Chuyển đổi số cũng tăng khả năng tự học, tạo cơ hội học tập mọi lúc mọi nơi, cá nhân hóa việc học, góp phần tạo ra xã hội học tập và học tập suốt đời.
Thúc đẩy đổi mới giáo dục
Theo ông Tô Hồng Nam, Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (CNTT), Bộ GD&ĐT, chuyển đổi số trong giáo dục là chuyển đổi hoạt động từ môi trường thực tế sang môi trường ảo và trên mạng Internet. Tuy nhiên, việc chuyển đổi này không phải là copy toàn bộ hoạt động ở trên môi trường thực đưa lên mạng mà đấy chỉ là bước đầu tiên trong 3 bước: Số hóa tài liệu, số hóa quy trình nghiệp vụ và số hóa cả một tổ chức tạo ra giá trị, mô hình mới.
Ông Nam cho biết: Giai đoạn 3 của chuyển đổi số là số hóa cả một tổ chức, đây là bước cuối của quá trình chuyển đổi số, trong lĩnh vực GD-ĐT là mô hình của các trường đại học ảo (Cyber University). Những trường đại học ở trên không gian mạng này sẽ không còn khái niệm về trường, lớp học. Đây là mô hình học tập mới mà chỉ có chuyển đổi số mới có thể làm được.
Với GD - ĐT, chuyển đổi số sẽ hướng tới lấy HS là trung tâm; dạy năng lực cho các em làm việc gì chứ không truyền thụ kiến thức một chiều. Ông Nam giải thích: Tất cả kiến thức hầu như đều có trên Internet, đều có thể lấy câu trả lời trên Google. Vấn đề của người thầy bây giờ là truyền cảm hứng, hướng dẫn cho người học, từ đó nâng cao khả năng tự học của HS. Như vậy, chuyển đổi số sẽ là bước phát triển lớn trong GD-ĐT, giải phóng cho người thầy khỏi những việc truyền thụ kiến thức đơn thuần mà chuyển sang vị trí mới, người truyền cảm hứng, khai phá năng lực tiềm ẩn của học trò.
Trong lộ trình thực hiện chuyển đổi số, từ năm 2016, Bộ GD&ĐT đã coi ứng dụng CNTT là 1 trong 9 nhiệm vụ trọng tâm của ngành. Bộ đã trình Thủ tướng ban hành Quyết định 117 Phê duyệt Đề án Tăng cường ứng dụng CNTT trong quản lý và hỗ trợ các hoạt động dạy - học, nghiên cứu khoa học góp phần nâng cao chất lượng GD - ĐT.
Trong thẩm quyền của mình, Bộ GD&ĐT đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác như Thông tư về học trực tuyến, Thông tư ứng dụng CNTT để đào tạo bồi dưỡng GV; quy định về cơ sở dữ liệu quản lí GD từ cấp trường, phòng, sở và cấp Bộ để thực hiện việc báo cáo thông tin.
Xây dựng đồng bộ các giải pháp
Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các địa phương xây dựng kho học liệu số. Trên kho học liệu số iGiaoduc đã có hơn 5.000 bài giảng E-learning, được huy động từ GV, SV sư phạm cả nước thực hiện thông qua các cuộc thi. Cùng với đó là hơn 2.000 bài giảng trên truyền hình trong mùa dịch Covid-19 cũng được đưa vào kho học liệu. Kho học liệu được kết nối với Hệ tri thức Việt số hóa và mọi người đều có thể sử dụng.
Bộ GD&ĐT cũng đang dự thảo văn bản để công nhận việc đánh giá học trực tuyến, trước mắt là thực hiện đánh giá thường xuyên với HS phổ thông. Đối với đánh giá định kì trước mắt thực hiện trên máy tính, trên mạng lan sau đó chuyển sang giai đoạn tiếp theo. Đối với bậc đại học, Bộ đang dự thảo để bảo đảm trước mắt 20% thời lượng GD sẽ thực hiện bằng hình thức trực tuyến.
Theo ông Nam, để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực CNTT, Bộ GD&ĐT đã đưa vào Chương trình GDPT mới triển khai bắt buộc môn Tin học từ năm lớp 3. Cùng với đó, các hình thức dạy học STEAM được đưa vào trường học để tạo cho HS ngay từ cấp tiểu học có những kiến thức về chuyển đổi số, làm quen với lập trình.
Đồng tình với quan điểm của đại diện Bộ GD&ĐT, ông Vũ Hoàng Liên - Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam nhận định: Việt Nam là điểm sáng trong phát triển công nghệ giáo dục 4.0; cả về chính sách, giải pháp công nghệ cũng như người dùng đều đã sẵn sàng cho việc đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số ngành giáo dục.
Theo ông Nguyễn Hữu Hạnh - Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa (Bộ TT&TT): Chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục, các giải pháp được chú trọng là: Phát triển nền tảng hỗ trợ dạy và học từ xa; ứng dụng triệt để công nghệ số trong công tác quản lí, giảng dạy và học tập; số hóa tài liệu, giáo trình; xây dựng nền tảng chia sẻ tài nguyên giảng dạy và học tập theo cả hình thức trực tiếp và trực tuyến; phát triển công nghệ phục vụ giáo dục, hướng tới đào tạo cá thể hóa.