Quán triệt phân luồng từ mục tiêu, cấu trúc đến nội dung từng môn học
Theo PGS.TS Đỗ Thị Bích Loan, vấn đề phân luồng HS thể hiện trong chương trình GDPT được xem xét chủ yếu theo 3 khía cạnh: Giáo dục hướng nghiệp (đặc biệt ở THCS và THPT); Tạo cơ hội cho HS tự chọn (môn học, các chủ đề/chuyên đề học tập) đáp ứng nhu cầu, sở thích, định hướng nghề nghiệp của HS; Thực hiện quan điểm chương trình mở, tăng quyền cho địa phương, nhà trường trong việc xây dựng và lập kế hoạch giáo dục phù hợp với nhu cầu, điều kiện của địa phương, nhà trường, HS. Qua đó, góp phần thực hiện phân luồng gắn với nhu cầu, thực tiễn địa phương.
Làm rõ hơn, PGS.TS Đỗ Thị Bích Loan cho biết: Phân luồng HS được thể hiện trong các thành tố, cấu trúc của Chương trình GDPT mới. Theo đó, mục tiêu của Chương trình GDPT mới đã chú trọng đến định hướng lựa chọn nghề nghiệp của HS. Tự định hướng nghề nghiệp là một năng lực thành phần của năng lực tự chủ và tự học trong hệ thống các năng lực chung cốt lõi.
Giáo dục hướng nghiệp được thực hiện thông qua tất cả các môn học và hoạt động giáo dục trong chương trình GDPT mới, tập trung ở các môn Công nghệ, Tin học, Khoa học tự nhiên, Nghệ thuật, Giáo dục công dân ở cấp THCS; các môn học ở THPT và Hoạt động trải nghiệm cùng với nội dung giáo dục của địa phương. Hoạt động giáo dục hướng nghiệp được thực hiện thường xuyên, trong đó tập trung vào các năm học cuối của giai đoạn giáo dục cơ bản và toàn bộ thời gian của giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp.
Ngoài ra, trong Chương trình GDPT mới, cả hai giai đoạn (giáo dục cơ bản và giáo dục định hướng nghề nghiệp) đều có các môn học tự chọn. Giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp có thêm các môn học và chuyên đề học tập được lựa chọn theo định hướng nghề nghiệp, nhằm đáp ứng nhu cầu, hứng thú, phát triển tiềm năng, sở trường của mỗi HS.
Chương trình của lớp 10, 11, 12 gồm 9 học phần, trong đó HS được chọn 5 học phần để học tập theo sở thích, nhu cầu và định hướng ngành nghề. Vì vậy, căn cứ vào điều kiện thực tế nhà trường có những hướng dẫn cụ thể cho HS, để họ có sự lựa chọn một cách phù hợp. Các trường có thể xây dựng thời khóa biểu luân phiên giữa các khối, lớp để thuận lợi trong tổ chức hoạt động dạy học theo các học phần và phù hợp với đặc thù của môn học (ví dụ: Tối thiểu 2 tiết học liên tục/buổi học/lớp).
Bên cạnh đó, trong quan điểm xây dựng chương trình nêu rõ: Chương trình GDPT được xây dựng theo hướng mở. Chương trình bảo đảm định hướng thống nhất và những nội dung giáo dục cốt lõi, bắt buộc đối với HS toàn quốc, đồng thời trao quyền chủ động và trách nhiệm cho địa phương và nhà trường trong việc lựa chọn, bổ sung một số nội dung giáo dục và triển khai kế hoạch giáo dục phù hợp với đối tượng giáo dục và điều kiện của địa phương, của cơ sở giáo dục, góp phần bảo đảm kết nối hoạt động của nhà trường với gia đình, chính quyền và xã hội.
Hoạt động ngoại khóa hấp dẫn học sinh. Ảnh minh họa/ INT |
Cần chuẩn bị tốt các điều kiện
PGS.TS Đỗ Thị Bích Loan khẳng định: Phân luồng HS là một vấn đề có ý nghĩa quan trọng đối với sự nghiệp của mỗi con người và sự phát triển nguồn nhân lực của mỗi quốc gia. Làm tốt phân luồng sẽ tạo điều kiện thuận lợi, công bằng cho mỗi HS có cơ hội học tập suốt đời, lựa chọn con đường nghề nghiệp phù hợp để phát huy tiềm năng, phát triển tới đỉnh cao của nghề nghiệp. Từ đó, góp phần điều chỉnh sự phân bố nguồn nhân lực quốc gia cho phù hợp với yêu cầu của đất nước, nhằm sử dụng một cách có hiệu quả nhất nguồn nhân lực và xây dựng xã hội học tập.
Mặc dù chủ trương phân luồng HS được chỉ đạo thực hiện từ rất lâu, nhưng theo PGS.TS Đỗ Thị Bích Loan, cho đến nay thực tế triển khai còn nhiều bất cập, vẫn là một vấn đề khó và “nóng” thu hút sự quan tâm của toàn xã hội. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, nhưng có lẽ một nguyên nhân chính là do công tác giáo dục hướng nghiệp trong trường phổ thông chưa thực sự có hiệu quả. Vì vậy, một trong những nhiệm vụ trọng tâm để đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục là đổi mới chương trình GDPT với yêu cầu phải tạo chuyển biến căn bản, toàn diện về chất lượng và hiệu quả GDPT, kết hợp dạy chữ, dạy người và định hướng nghề nghiệp.
Nhận định vấn đề hướng nghiệp và phân luồng HS được quan tâm và quán triệt từ mục tiêu, cấu trúc của chương trình đến nội dung của từng môn học trong chương trình GDPT mới, PGS.TS Đỗ Thị Bích Loan cho rằng, để thực hiện thành công mục tiêu này, cần chuẩn bị tốt các điều kiện bảo đảm. Trong đó có yêu cầu về đội ngũ giáo viên cho các môn học có tính chất hướng nghiệp, thực nghiệp, kỹ thuật công nghệ cao hơn, có năng lực giảng dạy tích hợp một số môn.
Đội ngũ giáo viên làm công tác hướng nghiệp chuyên nghiệp, được đào tạo bài bản với các năng lực cốt lõi để hoàn thành tốt nhiệm vụ hướng nghiệp. Bên cạnh đó, hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp phải được xem là một tiêu chí xếp loại HS, giáo viên và nhà trường như kết quả giáo dục trong các môn học. PGS.TS Đỗ Thị Bích Loan cũng nhấn mạnh việc cần huy động sự tham gia, phối hợp của các lực lượng giáo dục trong và ngoài nhà trường. Tranh thủ sự chỉ đạo, hỗ trợ của chính quyền địa phương, các cơ quan, đoàn thể, tổ chức, doanh nghiệp, các nghệ nhân, người lao động tiêu biểu ở địa phương vào công tác định hướng nghề nghiệp cho HS, góp phần phát triển bền vững nguồn nhân lực của đất nước.