Thấu hiểu để làm đúng

GD&TĐ - Phân luồng học sinh là chủ trương lớn của ngành Giáo dục. Nghị quyết 29-NQ/TW khẳng định mục tiêu: Bảo đảm cho học sinh THCS có tri thức phổ thông nền tảng, đáp ứng yêu cầu phân luồng mạnh sau THCS...

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Luật Giáo dục ghi rõ: Phân luồng trong giáo dục là biện pháp tổ chức hoạt động giáo dục trên cơ sở thực hiện hướng nghiệp, tạo điều kiện để học sinh tốt nghiệp THCS, THPT tiếp tục học ở cấp học, trình độ cao hơn; hoặc theo học giáo dục nghề nghiệp, tham gia lao động phù hợp với năng lực, điều kiện cụ thể của cá nhân và nhu cầu xã hội... Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025” xác định mục tiêu đến năm 2025 có ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp; đối với các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, đạt ít nhất 30%...

Là chủ nhiệm đề tài về giải pháp phân luồng học sinh sau THCS, PGS.TS Đỗ Thị Bích Loan (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam) nhấn mạnh vai trò quan trọng của phân luồng học sinh sau THCS và cho rằng, hoạt động này không làm triệt tiêu các cơ hội học lên của học sinh, mà còn đa dạng hóa phương thức học, luồng học, tạo điều kiện học tập suốt đời cho mọi người, góp phần xây dựng xã hội học tập. Phân luồng học sinh tác động tích cực đến chất lượng giáo dục trên bình diện cá nhân từng người học, cũng như môi trường giáo dục nói chung; nhằm thực hiện các mục tiêu công bằng xã hội; giúp hệ thống giáo dục gắn kết chặt chẽ hơn với thị trường lao động…

Có thể thấy, phân luồng là một trong những nhiệm vụ quan trọng của các trường THCS. Tuy nhiên, nhận thức chưa đầy đủ của một bộ phận nhà trường đâu đó đã tạo ra cách hiểu, cách làm sai lệch, gây tổn thương cho người học. Phản ánh về việc có trường THCS yêu cầu học sinh đang học lớp 9 học lực không tốt cam kết không thi vào lớp 10 đang được dư luận quan tâm là ví dụ.

Một trong những nguyên nhân là bởi công tác giáo dục hướng nghiệp chưa thực sự hiệu quả; thiếu đội ngũ giáo viên chuyên trách, thiếu chuyên gia am hiểu về tâm lý học nghề nghiệp, thông tin thị trường lao động… Nhận thức của một bộ phận người dân, phụ huynh, học sinh, nhà trường và xã hội về vị trí, vai trò của giáo dục nghề nghiệp chưa đầy đủ; chất lượng giáo dục nghề nghiệp còn thấp... Ảnh hưởng sâu sắc của văn hóa “khoa bảng”, “bằng cấp” khiến hầu hết phụ huynh đều mong muốn con em mình được tiếp tục học lên THPT, rồi đại học. Văn hóa đó không dễ thay đổi trong một sớm, một chiều.

Trước thực trạng này, giải pháp tăng cường hiệu quả giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng đã được đưa ra và thực hiện nhiều năm nay. Theo đó, bên cạnh nâng cao nhận thức là đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục hướng nghiệp trong nhà trường; phát triển đội ngũ giáo viên kiêm nhiệm làm nhiệm vụ tư vấn, hướng nghiệp; tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học gắn với giáo dục hướng nghiệp; tăng cường quản lý đối với giáo dục hướng nghiệp, định hướng phân luồng học sinh phổ thông; bổ sung, hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật về vấn đề này...

Tuy nhiên, để thực hiện thành công phân luồng học sinh sau THCS đòi hỏi nỗ lực không chỉ của nhà trường, ngành GD-ĐT, Lao động, Thương binh và Xã hội, mà của tất cả các cấp, ngành, địa phương và toàn xã hội; trong đó, không thể thiếu vai trò của giáo dục gia đình. Cha mẹ khi xác lập mục tiêu cho con cần thấu hiểu để phù hợp với năng lực thực tế. Học sinh hơn ai hết phải hiểu bản thân, hiểu năng lực và điều mình mong muốn, mạnh dạn trao đổi với cha mẹ, thầy cô về nhu cầu cũng như khó khăn để được hỗ trợ. Mỗi học sinh là một tài năng và tài năng đó không chỉ đồng nghĩa với việc giỏi các môn văn hóa. Các em sẽ phát triển tốt nhất khi được đặt đúng môi trường của mình. Khi thấu rõ điều này, mỗi học sinh - với sự hỗ trợ của thầy cô, gia đình trên tinh thần “tất cả vì học sinh thân yêu” - sẽ tìm được hướng đi phù hợp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.