Tăng tính chủ động tiếp thu kiến thức của học sinh
Việc đổi mới phương pháp giảng dạy, trong đó có các môn KHTN là cần thiết để đón đầu chương trình, sách giáo khoa mới theo định hướng phát triển năng lực người học. Với lợi thế về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên, một số trường THPT ở Hải Phòng đã bước đầu có sự thay đổi về phương pháp giảng dạy.
Ông Đỗ Văn Lợi - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Phòng - cho biết: Sở đã chỉ đạo các trường đổi mới sinh hoạt tổ, nhóm chuyên môn theo hướng khắc phục tính hành chính, sự vụ, tăng cường hoạt động chuyên môn theo chuyên đề, bồi dưỡng tại chỗ đội ngũ, tích cực đổi mới phương pháp, đổi mới kiểm tra - đánh giá.
Trên cơ sở đó, các nhà trường tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy và học nhằm hình thành và phát triển năng lực thực tiễn, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo, tăng cường kỹ năng thực hành, vận dụng kiến thức, kỹ năng vào giải quyết các vấn đề thực tiễn cho học sinh. Trên lớp, các thầy cô đa dạng hóa các hình thức học tập, chú trọng các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, nghiên cứu khoa học của học sinh. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong dạy và học, triển khai có chất lượng “Trường học kết nối”.
Trước đây, các thầy cô ít quan tâm phương pháp học tập của học sinh ở nhà cũng như trên lớp. Thực tế giảng dạy cho thấy, học sinh cần được trang bị kĩ năng cần thiết cho phương pháp học tập nhằm tương thích việc đổi phương pháp dạy của thầy như kĩ năng nghe giảng, ghi chép bài, kĩ năng làm việc nhóm, kĩ năng trình bày vấn đề, kĩ năng tự học, kĩ năng đọc, sưu tầm tài liệu… qua đó tăng cường tính chủ động, tích cực trong quá trình tiếp thu kiến thức.
Sở GD&ĐT Hải Phòng đã chỉ đạo các nhà trường triển khai tổ chức các Hội thảo đổi mới phương pháp học tập của học sinh trong đó chú ý hai nội dung quan trọng đó là: Trên lớp trò đổi mới phương pháp học phù hợp thầy đổi mới phương pháp dạy; Ở nhà trò có phương pháp tự học tốt.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học được chú trọng, đặc biệt đối với những môn KHTN. Tuy nhiên, nếu không có sự định hướng thì đôi khi việc ứng dụng công nghệ thông tin không những không phát huy tác dụng mà còn ảnh hưởng tới quá trình đổi mới phương pháp. Việc lạm dụng giáo án soạn sẵn có trên mạng, lạm dụng thí nghiệm ảo, thí nghiệm quay video... đã làm mất đi tính sáng tạo của người thầy làm cho các bài học trở lên khô cứng thiếu tính thuyết phục.
Sở GD&ĐT Hải Phòng quy định: Những đồ dùng, thí nghiệm có trong phòng thí nghiệm, có điều kiện tiến hành thì tuyệt đối không dùng thí nghiệm ảo, thí nghiệm quay video để thay thế. Yêu cầu giáo viên khi lên lớp phải sử dụng phương tiện dạy học đặc biệt việc ứng dụng công nghệ thông tin phải phù hợp, không được lạm dụng.
Đổi mới kiểm tra đánh giá
Bên cạnh việc thay đổi cách dạy cách học, theo ông Đỗ Văn Lợi, việc thay đổi phương pháp kiểm tra đánh giá cũng rất cần thiết nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy. Sở đã chỉ đạo các nhà trường tiếp tục đổi mới kiểm tra đánh giá theo hướng bám sát chuẩn kiến thức, kĩ năng; đổi mới hình thức, phương pháp thi, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập và rèn luyện của học sinh, bảo đảm trung thực, khách quan.
Các nhà trường phối hợp sử dụng kết quả đánh giá trong quá trình học tập với đánh giá cuối kỳ, cuối năm học; đánh giá của giáo viên với tự đánh giá, đánh giá lẫn nhau của học sinh; đánh giá của nhà trường với đánh giá của gia đình và của xã hội. Các hình thức kiểm tra, đánh giá cần hướng tới phát triển năng lực của học sinh; coi trọng đánh giá để giúp đỡ học sinh về phương pháp học tập, giáo viên cần động viên sự cố gắng, hứng thú học tập của các em trong quá trình dạy học.
Việc kiểm tra, đánh giá không chỉ là việc xem học sinh học được cái gì mà quan trọng hơn là biết học sinh học như thế nào, có biết vận dụng không. Trong quá trình thực hiện các hoạt động dạy học, giáo dục, giáo viên cần coi trọng việc quan sát, hướng dẫn học sinh tự quan sát các hoạt động học tập, rèn luyện của các em; nhận xét định tính và định lượng về kết quả hoạt động, qua đó đề xuất hoặc triển khai kịp thời các hướng dẫn, góp ý, điều chỉnh nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động học tập, rèn luyện của học sinh.
Phối hợp giữa kiểm tra thường xuyên và kiểm tra định kì, giữa đánh giá của giáo viên và tự đánh giá của học sinh, giữa đánh giá của nhà trường và đánh giá của gia đình, cộng đồng. Hướng dẫn học sinh đánh giá lẫn nhau và biết tự đánh giá năng lực của mình. Việc đổi mới kiểm tra đánh giá theo hướng chú trọng đánh giá phẩm chất và năng lực của học sinh là yêu cầu cơ bản. Các nhà trường được yêu cầu chú trọng đánh giá quá trình: Đánh giá trên lớp; đánh giá bằng hồ sơ; đánh giá bằng nhận xét; tăng cường hình thức đánh giá thông qua sản phẩm dự án; bài thuyết trình; kết hợp kết quả đánh giá trong quá trình giáo dục và đánh giá tổng kết cuối kỳ, cuối năm học.
“Đối với môn Khoa học tự nhiên, cần chủ động kết hợp một cách hợp lý giữa hình thức trắc nghiệm tự luận với trắc nghiệm khách quan; giữa kiểm tra lý thuyết và kiểm tra thực hành trong các bài kiểm tra. Khi học các môn KHTN, một điểm yếu của học sinh là học nặng về lý thuyết và thiếu các kĩ năng thực hành.
Bởi vậy trong quá trình đổi mới các môn học này, Sở đã chỉ đạo các nhà trường nâng cao chất lượng kiểm tra thực hành đối với các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học, Công nghệ. Ở các chủ đề có ứng dụng thực tiễn, bài kiểm tra cần có các bài tập ứng dụng để giúp các em thấy được mối liên hệ giữa kiến thức và cuộc sống”.
Ông Đỗ Văn Lợi - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Phòng