Thay đổi để thích ứng với chuyển đổi số

GD&TĐ - Theo thầy Trịnh Nguyễn Thi Bằng, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Đại Nghĩa (TP Cần Thơ), chuyển đổi số trở thành xu thế tất yếu, phát triển mạnh mẽ trong tương lai.

Thầy Trịnh Nguyễn Thi Bằng, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Đại Nghĩa (TP Cần Thơ) đang dạy trực tuyến.
Thầy Trịnh Nguyễn Thi Bằng, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Đại Nghĩa (TP Cần Thơ) đang dạy trực tuyến.

Thầy cô, nhà trường và toàn ngành phải thay đổi để thích ứng. Không chỉ số hóa bài giảng, cách dạy và học đến quản trị, quản lý cũng cần chuyển đổi…

Hiệu trưởng - Người đi đầu đổi mới

- Xin thầy cho biết nhà trường đã thay đổi như thế nào trước xu thế số hóa phát triển mạnh mẽ?

- Để chuyển đổi số, trước hết lãnh đạo nhà trường thay đổi nhận thức về sự cần thiết thực hiện chuyển đổi số. Thực hiện hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức của từng cán bộ, giáo viên, nhân viên.

Trường tổ chức tập huấn nâng cao kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin (CNTT) cho cán bộ, giáo viên (bao gồm phần mềm và cả phần cứng). Từng bước tạo môi trường ứng dụng CNTT trong nhà trường từ những việc nhỏ đến việc lớn như: Thông tin liên lạc, Email, Zalo. Công khai thông tin trên website, Fanpage… Soạn thảo tài liệu, giáo án điện tử và giảng dạy có ứng dụng phương tiện CNTT. Sử dụng các phần mềm hỗ trợ giảng dạy trực tuyến Zoom, Ms Teams, Shub classrooom…; hỗ trợ quản lý: Kế toán, quản lý văn bản, SMAS, quản lý cán bộ, công chức, viên chức… Bên cạnh đó, nhà trường còn tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị; xây dựng lực lượng nòng cốt ứng dụng CNTT…

Tháng 6/2020, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó GD-ĐT là 1 trong 8 lĩnh vực được ưu tiên hàng đầu trong triển khai thực hiện. Đây là cơ hội và cũng là thách thức cho mỗi nhà trường, cán bộ quản lý và thầy cô giáo. Tất cả đều phải thay đổi để thích ứng, đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn tới.

- Lãnh đạo nhà trường là linh hồn, đầu tàu của mọi hoạt động, bản thân thầy đã thay đổi như thế nào?

- Để thực hiện tốt chuyển đổi số trong GD-ĐT, sự quyết tâm của người đứng đầu rất quan trọng. Bên cạnh đó cần có sự đồng bộ về nhận thức của tập thể với quyết tâm chuyển đổi để các hoạt động, chất lượng giáo dục    tốt hơn.
Với vai trò là lãnh đạo trường, cần thay đổi nhận thức của bản thân về sự cần thiết thực hiện chuyển đổi số, truyền thông nâng cao nhận thức của từng cán bộ, giáo viên, nhân viên. Cố gắng tự bồi dưỡng nâng cao kỹ năng sử dụng CNTT cho bản thân. Tham gia các lớp bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng do Sở GD&ĐT, Bộ GD&ĐT tổ chức. Luôn trăn trở, tìm cách ứng dụng CNTT vào quản lý, giảng dạy tại đơn vị; gương mẫu, đi đầu ứng dụng CNTT trong đơn vị.

Bên cạnh nỗ lực của người đứng đầu và tập thể nhà trường cũng rất cần có nền tảng công nghệ thống nhất, để từng tập thể, cá nhân, mỗi giáo viên, học sinh có thể tham gia và hoạt động hiệu quả. Trên nền tảng đó sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ sở dữ liệu ngành, xây dựng kho tài nguyên học tập số. Qua đó, công tác quản lý, hoạt động học tập, nghiên cứu, giảng dạy, chia sẻ tri thức trở nên hiệu quả, thiết thực hơn.

Đồng bộ các điều kiện cần - đủ

- Nhà trường chuẩn bị điều kiện gì về con người, tư tưởng, cơ sở vật chất để chuyển đổi số?

- Trước hết, nhà trường nâng cao nhận thức của từng cán bộ, giáo viên, nhân viên. Cử cán bộ, giáo viên tham gia các lớp bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng CNTT do Sở GD&ĐT, Bộ GD&ĐT tổ chức. Khuyến khích, tạo điều kiện để cán bộ, giáo viên nâng cao trình độ, kỹ năng CNTT.

Đồng thời nâng cao nhận thức của từng cán bộ, giáo viên, nhân viên thông qua hội họp, hội thảo chuyên đề, truyền thông về các tấm gương, các hoạt động chuyển đổi số trong giáo dục. Truyền thông về sự cần thiết, tất yếu của quá trình chuyển đổi số trong giáo dục cho cán bộ, giáo viên, học sinh, phụ huynh và cộng đồng; tận dụng tốt cơ sở vật chất hiện có; đề xuất sở GD&ĐT bổ sung trang thiết bị theo quy định. Tăng cường vận động xã hội hoá theo quy định và theo nhu cầu của nhà trường…

- Chuyển đổi số là quá trình đòi hỏi sự vào cuộc của cả tập thể và mỗi cá nhân, việc này có khó khăn nào không?

Chuyển đổi số trong giáo dục là chuyển đổi cách dạy, cách học, quản trị và quản lý giáo dục dựa trên công nghệ số hướng tới một hệ thống giáo dục chất lượng tốt, chi phí thấp và tiếp cận dễ dàng với mọi người. Muốn chuyển đổi số thành công đòi hỏi phải có sự vào cuộc của cả tập thể và mỗi cá nhân phải tự chuyển động để thích ứng.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai có những khó khăn, vướng mắc nhất định. Đó là thiếu tính hệ thống, nhất quán. Có sự chồng chéo trong việc thực hiện, chỉ đạo của các cơ quan, cấp quản lý với cơ sở giáo dục. Chi phí cao (thuê mướn, mua phần cứng, phần mềm; đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ). Thiếu cán bộ chuyên trách trong nhà trường. Còn một bộ phận, cán bộ, giáo viên thiếu trình độ, kỹ năng, ngại đổi mới. Bên cạnh đó còn là rào cản về điều kiện kinh tế, sự nhận thức của cha mẹ học sinh, người dân... Hạ tầng mạng, bảo đảm an toàn thông tin và thiết bị sử dụng đầu - cuối trong ngành Giáo dục vẫn còn gặp khó khăn…

- Từ thực tế nhà trường, theo thầy để chuyển đổi số thành công, giải pháp cấp bách hiện nay là gì?

- Theo tôi cần thực hiện từng bước, đồng bộ, có hệ thống, ổn định lâu dài trong toàn ngành Giáo dục. Cơ chế, chính sách, hành lang pháp lý phải được hoàn thiện, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho chuyển đổi số trong toàn ngành. Nền tảng hạ tầng CNTT - viễn thông, cơ sở vật chất cơ bản phải được trang bị đồng bộ trong toàn ngành. Tăng cường bồi dưỡng đội ngũ nhân lực (cán bộ quản lý, giáo viên, giảng viên, học sinh sinh viên) có kiến thức, kỹ năng đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số.

Bên cạnh đó cũng cần phát triển hệ thống dữ liệu toàn quốc về GD-ĐT; phát triển, khai thác hệ thống học liệu và môi trường học tập số; xây dựng và triển khai khung năng lực số cho học sinh phổ thông; phát triển triển nhân lực trình độ cao trong lĩnh vực CNTT và chuyển đổi số. Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo kiến thức, kỹ năng CNTT, an toàn thông tin cần thiết để tác nghiệp trên môi trường số, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số…

- Xin cảm ơn thầy!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.