chuẩn hoặc đơn giá sàn để các quận, huyện căn cứ làm dự toán kinh phí mua thiết bị cho năm học mới.

Ông Nguyễn Khắc Thắng - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Quốc Oai đề nghị: Các NXB sớm cung cấp SGK về cho các trường làm phương tiện và cơ sở để lựa chọn sách. Đồng thời, đưa SGK, thông tin cần thiết lên trang web của mình để được lan tỏa đến các phụ huynh, đưa ra những góp ý cho nhà trường lựa chọn sách một cách tốt nhất.

Ngoài ra, đại diện Phòng GD&ĐT Quốc Oai băn khoăn không biết ý tưởng của các tác giả về bộ SGK lớp 2,3,4,5 về tính đồng tâm như thế nào và có bảo đảm nhất quán trong nội dung, chương trình và phương pháp hay không để các nhà trường lựa chọn toàn diện hơn.

Chia sẻ về góc độ khó khăn trong tiếp cận SGK mới, thầy Nguyễn Xuân Khang - Hiệu trưởng Trường Marie Curie bày tỏ lo lắng: Với thời gian quá gấp, nếu giáo viên không sớm được tiếp cận đầy đủ 5 bộ SGK sẽ gây ra những bất cập nhất định. Thời gian quá ngắn chắc chắn sẽ tạo ra những trở ngại trong quá trình chọn sách cho các địa phương, nhà trường.

Đề nghị được tiếp cận sách qua Internet

Một phép tính khiến không ít người giật mình: Nếu cấp miễn phí SGK cho các hội đồng chọn sách, mỗi nhà xuất bản sẽ phải đầu tư hơn 3 tỷ đồng và sẽ gấp đôi nếu bao gồm cả SGK dành cho giáo viên. Như vậy sẽ rất khó cho một nhà xuất bản nào đó cung cấp đầy đủ bộ sách của mình cho tất cả hội đồng chọn sách ở 63 tỉnh, thành phố.

Phương án “mua chịu” cũng đã được lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội tính đến. Ông Phạm Xuân Tiến - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết: Sở đã trao đổi với các nhà xuất bản và bày tỏ mong muốn để các giáo viên được tiếp cận sớm với SGK. Song do sách chưa có giá nên chưa thể bán trên thị trường, nên các nhà xuất bản chỉ tặng một số lượng nhất định cho các Phòng GD&ĐT và qua đó cho các giáo viên tiếp cận nghiên cứu.

Ông Tiến cho biết thêm: Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam sẵn sàng cung cấp SGK với hình thức “bán chịu” cho các trường để tăng thời gian cho các thầy cô nghiên cứu. Khi nào sách giáo khoa “chốt” giá, nhà xuất bản này sẽ thu tiền sau. Tất cả sách được Bộ thẩm định, có thể sử dụng trong nhà trường như sách tham khảo, do vậy, có thể lấy nguồn từ kinh phí cấp mua sách thư viện trường học.

Tuy vậy, nhiều địa phương không đồng tình với phương án “mua chịu” bởi nếu không được thẩm định sẽ rất lãng phí. Bà Vương Thị Minh Hải - Phó trưởng Phòng GD&ĐT TX Sơn Tây nêu ý kiến: “Nếu được cho mượn, thẩm định xong trả thì hợp lý hơn cả. Bộ sách nào không được lựa chọn, Phòng sẽ gửi trả lại 100% chứ chúng tôi không muốn mua chịu, cũng không muốn mua rẻ”.

Để hài hòa các phương án, ông Ngô Văn Chức, Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Sóc Sơn đề nghị các nhà xuất bản cần giới thiệu toàn bộ các bản mẫu sách giáo khoa lên trang web chính thức của mình để bất cứ ai cũng có thể đọc, tìm hiểu và nghiên cứu sách giáo khoa đã được phê duyệt, thay vì phải chờ đợi định giá và có sách bán trên thị trường mới mua được.

Về đề xuất này, ông Phạm Xuân Tiến cho biết: Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ có ý kiến với các nhà xuất bản để làm sao đưa tất cả các bộ SGK lên website để các thầy cô có thể tham khảo trước, bởi thời gian để lựa chọn SGK không còn nhiều. Tuy vậy, ông Tiến khẳng định dù SGK có hay, có phù hợp đến đâu, vai trò người giáo viên vẫn là quan trọng nhất.

“Tôi đi dự rất nhiều giờ. Có những giờ, giáo viên bám chặt lấy SGK ở tất cả các nội dung kiến thức, không có thay đổi gì. Cũng có những giờ, giáo viên hầu như thoát ly SGK. Trong khi nội dung bài học, kiến thức không bị thay đổi nhưng họ lựa chọn những nội dung, tình huống phù hợp, tạo hưng phấn, thích thú cho học sinh. Trước mỗi giờ dạy, nếu giáo viên trăn trở, suy nghĩ, tìm tòi cách để truyền tài nội dung, kiến thức phù hợp học sinh thì sẽ mang đến hiệu quả” - ông Tiến chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cây guitar bí ẩn.

Những cây đàn huyền bí

GD&TĐ - Trong một số trường hợp, nhạc cụ còn được cho là sở hữu sức mạnh huyền bí, mắc lời nguyền.