Góc nhìn pháp lý từ vụ cháy nhà để xe Trường ĐH Hồng Đức ở Thanh Hoá

GD&TĐ - Luật sư nêu quan điểm liên quan vụ cháy nhà để xe của Trường ĐH Hồng Đức ở Thanh Hoá, khiến nhiều sinh viên băn khoăn.

Vụ cháy nhà xe Trường ĐH Hồng Đức xảy ra vào cuối năm 2023, khiến hàng trăm xe của sinh viên bị thiêu rụi. (Ảnh: CTV)
Vụ cháy nhà xe Trường ĐH Hồng Đức xảy ra vào cuối năm 2023, khiến hàng trăm xe của sinh viên bị thiêu rụi. (Ảnh: CTV)

Không công khai là trái nguyên tắc

Liên quan vụ cháy nhà xe Trường ĐH Hồng Đức (Thanh Hoá) hồi tháng 12/2023, khiến 339 xe các loại bị thiêu rụi, trả lời Báo GD&TĐ, ông Đậu Bá Thìn, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Hồng Đức cho rằng do cơ quan Công an đang điều tra nguyên nhân nên không tiết lộ số tiền kêu gọi cũng như số tiền đã hỗ trợ sinh viên.

"Việc hỗ trợ sinh viên có xe bị cháy đã được nhà trường thực hiện trước Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, kinh phí lấy từ nguồn kêu gọi xã hội hoá. Có 3 sinh viên không nhận hỗ trợ.

Tổng số tiền ủng hộ sinh viên cũng như tiền kêu gọi nhà trường không thông tin được do Công an thành phố không cho công bố", ông Thìn cho biết.

Sau khi vụ cháy xảy ra, Trường ĐH Hồng Đức có văn bản gửi các đơn vị thuộc và trực thuộc trường; các Công đoàn bộ phận kêu gọi viên chức, người lao động ủng hộ khắc phục hậu quả hoả hoạn.

Liên quan vụ việc trên, luật sư Vũ Văn Thiệu (Đoàn luật sư TP Hà Nội) nêu quan điểm: “Căn cứ Nghị định số 93/2021/NĐ-CP ngày 27/10/2021 của Chính phủ quy định về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo, các doanh nghiệp, hợp tác xã và tổ chức khác có tư cách pháp nhân kêu gọi, vận động các tổ chức, cá nhân đóng góp tự nguyện khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố.

Khi thực hiện vận động nguồn đóng góp tự nguyện, các tổ chức có thông báo trên trang thông tin điện tử hoặc các phương tiện thông tin truyền thông cam kết về mục đích, phạm vi, phương thức, hình thức vận động, đối tượng hỗ trợ, thời gian thực hiện hỗ trợ và gửi bằng văn bản đến UBND cấp xã nơi đặt trụ sở chính theo mẫu thông báo.

UBND cấp xã có trách nhiệm lưu trữ để theo dõi và cung cấp thông tin khi có yêu cầu của tổ chức, cá nhân đóng góp hoặc nhận hỗ trợ và cơ quan có thẩm quyền phục vụ công tác hướng dẫn, theo dõi, thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm.

Như vậy, trước khi tiến hành kêu gọi ủng hộ, trường phải gửi bằng văn bản đến UBND cấp xã nơi đặt trụ sở chính theo mẫu thông báo”.

Luật sư Thiệu cũng nhấn mạnh: "Một trong các nguyên tắc tổ chức vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện là đảm bảo kịp thời, hiệu quả, công bằng, công khai, đúng mục đích, đối tượng; có sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa các cơ quan, bộ, ngành, địa phương, tổ chức và cá nhân có liên quan.

Nhà trường cho rằng cơ quan Công an đang điều tra nguyên nhân vụ cháy nên không công khai số tiền hỗ trợ sinh viên cũng như tiền kêu gọi ủng hộ là trái nguyên tắc công khai khi tổ chức vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện".

Sử dụng tài sản công phải đúng quy định

Liên quan việc Trường ĐH Hồng Đức trông giữ xe nhưng không thuê đơn vị thứ 3, luật sư Vũ Văn Thiệu cũng viện dẫn quy định tại Nghị định số 151/2017/NĐ-CP.

“Trường ĐH Hồng Đức là Đơn vị sự nghiệp công lập. Việc sử dụng một phần diện tích trường để cung cấp dịch vụ giữ xe nhằm phục vụ nhu cầu học tập, rèn luyện của sinh viên phải tuân thủ quy định về sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết quy định tại Nghị định số 151/2017/NĐ-CP.

Trường ĐH Hồng Đức.

Trường ĐH Hồng Đức.

Nghị định này, tại Điều 43 quy định rất rõ nội dung sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết phải bảo đảm các yêu cầu quy định tại khoản 2 Điều 55 của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Cụ thể, không ảnh hưởng đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ do Nhà nước giao quy định tại điểm b khoản 2 Điều 55 của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công như: Đơn vị phải hoàn thành các kế hoạch, nhiệm vụ, đơn đặt hàng do cơ quan, người có thẩm quyền giao, đặt hàng hoặc trúng thầu cung cấp dịch vụ công".

Liên quan việc bồi thường thiệt hại và định giá tài sản, luật sư nêu quan điểm: “Điều 557 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về Nghĩa vụ của bên giữ tài sản. Trong đó có các nội dung như: Bảo quản tài sản theo đúng thỏa thuận, trả lại tài sản cho bên gửi theo đúng tình trạng như khi nhận giữ; Phải bồi thường thiệt hại, nếu làm mất, hư hỏng tài sản gửi giữ, trừ trường hợp bất khả kháng.

Như vậy, việc yêu cầu bồi thường thiệt hại pháp luật ưu tiên việc các bên tự thỏa thuận. Trường hợp không thỏa thuận được thì có quyền thỏa thuận lựa chọn tổ chức thẩm định giá tài sản để thực hiện việc thẩm định giá tài sản hoặc sẽ có cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tiến hành định giá giá trị xe bị thiệt hại”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ