Hội thảo khoa học do Tiểu ban giáo dục thường xuyên và học tập suốt đời - Hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nguồn nhân lực tổ chức với sự tham dự của các ủy viên các tiểu ban của Hội đồng, đại diện lãnh đạo một số Sở GD&ĐT và trường đại học. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ và GSTS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học đồng chủ trì.
Phát biểu đề dẫn của GS.TS Phạm Tất Dong cho biết Hội thảo có ý nghĩa đặc biệt khi bàn về vấn đề khá lớn có tầm quan trọng, sắp tới sau sơ kết thí điểm tiêu chí công dân học tập, Thủ tướng Chính phủ sẽ ban hành mô hình công dân học tập. Việc tìm hiểu mô hình công dân học tập đã manh nha từ lâu, chúng ta nghiên cứu nhưng chưa có chủ trương triển khai.
Cho đến nay, chúng ta nghiên cứu mô hình xây dựng công dân học tập trên thế giới cho thấy họ đều đi tìm hướng xác định năng lực cốt lõi của thế kỷ 21,. Họ chỉ chọn 3 – 4 nhiều lắm là 5 tiêu chí. Từ những nghiên cứu đó đã chọn ra những kỹ năng, mô hình tiêu biểu như của Singapore, Canada, Mỹ, Nhật… Các chuyên gia của Bộ GD&ĐT, Viện KHGD đã đưa ra 3 năng lực cốt lõi gần với OECD với 10 kỹ năng.
PGS.TS Phạm Tất Dong đặc biệt nhấn mạnh, Hội thảo khoa học ngày hôm nay là dịp để các chuyên gia, các nhà khoa học cùng có ý kiến để xây dựng mô hình phù hợp. Chúng ta cùng đưa ra ý kiến về việc đã kết hợp với chuyển đổi số hay chưa, xây dựng mô hình công dân học tập gắn với chuyển đổi số thế nào.
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đặc biệt nhấn mạnh ý nghĩa, tầm quan trọng và quan điểm của Đảng và nhà nước trong việc xây dựng xã hội học tập, xây dựng cộng đồng hiếu học. Để xây dựng xã hội học tập chúng ta phải xây dựng một cộng đồng học tập, trong đó có công dân học tập.
Vấn đề đặt ra là chúng ta cần ban hành tiêu chí công dân học tập. Giáo dục phổ thông đang đổi mới theo hướng tiếp cận phẩm chất năng lực người học, hướng tới 5 phẩm chất cốt lõi và 10 năng lực cốt lõi. Nếu làm được điều này cũng là những tiêu chí của công dân học tập. - Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ bày tỏ mong muốn với các đại biểu.
Để hướng đến công nhận một đất nước học tập, xã hội học tập, ngoài việc công nhận công dân học tập, cộng đồng học tập và để công nhận cả nước ta thành một xã hội học tập - vậy công dân học tập cần có tiêu chí gì, quận huyện học tập cần có tiêu chí gì, thành phố học tập cần có tiêu chí gì.
Tham luận tại Hội thảo, TS Trương Tiến Tùng – Hiệu trưởng Trường Đại học Mở Hà Nội đã làm rõ những yếu tố để từ công dân số đến công dân học tập; TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến – nguyên Trợ lý Bộ trưởng Bộ GD&ĐT tham luận về việc xây dựng khung năng lực làm căn cứ xác định các tiêu chuẩn của công dân học tập; TS Lê Trung Nghĩa đến từ Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam ý kiến về vấn đề xây dựng khung năng lực số cho công dân học tập; Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Phòng đưa ra thực tế phát triển hệ sinh thái GD số Hải Phòng với công tác đào tạo công dân học tập.
Chúng ta đã có nhiều chính sách để hình thành xã hội học tập nhưng nên hệ thống lại để có thể điều hành và phát triển xã hội học tập theo nguyên tắc hệ thống giáo dục mở. Việc nhanh chóng hình thành cơ sở dữ liệu học liệu mở sẽ giúp nhu cầu học tập của cộng đồng tránh tình trạng manh mún, lãng phí trong đầu tư hạ tầng công nghệ. – GS.TS Phạm Tất Dong