Thầy giáo trẻ "biến" sách giáo khoa Lịch sử thành Atlat

GD&TĐ - Nhiều năm liền dạy môn Lịch sử, thầy giáo Phan Khánh Hội trường THPT Cửa Tùng (Vĩnh Linh, Quảng Trị) đã biến môn học tưởng như khó nhằn này thành Atlat bằng tranh.

Thầy giáo Phan Khánh Hội dạy Lịch sử qua Atlat.
Thầy giáo Phan Khánh Hội dạy Lịch sử qua Atlat.

"Biến" số liệu thành tranh

Cả cuốn sách Lịch sử với những số liệu, những mốc thời gian, sự kiện cần nhớ đã nhanh chóng trở thành những bức tranh ảnh đẹp mắt. Đó là công trình nghiên cứu khoa học của thầy giáo Phan Khánh Hội với ý tưởng cho ra đời sản phẩm “Atlat Lịch sử lớp 12”.

Chỉ nghe đến ý tưởng cũng thấy đây là một nghiên cứu khả quan giúp học sinh tiếp cận gần hơn với môn Lịch sử.

Thầy Phan Khánh Hội chia sẻ: “Bộ môn Lịch sử ở trường THPT có vai trò rất quan trọng trong hình thành nhân cách, phẩm chất cho học sinh, giáo dục cho các em lòng yêu quê hương, đất nước, niềm tự hào về những chiến công oanh liệt của dân tộc. Từ đó giúp các em có động lực, niềm say mê và ý chí phấn đấu cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay.

Tuy nhiên, vấn đề dạy và học lịch sử hiện nay còn tồn tại nhiều bất cập cả về nội dung kiến thức lẫn phương pháp giảng dạy. Sách giáo khoa môn Lịch sử còn nặng về sự kiện, số liệu, kiến thức mà ít các loại hình ảnh trực quan, những hình ảnh, lược đồ trong sách giáo khoa còn ít và đều in đen trắng nên không tạo nên được sự sinh động, hấp dẫn, chú ý của học sinh về sự kiện lịch sử”.

Nhiều năm liền giảng dạy môn học này, thầy Hội đã trăn trở nghĩ cách để giúp học sinh của mình thực sự thích học và cảm thấy gần gũi với môn Sử.

Từ đó, thầy Hội đã suy phải tạo ra cho các em học sinh một tài liệu tham khảo không phải bằng kênh chữ mà là những lược đồ, đồ thị, hình ảnh tiêu biểu được chọn lọc, tổng hợp từ nhiều nguồn tài liệu chính thống nhằm làm phong phú thêm những hiểu biết về sự kiện, hiện tượng lịch sử bám sát chương trình môn Lịch sử lớp 12 THPT. Vì vậy, nghiên cứu “Atlat Lịch sử lớp 12” đã ra đời.

Ngoài là công cụ giúp giáo viên Lịch sử có thể sử dụng trong giảng dạy, thì cuốn Atlat Lịch sử lớp 12 này còn là công cụ tự học rất tốt cho học sinh.

“Tôi mạnh dạn sưu tầm, tổng hợp và biên soạn cuốn Atlat này làm công cụ hỗ trợ trong học tập và giảng dạy môn Lịch sử lớp 12. Khi đưa vào giảng dạy tại trường THPT Cửa Tùng, BGH đã đánh giá cao và điều tôi vui nhất là sự húng thú của học sinh với cuốn Atlat. Có lẽ, các em sẽ chăm học, yêu thích và hình thành giáo dục nhân cách thông qua môn học này” – thầy Hội chia sẻ.

Cả cuốn sách Lịch Sử lớp 12 với những số liệu dày đặc, nhiều kiến thức khó nhớ đã được hệ thống hóa bằng tranh, ảnh, biểu đồ rất sinh động.

Đây cũng chính là sự cần thiết phải đổi mới phương pháp dạy học, ứng dụng những thành tựu mới của khoa học, đặc biệt là công nghệ thông tin và truyền thông vào trong dạy học lịch sử. Chính từ suy nghĩ đó, thầy Hội đã mạnh dạn áp dụng vào việc sưu tầm, tổng hợp và biên soạn thành cuốn Atlat Lịch sử 12 phục vụ cho việc giảng dạy và học tập học này ở cấp THPT.

Hướng đi mới cho Atlat lớp 10 và 11

Phần nội dung cốt lõi của sản phẩm chính là các kênh hình, số liệu, infographics, được công bố trên các website chính thống của Đảng, Chính phủ, các cơ quan báo chí trong nước phản ánh những nội dung nổi bật nhất về các sự kiện, vấn đề lịch sử thế giới và Việt Nam nằm trong chương trình lịch sử lớp 12 THPT. Tất cả các hình ảnh, số liệu, infographics đều có ghi chú nguồn cụ thể, được biên tập theo trình tự, bám sát nội dung các chương, các bài trong sách giáo khoa Lịch sử lớp 12, có sự phân chia theo chủ đề để giáo viên giảng dạy và học sinh tiện theo dõi.

Những cột mốc Lịch sử được thống kê bằng biểu đồ dễ nhớ.
Những cột mốc Lịch sử được thống kê bằng biểu đồ dễ nhớ.

Sản phẩm có thể in thành tài liệu để sử dụng hoặc dùng bản mềm. Giáo viên có thể sử dụng các hình ảnh, số liệu trong Atlat để đưa vào bài giảng powerpoint, elearning xây dựng thành các tiết bài giảng điện tử, sử dụng tài liệu như một công cụ để thiết kế thêm các bài tập nhận thức, các trò chơi lịch sử,....

Đồng thời, các trường có thể in thành tài liệu lưu hành nội bộ hoặc phổ biến để ở các thư viện để học sinh mượn tham khảo. Học sinh cũng có thể tự in ra để sử dụng làm tài liệu tham khảo bên cạnh sách giáo khoa, các nhà xuất bản có thể bổ sung ý tưởng và cho ra một sản phẩm hoàn thiện hơn ứng dụng rộng rãi trong dạy học lịch sử ở trường THPT, đặc biệt là sau khi áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới đối với cấp THPT từ năm học 2022 - 2023.

Sản phẩm là công trình nghiên cứu, tìm tòi trong 3 năm từ năm học 2017 – 2018 của thầy giáo Phan Khánh Hội. Atlat Lịch sử đã được đưa vào sử dụng trong thực tế giảng dạy và cho thấy hiệu quả như mong muốn ban đầu.

Trong thời gian tới, thầy Hội sẽ nghiên cứu để cho ra đời Atlat Lịch sử dành cho lớp 10 và 11.

“Sau khi áp dụng vào thực tiễn, học sinh của tôi rất thích thú, nhưng số lượng in ra chưa nhiều vì thiếu chi phí, nhiều em vẫn phải dùng bản mềm, Tôi hi vọng công trình này sẽ góp phần vào việc đổi mới phương pháp dạy học, nâng cao chất lượng học tập môn Lịch sử ở trường THPT. Đồng thời, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo trong tình hình mới. Atlat này với mong muốn làm cho dạy học Lịch sử gắn liền với thực tế cuộc sống, cập nhật các kiến thức, khiến cho môn học vốn được xem là nhàm chán, khô khan này trở lên sinh động và hấp dẫn.”- thầy Hội nói.

Ý tưởng "Atlat Lịch sử lớp 12" của thầy giáo Phan Khánh Hội là một trong những công trình dự thi  "Tri thức trẻ vì Giáo dục". Chương trình do Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Trung ương Đoàn và Tập đoàn Thiên Long tổ chức với những sản phẩm ý nghĩa đối với giáo dục.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.