Phân luồng học sinh sau THCS: Cần nhiều giải pháp đồng bộ

GD&TĐ - Thời gian qua, công tác phân luồng sau THCS tại TPHCM có nhiều tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, để công tác này đạt hiệu quả hơn nữa, cần giải pháp đồng bộ từ nhiều phía.

Học sinh, phụ huynh tham gia buổi tư vấn xét tuyển vào lớp 10 của Trung tâm GD Phổ thông - Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM. Ảnh minh họa: NVCC
Học sinh, phụ huynh tham gia buổi tư vấn xét tuyển vào lớp 10 của Trung tâm GD Phổ thông - Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM. Ảnh minh họa: NVCC

Tín hiệu tích cực

Chia sẻ tại Hội thảo khoa học quốc gia “Giáo dục hướng nghiệp, khởi nghiệp cho học sinh phổ thông trong bối cảnh hiện nay” - TS Nguyễn Đặng An Long (Sở GD&ĐT TPHCM) cho biết: Công tác hướng nghiệp cho học sinh sau tốt nghiệp THCS của TP trong những năm gần đây có nhiều tín hiệu tích cực. Hiện, 100% trường THCS có chương trình giáo dục hướng nghiệp gắn với hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của địa phương, có giáo viên tư vấn hướng nghiệp. Hàng năm các trường đều tổ chức ngày hội tư vấn, phân luồng học sinh, thông tin về nghề nghiệp, thị trường lao động, kết nối với trường phổ thông ngoài công lập, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp để định hướng phân luồng.

Công tác hướng nghiệp cho học sinh sau tốt nghiệp THCS trên địa bàn TP được định hướng vào 4 con đường chính: Học tiếp lên THPT công lập hoặc ngoài công lập; Học trung cấp chuyên nghiệp hoặc trung cấp nghề; vừa làm vừa học tiếp THPT theo chương trình giáo dục thường xuyên, trực tiếp tham gia lao động sản xuất và du học.

Cũng theo TS Nguyễn Đặng An Long, kết quả thực hiện phân luồng tại TPHCM cải thiện từng năm. Năm học 2014 - 2015 tổng số học sinh vào học lớp 10 đạt tỷ lệ 86,03%. Năm học 2015 – 2016, tỷ lệ này là 81,09%. Đến năm học 2019 - 2020, con số này giảm xuống còn 76,85%. Năm học 2019 - 2020, TPHCM có khoảng 10.000 học sinh tốt nghiệp THCS không nộp đơn thi tuyển vào lớp 10 công lập mà lựa chọn theo học nghề, trung cấp. Đây là tín hiệu cho thấy nhận thức của xã hội về vai trò, vị trí của giáo dục nghề nghiệp được cải thiện.

Liên quan đến phân luồng sau THCS, TS Nguyễn Văn Khả, Giám đốc Trung tâm GD phổ thông - Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM chia sẻ: Trong những năm gần đây, GDTX trở thành địa chỉ tin cậy để học sinh tiếp tục học bậc THPT. Người học tìm đến đây bởi giảm được áp lực thi cử, có thể tăng cường học các môn tổ hợp để đăng ký xét vào các trường CĐ, ĐH cũng như đầu tư cho môn kỹ năng, sở trường, năng khiếu, trau dồi ngoại ngữ.

Đặc biệt, các trung tâm giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp (GDTX - GDNN) hàng năm đều được đầu tư mọi mặt, tỷ lệ tốt nghiệp cũng không thua kém các trường THPT. Khi bằng tốt nghiệp THPT không còn phân biệt phổ thông hay GDTX, nhiều phụ huynh, học sinh không ngần ngại đăng ký vào học GDTX mà không tham gia kỳ tuyển sinh lớp 10 THPT.

Theo em Hoàng Nghĩa (phường Tam Phú, TP Thủ Đức), việc lựa chọn theo học trung tâm GDTX đã được ba mẹ và bản thân em cân nhắc kỹ do tư vấn của thầy cô Trường THCS Thái Văn Lung. Nghĩa cho hay: Nhiều bạn vẫn còn suy nghĩ, vào học GDTX vì không đủ năng lực theo học công lập. Nhưng em không nghĩ vậy. Em chọn GDTX vì có nhiều thời gian để đầu tư cho các hoạt động xã hội, được học thêm nghề và không bị dàn trải quá nhiều bộ môn.

Mô hình 9+ thu hút học sinh sau THCS (Ảnh minh hoạ từ IT)
Mô hình 9+ thu hút học sinh sau THCS (Ảnh minh hoạ từ IT) 

Giải pháp từ nhiều phía

Mặc dù đạt được một số kết quả nhất định, song các nhà quản lý, giáo viên tại TP.HCM thừa nhận, công tác phân luồng vẫn gặp nhiều khó khăn.

Theo TS Nguyễn Đặng An Long, học sinh độ tuổi “vị thành niên”, yêu cầu lao động xã hội mang nặng tâm lý “phải tốt nghiệp THPT” mới được coi là đủ “trình độ văn hóa” để ghi vào lý lịch (10/10 hoặc 12/12). Thêm nữa, phải tốt nghiệp đại học mới thỏa mãn yêu cầu của các bậc phụ huynh…

Chính vì vậy, cần đổi mới công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các cấp lãnh đạo địa phương, phòng GD&ĐT quận, huyện, hiệu trưởng các trường THCS và phụ huynh, học sinh về lợi ích của dạy nghề và phân luồng sau trung học.

Cùng đó, tăng cường tư vấn hướng nghiệp học sinh sau tốt nghiệp THCS bằng hình thức trực tuyến và trực tiếp. Tư vấn hướng nghiệp trong nhà trường kết hợp với phòng LĐ,TB&XH. Đặc biệt, các doanh nghiệp cần tích cực tham gia công tác tư vấn hướng nghiệp cho học sinh.

Nâng cao chất lượng dạy nghề đối với trường cao đẳng nghề, trung cấp và trung tâm dạy nghề - giáo dục thường xuyên của các quận, huyện, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực của địa phương và các ngành kinh tế cùng cần tính đến. Ở tầm vĩ mô, cần xây dựng hệ thống cơ quan làm công tác dự báo nhu cầu nhân lực, nhu cầu đào tạo quốc gia, cơ cấu trình độ đào tạo theo vùng miền.

TS Nguyễn Văn Khả nêu quan điểm: Phân luồng học sinh không chỉ là việc của riêng ngành GD-ĐT, mà là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị, từ cơ quan quản lý Nhà nước các cấp, bộ, ngành, doanh nghiệp, đơn vị sử dụng nhân lực và cả học sinh, phụ huynh... Ở góc độ các trường học, cơ sở GD cần triển khai  mô hình, như liên kết với các cơ sở GDNN-GDTX, trường nghề, doanh nghiệp để phát huy vai trò trong công tác tuyên truyền, thay đổi nhận thức của học sinh, cha mẹ học sinh, có định hướng tư vấn kịp thời, phù hợp… Ngoài ra, cần nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên làm công tác hướng nghiệp, đổi mới nội dung giáo dục hướng nghiệp. 

Học tập  là việc làm suốt đời. Tôi cho rằng môi trường GDTX là điểm sáng giá và mang nhiều cơ hội hoàn thành giáo dục cấp phổ thông và lựa chọn nghề nghiệp của học sinh sau THCS cũng như người dân. Vấn đề là làm sao để học sinh, người dân, doanh nghiệp biết đến các trung tâm thông qua thương hiệu, hoạt động tư vấn, truyền thông cũng như sự đầu tư tương xứng từ địa phương… - ThS Phạm Lê Thanh, giáo viên môn Hoá tại Quận 7, TPHCM

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhiều hòn đảo xa xỉ ở Tây Ban Nha thu hút người giàu có và nổi tiếng.

3 hòn đảo đỉnh cao xa hoa ở Tây Ban Nha

GD&TĐ -Nhiều hòn đảo tư nhân của Tây Ban Nha, một số thuộc sở hữu của các nhà tài phiệt Nga, được những người giàu có và nổi tiếng lui tới.

Năng lực sản xuất vũ khí của Nga tăng đáng kể kể từ khi Moscow bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Cảnh báo gây sốc khi kho vũ khí EU tụt hậu

GD&TĐ -Tổ hợp công nghiệp quân sự của Nga đã tăng cường sản xuất vũ khí kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine, xóa bỏ mọi dấu hiệu thiếu hụt.