Góp ý danh mục bài thuốc cổ truyền miễn thử lâm sàng

GD&TĐ - Ngày 25/4, Học viện Y – Dược học cổ truyền Việt Nam tổ chức Hội thảo “Góp ý danh mục bài thuốc cổ truyền miễn thử lâm sàng”.

Chuyên gia chia sẻ tại hội thảo.
Chuyên gia chia sẻ tại hội thảo.

Hội thảo nằm trong chuỗi các sự kiện hướng tới Kỷ niệm 55 năm ngày truyền thống và 20 năm ngày thành lập Học viện. Đây cũng là sự kiện có ý nghĩa nhân 300 năm ngày sinh Đại danh y Hải thượng Lãn Ông.

PGS.TS Nguyễn Quốc Huy – Giám đốc Học viện Y – Dược học cổ truyền Việt Nam cho biết, sau khi được sự chỉ đạo của Cục Quản lý dược cổ truyền (Bộ Y tế) về việc phối hợp xây dựng nguyên tắc, tiêu chí lựa chọn danh mục bài thuốc cổ truyền tham khảo miễn thử lâm sàng và miễn thử một số giai đoạn trên lâm sàng, Học viện đã cho triển khai đề tài các đề tài nghiên cứu khoa học.

Học viện cũng cử các thầy, cô là chuyên gia về phương tễ, bài thuốc cổ phương, bài thuốc cổ truyền thực hiện.

“Hoạt động này không chỉ nhằm mục đích sớm ban hành tiêu chí, danh mục quan trọng nêu trên, mà chúng tôi xác định tiêu chí và danh mục này sẽ giúp cho chuyên ngành Y học cổ truyền trong đào tạo trình độ đại học và sau đại học. Ngoài ra, có thể nghiên cứu, áp dụng trong thực tiễn khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền” - PGS.TS Nguyễn Quốc Huy nhìn nhận.

Đại diện Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền (Bộ Y tế) trao đổi về quá trình xây dựng danh mục bài thuốc cổ truyền miễn thử lâm sàng.

Đại diện Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền (Bộ Y tế) trao đổi về quá trình xây dựng danh mục bài thuốc cổ truyền miễn thử lâm sàng.

Trao đổi về quá trình xây dựng Danh mục bài thuốc cổ truyền miễn thử lâm sàng, đại diện Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền (Bộ Y tế) nhấn mạnh, tiêu chí và nguyên tắc xây dựng danh mục gồm: Bài thuốc không có thành phần dược liệu có độc tính mạnh để đảm bảo an toàn, hiệu quả trong điều trị; bài thuốc không có thành phần dược liệu cấm sử dụng; bài thuốc thường xuyên sử dụng trong điều trị bằng y học cổ truyền.

Về nguyên tắc gia giảm trong công thức thuốc, đại diện Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền cho biết: Bài thuốc có tăng hoặc giảm về số vị thuốc, hàm lượng của từng vị thuốc để làm tăng hiệu quả điều trị, giảm độc tính của bài thuốc phù hợp với bệnh hoặc chứng bệnh theo lý luận của y học cổ truyền; Bài thuốc có tài liệu, dữ liệu chứng minh hoặc phân tích, biện giải việc gia giảm phù hợp với lý luận của YHCT.

Hội thảo được nghe kết quả nghiên cứu về các bài thuốc cổ phương, tổng hợp danh mục bài thuốc cổ phương từ kết quả nghiên cứu. Ngoài ra, các chuyên gia cũng chia sẻ về đổi mới, sáng tạo, phát triển bài thuốc cổ truyền bằng minh chứng khoa học; những khó khăn, vướng mắc trong quá trình chứng minh nguồn gốc xuất xứ thuốc cổ truyền đáp ứng miễn thử lâm sàng.

Học viện Y – Dược học cổ truyền Việt Nam được Bộ Y tế, Bộ GD&ĐT giao nhiều nhiệm vụ xây dựng các chuẩn về đào tạo ngành y dược cổ truyền. Hiện, Học viện đang đề xuất Bộ Y tế, Hội đồng Y khoa quốc gia về danh mục các chuyên khoa sau đại học ngành y học cổ truyền và mô hình cũng như chuẩn bị các điều kiện để thi chứng chỉ hành nghề cho đối tượng bác sĩ y học cổ truyền từ năm 2027.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Sản phẩm Chăm sóc mũi cho bé LovieThuốc lenvaxen 4