Hội nghị diễn ra gồm hơn 60 điểm cầu tại các Phòng GD&ĐT, trường THPT, Trung tâm GDNN-GDTX, với sự tham dự của gần 1.000 cán bộ quản lí, đại diện giáo viên từ các đơn vị.
Chủ trì Hội nghị, ông Nguyễn Đức Thịnh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Thái Nguyên nhấn mạnh mục tiêu của chương trình: Các đơn vị, nhà trường sẽ phân tích, thảo luận, nhằm đi tới thống nhất nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức vừa khoa học, vừa phù hợp với đối tượng, vùng miền khác nhau, thực hiện công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử nhằm tạo chuyển biến căn bản trong các nhà trường.
“Mục tiêu của chương trình là triển khai đồng bộ, tích cực và quyết liệt các giải pháp để kết thúc năm học 2021 - 2022 hình thành cơ bản 4 phẩm chất tiêu biểu “Lễ phép, thân thiện, trung thực và trách nhiệm” trong học sinh của các nhà trường, làm tiền đề cho kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 về đạo đức, lối sống, về văn hóa ứng xử, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trên toàn tỉnh” - ông Nguyễn Đức Thịnh trao đổi.
Theo đó, ngành giáo dục Thái Nguyên đã xác định nhóm 10 nhiệm vụ trọng tâm trong xây dựng nét đẹp văn hóa trường học, trong đó nổi bật như: Nâng cao hiệu quả triển khai công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội; Tăng cường hỗ trợ tư vấn tâm lý và công tác xã hội trong trường học; Bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện; Đổi mới công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật, phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội; Triển khai hoạt động tư vấn nghề nghiệp và hỗ trợ khởi nghiệp cho học sinh…
Để triển khai giáo dục phẩm chất “Lễ phép, thân thiện, trung thực và trách nhiệm” cho học sinh, ngành giáo dục Thái Nguyên yêu cầu xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện cụ thể đối với từng trường học, trong đó mỗi tháng một chủ đề, mỗi tuần một nội dung. Ngành cũng sẽ lựa chọn biểu dương khen thưởng những nhà trường có mô hình cách làm hay, những tấm gương học sinh tiêu biểu.