Thay đổi thói quen uống rượu, bia ngày tết

Thay đổi thói quen uống rượu, bia ngày tết

Với quy định của Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 31/12/2019 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2020 đã tác động sâu sắc đến ý thức của người dân.

Lúc đầu quy định còn mới lạ, nhiều người còn bỡ ngỡ do không nắm rõ quy định nhưng sau một thời gian được tuyên truyền, phổ biến và được nghe hoặc chứng kiến nhiều trường hợp bị xử phạt do uống rượu, bia khi tham gia giao thông thì nhận thức của người dân được nâng lên rõ rệt.

Tết năm nay, câu chuyện đầu năm được người dân thường xuyên nhắc đến đó là quy định cấm rượu, bia khi tham gia giao thông.

Nội dung bàn tán về quy định này rất phong phú, đa dạng như người thì dẫn chứng các trường hợp bị xử phạt; người thì cho rằng quy định này quá nặng, ảnh hưởng đến kinh tế của người dân; người thì nhầm lẫn cho rằng quy định này là cấm người dân uống rượu, bia; người khác khách quan hơn thì cho rằng: “Nhà nước không cấm người dân uống rượu, bia mà chỉ cấm uống rượu, bia sau đó điều khiển phương tiện tham gia giao thông”; người khác thì tặc lưỡi cho rằng: “Cảnh sát giao thông sẽ không xử phạt mấy ngày tết”;…Và rất nhiều câu chuyện, ý kiến bàn luận sôi nổi xoay quanh vấn đề này nhân dịp đầu năm mới.

Dù có bàn luận như thế nào đi chăng nữa thì cũng phải khẳng định rằng nhận thức của người dân đã chuyển biến tích cực. Đa số người dân không còn câu nệ, ép nhau chén rượu, chén bia trong mấy ngày tết, khách đến chơi nhà muốn uống gì thì uống. Vì nếu ép nhau ly rượu, ly bia nếu bị xử phạt hoặc xảy ra tai nạn giao thông thì sẽ mất vui, đó là chưa nói đến những người bị tiền sử bệnh tật nếu vì cả nể mà uống ly bia, ly rượu thì tác hại sẽ khôn lường.

Quy định cấm rượu, bia khi tham gia giao thông không chỉ là đảm bảo an toàn giao thông mà nó có nhiều ý nghĩa nhân văn khác như giảm mức tiêu thụ rượu bia đang ở mức báo động để bảo vệ sức khỏe người dân; đặc biệt, hạn chế người dân tiêu thụ những sản phẩm rượu bia nhập lậu, làm giả, không rõ nguồn gốc, xuất xứ,...

Bên cạnh đó, hạn chế rượu, bia còn giúp đảm bảo trật tự an toàn xã hội; hạn chế những vụ đánh nhau, gây rối trật tự công cộng, xâm phạm tính mạng, sức khỏe của người khác; ngăn chặn nhiều vụ bạo lực gia đình; hạn chế những vụ việc vi phạm hoặc phạm tội mà nguyên nhân xuất phát từ rượu, bia.

Với quy định cấm rượu, bia khi tham gia giao thông, đa số người dân đều đã chấp hành nhưng bên cạnh đó cũng có một bộ phận người vẫn dân thờ ơ với quy định này. Nhiều trường hợp không chấp hành mà có hành vi lôi kéo, kích động người khác sử dụng rượu, bia rồi tham gia giao thông; khi bị xử phạt thì chửi bới, thậm chí có hành vi chống đối, gây thương tích cho người thi hành công vụ.

Để quy định mới đi vào cuộc sống cần phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Ngoài giải pháp tuyên truyền, phổ biến pháp luật nhằm nâng cao nhận thức của người dân thì việc kiên quyết xử lý vi phạm, không có vùng cấm cũng hết sức cần thiết. Nếu còn tình trạng xin xỏ, bao che, bỏ qua vi phạm,…thì sẽ mất lòng tin của người dân.

Đặc biệt, trong những ngày tết, CSGT phải tăng cường lực lượng, ra quân tuần tra, xử lý vi phạm; không ngại va chạm, không né tránh việc xử phạt trong những ngày đầu năm. Bởi, nếu không kiên quyết xử lý thì người dân sẽ chấp hành pháp luật không nghiêm.

Việc phát hiện và xử phạt các trường hợp vi phạm cần phải huy động mọi nguồn lực, trong đó có camera giám sát giao thông (phạt nguội); sử dụng các hình ảnh, video hoặc các thông tin do người dân cung cấp để củng cố hồ sơ và xử lý nghiêm theo quy định. Việc xử lý phải khách quan, công bằng trên cơ sở pháp luật; tuyệt đối không xảy ra tiêu cực.

Để đảm bảo tính nêu gương, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải chấp hành nghiêm quy định, không để xảy ra vi phạm; nếu vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông, ngoài bị xử phạt vi phạm hành chính, thì CSGT phải gửi thông báo về cơ quan, đơn vị nơi công tác để xem xét, thực hiện quy trình kỷ luật theo quy định.

Có như vậy, quy định cấm rượu bia khi tham gia giao thông mới thực sự đi vào cuộc sống, tạo ra sự đồng thuận cao của toàn xã hội, góp phần đảm bảo trật tự an toàn giao thông.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Cảnh giác với dòng rip

GD&TĐ - Dòng rip là luồng nước mạnh chảy vuông góc từ bờ ra biển. Hiểu nôm na, đó là một dòng nước chảy xiết nhưng bằng mắt thường rất khó phát hiện.
Học sinh Trường THPT Đức Hợp (Kim Động, Hưng Yên) tham gia trò chơi tại chương trình “Hành trình khởi nghiệp từ THPT” năm 2024. Ảnh: TG

Cách làm mới hỗ trợ khởi nghiệp từ THPT

GD&TĐ - “Hành trình khởi nghiệp từ THPT” là cách làm mới mà nhiều địa phương đã và đang kết hợp với cơ sở GD đại học nhằm hỗ trợ học sinh THPT khởi nghiệp...