Thất bại là mẹ thành công

 GD&TĐ - Trước thất bại, người ta có hai con đường phải lựa chọn: hoặc cho là mình không có khả năng, không có điều kiện, hoặc là phân tích tìm hiểu nguyên nhân của thất bại và tiếp tục thực hiện mục tiêu đề ra với quyết tâm mới, cách làm mới.

J.B Rowling
J.B Rowling

Những nhà vô địch thường nói: 100 thất bại đổi lấy một thành công

Bà J.B Rowling, tác giả Harry Potter, cuốn sách làm mê hoặc hàng triệu trẻ em thế giới, tâm sự: Năm 1995 tôi bắt đầu vào đời. Vốn là một học sinh kém, tôi thử qua Bồ Đào Nha kiếm sống bằng cách buôn bán lặt vặt, ai mướn việc gì cũng làm. Tôi phải nhận cứu trợ xã hội để sống.

Ở đó bà yêu một người và có với người đó một đứa con, nhưng gia đình lục đục bà đem con trở về Anh. Bà nghĩ: Xông xáo cạnh tranh với đời để kiếm sống nuôi con sao mà khó khăn quá, vậy ta thử ngồi nhà làm một chuyện không va chạm trực tiếp với ai, đó là vận dụng trí tưởng tượng để viết truyện. Thế là bà viết chuyện Harry Potter.

Về sau khi cuốn sách thành công rực rỡ, làm mê hoặc hàng trăm triệu trẻ em toàn thế giới, bà rút ra kết luận: sự thành công này là kết quả của sự thất bại liên tiếp trên đường đời.

Nhiều người hỏi về nguyên nhân sự thành công tuyệt vời của bà, bà chỉ nói: tôi thành công vì tôi đã thất bại hoàn toàn. Thất bại dạy cho tôi biết con đường dẫn đến thành công. Mà thất bại là gì? Nói một cách đơn giản, thất bại là sự không đạt được mục tiêu, ý muốn mà mình đặt ra.

Trước thất bại, người ta có hai con đường phải lựa chọn: hoặc cho là mình không có khả năng, không có điều kiện, hoặc là phân tích tìm hiểu nguyên nhân của thất bại và tiếp tục thực hiện mục tiêu đề ra với quyết tâm mới, cách làm mới. Tất nhiên mục tiêu phải khả thi, không phải viển vông, không thể đặt mục tiêu “kiểu đội đá vá trời”. Theo Chartes Pépin, tác giả cuốn “Thái độ trước thất bại”: “Đừng biến việc thất bại thành người thất bại”!

Ở Mỹ người ta lấy thất bại làm bàn đạp để thoát khỏi nó

Tác giả cuốn “Phải chăng thất bại để thành công?”, Julien Cusin, Tiến sĩ về “Khoa học quản lý” lưu ý mọi người về một vòng luẩn quẩn: “Ở Pháp những xí nghiệp thành công thì phô trương thanh thế, cờ giăng trống đánh, còn những xí nghiệp thất bại thì im ỉm, làm như không có gì xảy ra.

Do đó có ý tưởng lan truyền cho rằng một nhà quản lý hiện đại là người không bao giờ nhầm lẫn”. Tại sao có sự xấu hổ đó, sự sợ sệt không dám nói ra thất bại đó? Theo Charles Pépin, đó là ảnh hưởng tai hại của một quá khứ chói lọi vinh quang của nước Pháp. “Chúng ta sống trong một đất nước vốn là một quốc gia hùng cường.

Từ trong thâm tâm, chúng ta cho rằng sự thành công là một điều tất nhiên vì chúng ta là người Pháp! Thành công ngày nay chẳng qua là lặp lại những thành công của cha ông trước kia, với các trường Đại học nổi tiếng như Sorbonne, với những học viện, bảo tàng, tháp Effel… Bây giờ cứ theo “đường ray “cũ mà chạy, chắc chắn sẽ thành công, làm sao mà “trật đường ray được”!

Hoàn toàn khác với nước Pháp, nước Mỹ công khai nói lên sự thật. Họ không sợ công khai hai từ “thất bại”, trái lại họ còn đánh giá cao những tổ chức, xí nghiệp, công ty dám nói lên sự thật thất bại của mình. Nasa được đánh giá cao không phải vì những thành tích đạt được, mà vì đã chỉ rõ, phân tích nguyên nhân thất bại, những kinh nghiệm rút ra từ sự thất bại.

Hãng Grey ở Newyork được giải thưởng Heroic Failure (“thất bại anh hùng”) vì đã công khai sự thất bại, đồng thời chỉ rõ nguyên nhân thất bại, kinh nghiệm rút ra được từ sự thất bại. Tương tự như vậy, nhóm các công ty dược phẩm Mỹ Ely Lilly từ đầu những năm 1990 đã tổ chức những buổi báo cáo công khai những dự án thất bại.

Quan điểm của họ là: thất bại là một thành phần không thể tránh được trong nghiên cứu dược học, trong đó 90% là những kinh nghiệm chỉ rõ vì sao thất bại.

Sai lầm được nói ra công khai là biểu hiện của sự sáng tạo và can đảm

“Sai lầm không phải là mất hết, không phải là bất khả thi”, theo lời giải thích của Catmull, chủ tịch của Pixar. Ông nói rõ hơn: “Sai lầm là điều không thể tránh được của sự ra đời cái mới, do đó nó phải được xem là quí giá”.

“Hội nghị về những thất bại” đã được tổ chức lần đầu năm 2009 ở San Francisco, là biểu hiện của nhận thức đó. Nội dung của hội nghị không phải là các báo cáo về những thành công rực rỡ, mà là những thất bại có khi rất đau đớn trong sản xuất, kinh doanh.

Hội nghị còn tổng kết, rút ra những bài học quý giá để tiếp tục sự nghiệp sản xuất, kinh doanh, hoặc nếu cần, phải vứt bỏ hẳn đường hướng làm ăn đó để chuyển qua một lĩnh vực sản xuất kinh doanh mới.

Con người là một động vật biết biến thất bại thành thành công

Hãy nghe các nhà thể thao đạt thành tích cao kể về quá trình rèn luyện của họ, ta sẽ hiểu rõ ý nghĩa của câu “Thất bại là mẹ thành công”. Khi người ta hỏi “Vua bóng rổ” Michel Jordan: Điều gì đã giúp anh trở thành Vua bóng rổ, Jordan trả lời: “Sự thất bại, đúng như vậy, sự thất bại đã giúp tôi có thành tích cao trong môn thể thao này.

Danh hiệu “Vua bóng rổ” mà người ta gán cho tôi đã được mua bằng nước mắt, mồ hôi, và có thể nói là máu nữa. Tôi đã ném bóng hỏng 9.000 lần, tôi đã thất bại trong 300 trận. 26 lần người ta tin vào tôi để dành thắng lợi của trận đấu, thì tôi lại ném bóng hỏng. Nói tóm lại chính thất bại đã đem lại cho tôi thành công”.

Chắc các bạn đã nghe nói đến tay quần vợt nổi tiếng Rafael Nadal. Anh rất thấm thía ý nghĩa của câu “Thất bại là mẹ thành công”. Bắt đầu dấn thân vào “sự nghiệp quần vợt” năm 1999, anh tham gia các trận quần vợt dành cho tuổi 14. Một lần anh chạm trán với tay quần vợt Pháp Richard Gasquet. Trận này anh thua Rasquet do sự quyết tâm tuyệt vời của đối thủ. Risquet biết biến sự thất bại từng quả, từng ván, để cuối cùng giành thắng lợi. Trận thua này đã cho anh một bài học đắt giá. Về sau hai tay quần vợt này gặp nhau 14 trận, Nadal đã thắng cả 14 trận.

Rafael Nadal
Rafael Nadal 

Điều xấu hổ là nhụt chí sau thất bại

Nhà triết học Pháp Charles Pépin còn đi xa hơn: “Con người là một động vật biết biến thất bại thành thắng lợi”. Hãy nhìn con ngựa mới được sinh ra, nó đi thử vài bước rồi ngã quỵ xuống, nó đứng dậy đi tiếp, lại ngã… Cứ thế, chỉ sau mươi lần ngã nó có thể lẽo đẽo theo mẹ.

Đứa bé con cũng tập đi, cũng ngã lên ngã xuống rất nhiều lần mới đi được. Lớn lên đứa bé con cũng phải ngã xe đạp nhiều lần mới đi xe đạp được. Rồi cứ theo bài học “thất bại la mẹ thành công” đứa bé khi lớn lên biết lái xe đạp, xe máy, và biết đâu còn lái cả máy bay nữa! Cái nguy nhất không phải là thất bại mà là có biết biến thất bại thành thành công hay không.

Theo Ca m’intéress

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

PGS.TS Đỗ Duy Cường thăm khám cho bệnh nhân mắc sởi. Ảnh: BVCC

Gia tăng bệnh sởi ở người lớn

GD&TĐ - Gần đây, số ca mắc sởi có xu hướng gia tăng trên phạm vi nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt ở những nơi đông dân cư.