Chuyển đổi số trong GD-ĐT: Phát triển kỹ năng số cho học sinh, sinh viên

GD&TĐ - Sáng 9/12 tại Hà Nội, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội thảo “Chuyển đổi số trong GD-ĐT”.

Nếu làm tốt chuyển đổi số sẽ góp phần nâng cao năng suất, chất lượng lao động. Ảnh minh họa
Nếu làm tốt chuyển đổi số sẽ góp phần nâng cao năng suất, chất lượng lao động. Ảnh minh họa

Hội thảo nhằm đánh giá tình hình, kết quả triển khai chuyển đổi số thời gian qua và thảo luận định hướng, giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số ngành Giáo dục thời gian tới. 

Đẩy mạnh và tiên phong chuyển đổi số 

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh: Nhiều văn bản của Đảng, Nhà nước đều nêu rõ vai trò của chuyển đổi số, trong đó có lĩnh vực GD-ĐT. Một trong những nhiệm vụ quan trọng mà ngành Giáo dục quan tâm đó là giáo dục và đào tạo những công dân Việt Nam có kỹ năng, kiến thức chuyển đổi số để trở thành những công dân toàn cầu.

Theo Bộ trưởng, nếu làm tốt chuyển đổi số, không chỉ tốt cho ngành Giáo dục mà còn góp phần nâng cao năng suất, chất lượng lao động. Đây là cơ hội, nhiệm vụ mang tính đột phá. Bộ trưởng cho biết: Trước đó, ngành Giáo dục phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông và các Tập đoàn công nghệ đẩy mạnh chuyển đổi số trong GD-ĐT và đạt được một số kết quả đáng khích lệ; điển hình là dạy – học trực tuyến trong mùa dịch Covid-19. Thông tin về việc ngành Giáo dục đã xây dựng cơ sở dữ liệu về giáo dục mầm non, phổ thông, thường xuyên, Bộ trưởng đồng thời khẳng định, Bộ GD&ĐT sẵn sàng đẩy mạnh và tiên phong chuyển đổi số trong GD-ĐT trong năm 2021 và những năm tiếp theo.

Tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cam kết đồng hành cùng Bộ GD&ĐT trong hành trình đầy thách thức và vinh quang bởi  chuyển đổi số, đầu tiên là nhắm vào giới trẻ để từ đó thúc đẩy toàn xã hội. 

“Những việc về công nghệ số, xây dựng  nền tảng cho chuyển đổi số ngành GD-ĐT đề nghị Bộ trưởng Bộ GD&ĐT giao cho Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam. Việc 5 năm hãy giao cho chúng tôi trong 1 năm; bây giờ việc khó thì dễ làm hơn vì có nhiều giải pháp mới đột phá, việc dễ lại khó làm vì làm theo cái cũ” – Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Thế Đại
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Thế Đại

Tạo ra công dân toàn cầu

Ông Phạm Đức Long - Chủ tịch Hội đồng thành viên – Tổng Giám đốc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông (VNPT) cho biết: VNPT đã đồng hành cùng ngành Giáo dục và Thông tin và Truyền thông triển khai giải pháp VNPT E-Learning đến hơn 21.000 trường học; 600.000 giáo viên, 8 triệu học sinh và hơn 1 triệu bài giảng được tạo ra.

Cho rằng, giáo dục là chìa khóa của chuyển đổi số quốc gia, ông Phạm Đức Long nhấn mạnh: Ngành Giáo dục cần đi đầu trong công cuộc chuyển đổi số. Chuyển đổi số trong giáo dục đóng vai trò hết sức quan trọng không chỉ với ngành mà còn tác động lớn đối với đất nước – cả trước mắt và lâu dài. “Trên môi trường số, các quyết định đều dựa trên dữ liệu, do đó việc xây dựng cơ sở dữ liệu ngành là hết sức quan trọng” – ông Long nói.

Thông tin về công cuộc chuyển đổi số của ngành Giáo dục, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn chia sẻ: Từ một số ít trường năm 2007, đến nay hầu hết các trường đại học đã triển khai đào tạo tín chỉ. Hàng chục ngàn sinh viên, hàng ngàn lớp học và mỗi sinh viên một kế hoạch học tập, thời khóa biểu, một lịch thi…

Việc đăng ký học tập, xem kết quả học tập, đăng ký tốt nghiệp, đóng học phí… nay chỉ cần qua một thiết bị di động. Ngay như thời điểm dịch Covid-19, với phương châm “tạm dừng đến trường, không ngừng học” đã có 80% trường phổ thông, 240 cơ sở đào tạo tổ chức dạy học – trực tuyến; trong đó có 79 cơ sở tổ chức quản lý dạy - học hoàn toàn qua mạng. Ngành Giáo dục đã hoàn thành nhiệm vụ năm học 2019 – 2020 và bảo  đảm sức khỏe cho học sinh, giáo viên trước đại dịch Covid-19. 

Để thúc đẩy chuyển đổi số trong giai đoạn 2021 – 2025, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nêu lên 4 vấn đề: Phát triển hệ thống dữ liệu toàn quốc về GD-ĐT; Phát triển, khai thác hệ thống học liệu và môi trường học tập số; Xây dựng và triển khai khung năng lực số cho học sinh phổ thông; Phát triển triển nhân lực trình độ cao trong lĩnh vực công nghệ thông tin và chuyển đổi số.

Thứ trưởng đồng thời kiến nghị, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ xây dựng Đề án chuyển đổi số ngành GD-ĐT giai đoạn 2021 – 2025; Văn phòng Chính phủ hỗ trợ kết nối Cổng dịch vụ công quốc gia. Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp xây dựng và triển khai các chính sách, đề án, dự án; hỗ trợ kết nối với các hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia. Đối với các tập đoàn, công ty công nghệ, Thứ trưởng mong muốn sẽ nhận được sự hợp tác xây dựng nền tảng dùng chung trong ngành Giáo dục và hợp tác với các cơ sở GD-ĐT trong đào tạo nguồn nhân lực.

Trong khuôn khổ hội thảo, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT và Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ký kết hợp tác triển khai chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo; ký kết hợp tác giữa Bộ GD&ĐT với một số tập đoàn, doanh nghiệp và Ban điều hành Đề án Hệ tri thức Việt số hóa.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.