Thầy giáo trẻ và quan niệm “người dạy không ngừng học”

GD&TĐ - Với tinh thần “người dạy không ngừng học”, thầy giáo Bùi Xuân Mạnh (trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân. TP Thái Nguyên) vừa nỗ lực khẳng định mình, vừa đóng góp chung vào hiệu quả giáo dục của nhà trường.

Thầu giáo Bùi Xuân Mạnh (trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân, TP Thái Nguyên) trao đổi, hướng dẫn học trò
Thầu giáo Bùi Xuân Mạnh (trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân, TP Thái Nguyên) trao đổi, hướng dẫn học trò

Tổng phụ trách Đội năng động, sáng tạo

Ra trường và bắt đầu được đi dạy học năm 2010, thầy giáo Bùi Xuân Mạnh nhanh chóng bắt nhịp vào công việc và dồn hết tâm sức cho những năm tháng bước vào nghề. Với chuyên môn âm nhạc cùng sự năng động, nhiệt tình của mình, thầy Mạnh được tín nhiệm giao cho công tác Tổng phụ trách Đội của trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân (TP Thái Nguyên).

“Nhận được sự ủng hộ và khích lệ, giúp đỡ của các thầy cô giáo kinh nghiệm đi trước cũng như anh chị em đồng nghiệp, tôi cảm thấy được tiếp thêm sự tự tin, từ đó dành hết nỗ lực vào học hỏi, tìm tòi những cách làm sao cho phù hợp, hiệu quả. Đó thực sự là những năm tháng may mắn và hết sức ý nghĩa đối với tôi” - thầy Mạnh bày tỏ.

Thầy giáo Bùi Xuân Mạnh trong một giờ lên lớp
Thầy giáo Bùi Xuân Mạnh trong một giờ lên lớp

Thầy Tổng phụ trách Đội Bùi Xuân Mạnh thường xuyên trò chuyện để nắm bắt tâm tư, khả năng của các học trò. Các hoạt động Đội Thiếu niên tiền phong nhà trường bao giờ cũng được tổ chức theo hướng thiết thực, sinh động hấp dẫn, mà vẫn giàu ý nghĩa.

Các hoạt động ngoại khóa, các chương trình sinh hoạt tập thể đều được lồng ghép nhiều nội dung để các em vừa đón nhận tri thức một cách tự nhiên, vừa được trải nghiệm rèn luyện những kỹ năng cần thiết.

Với sự tiên phong, năng động, sáng tạo của thầy giáo Tổng phụ trách Đội, nhiều hoạt động ấn tượng được đông đảo các em học sinh tham gia, như: Ngày hội “Thiếu nhi vui khỏe - tiến bước lên Đoàn”; Giờ ra chơi ý nghĩa với “Buổi tiệc sinh nhật - trọn vẹn niềm vui”; Trải nghiệm “Trao gửi yêu thương”; Ngoại khóa kỹ năng sống chuyên đề “Công cha nghĩa mẹ ơn thầy”; Sinh hoạt sao nhi đồng “Nét đẹp văn hóa học đường”…

“Thầy Mạnh là một giáo viên vững vàng trong chuyên môn nghiệp vụ, nhiệt tình và say nghề, có kỹ năng tổ chức tốt và đã truyền cảm hứng tích cực cho các em học sinh trong các hoạt động”.

Cô giáo Lê Kim Anh - Hiệu trưởng trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân (TP Thái Nguyên)

Chia sẻ về quá trình tổ chức các hoạt động này, thầy Mạnh cho rằng: “Tôi may mắn nhận được sự ủng hộ giúp đỡ nhiệt tình của các thầy cô giáo trong nhà trường, cho nên công việc có nhiều thuận lợi. Vui nhất là thấy những hoạt động khi tổ chức được các em học sinh hào hứng đón nhận. Tôi nghĩ nó sẽ bổ trợ tốt cho việc học tập trong lớp của các em”.

Nói thêm về công việc, thầy Mạnh cho biết, cũng không phải không ít những thử thách khó khăn, khi công tác này chiếm gần hết thời gian, chưa kể song song với đó vẫn phải đảm bảo tốt việc lên lớp bộ môn Âm nhạc. Ý tưởng này cuốn theo hoạt động kia, chuyện đi sớm về muộn là thường xuyên, nhưng thầy giáo trẻ thấy đó là niềm vui hơn là vất vả, quan trọng nhất là được góp chung vào hiệu quả cho các hoạt động giáo dục của nhà trường.

Thầy giáo Bùi Xuân Mạnh luôn chú ý quan tâm việc tương tác với học trò để nâng cao hiệu quả giáo dục
Thầy giáo Bùi Xuân Mạnh luôn chú ý quan tâm việc tương tác với học trò để nâng cao hiệu quả giáo dục

Không ngừng học hỏi, phát triển bản thân

Với suy nghĩ không bao giờ tự bằng lòng với mình, mặc dù đã đạt những kết quả đáng khích lệ trong công tác phụ trách Đội, thầy giáo Bùi Xuân Mạnh vẫn tiếp tục tìm tòi học hỏi nhằm nâng cao, phát triển bản thân. Đang là một giáo viên âm nhạc có chuyên môn tốt, thuộc đội ngũ cốt cán bộ môn của tỉnh, thầy Mạnh tiếp tục học Đại học Sư phạm Tiểu học, và hiện nay đã là giáo viên đứng lớp 9 môn của nhà trường.

Chia sẻ lí do về sự thay đổi này, thầy Mạnh bày tỏ: “Tôi luôn nghĩ không thể làm việc kiểu tròn vai cho xong việc, mà cần không ngừng nỗ lực học hỏi. Mông muốn lớn nhất của tôi là được nâng cao, phát triển bản thân. Việc học Sư phạm Tiểu học và đứng lớp 9 môn giúp tôi có thêm nhiều kỹ năng, hiểu biết, đồng thời được có thêm tương tác để hiểu học sinh nhiều hơn”.

Được nhận thêm công việc chuyên môn mới, thầy Mạnh cũng có những đúc rút, so sánh khi cho rằng: Nếu như công tác phụ trách Đội đòi hỏi sự năng động, linh hoạt, sáng tạo, thì việc đứng lớp dạy học lại cần sự vững vàng trong kiến thức, tính khoa học và phù hợp trong phương pháp sư phạm.

“Đây có lẽ là một trải nghiệm mới rất ý nghĩa đối với tôi. Thật may mắn và hạnh phúc cho một giáo viên trẻ như tôi khi được khám phá, thử thách, trải nghiệm qua hai lĩnh vực khác nhau. Sự ủng hộ, hỗ trợ, giúp đỡ của Ban Giám hiệu và đồng nghiệp đã giúp tôi rất nhiều trong quá trình nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ” - thầy Mạnh xúc động bày tỏ.

Những tấm gương như thầy giáo Bùi Xuân Mạnh đã lan tỏa tích cực tinh thần học tập, trau rồi, không ngừng nâng cao hoàn thiện và phát triển bản thân để làm tấm gương trước học trò, cùng như để nhiều giáo viên trẻ noi theo.

Thầy giáo Bùi Xuân Mạnh đạt một số thành tích: Giải Nhất cuộc thi Piano cấp quốc gia dành cho giáo viên âm nhạc; Danh hiệu Giáo viên trẻ tiêu biểu cấp tỉnh; 2 lần đạt danh hiệu Giáo viên giỏi cấp tỉnh; 2 lần nhận Bằng khen của Giám đốc Sở GD&ĐT; 1 lần nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên; 01 lần nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.

Liên đội trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân đạt danh hiệu Liên đội mạnh cấp tỉnh; được nhận Bằng khen của Trung ương Đoàn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cô Đỗ Thị Hồi trong giờ lên lớp.

'Quả ngọt' của cô giáo vùng khó

GD&TĐ - Cô Đỗ Thị Hồi, Trường TH Lạc Hòa 1 (TX Vĩnh Châu, Sóc Trăng) là nữ giáo viên đầu tiên của tỉnh được tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân.