Đừng lấy thành công để tạo áp lực cho con trẻ

GD&TĐ - Con cái học hành giỏi giang và đỗ đạt là mong muốn của hầu hết học sinh và các bậc phụ huynh sau 12 năm đèn sách. Tuy nhiên may mắn không mỉm cười với tất cả học sinh dù có nguyện vọng hay cố gắng hết mình trong học tập. 

Đừng lấy thành công để tạo áp lực cho con trẻ

Bên cạnh những nụ cười hạnh phúc đỗ đạt còn có cả những nỗi buồn trượt không đỗ đạt như mong muốn. Cha mẹ là những người buồn không kém con em mình song việc ứng xử với ra sao ở quãng đường đầu đời gặp thất bại không phải là vấn đề dễ dàng.

Dồn áp lực lên vai con trẻ

Thực tế xã hội cho thấy, hầu hết phụ huynh nào cũng muốn con mình vượt qua các kỳ thi, phải đạt được điểm cao, phải giành được danh hiệu. Đặc biệt ở ngưỡng cửa vượt “vũ môn” kỳ thi THPT quốc gia thì tâm lý, mong muốn nhu cầu ấy càng khát khao. Và không ít bậc phụ huynh với tâm lý bằng cấp nặng nề mà vô tình đã biến mong ước, kỳ vọng của bản thân thành áp lực nặng nề với con trong kỳ thi.

Kỳ vọng quá lớn khiến họ quên đi việc tìm hiểu sức học, mong muốn của con trẻ ra sao để có sự định hướng và tìm những con đường đi phù hợp với năng lực, khả năng nguyện vọng của con.

Với nhiều bậc phụ huynh chỉ có đỗ đại học mới là con đường duy nhất để các em tiến vào đời, mới thoát khỏi đói nghèo, thoát khỏi đồng ruộng, lao động chân tay như cha mẹ, đỗ vào đại học mới làm cha mẹ “ngửa mặt” lên với dòng họ làng xóm, người quen… Bước chân vào cổng trường đại học không chỉ đã và đang trở thành ước vọng của hầu hết học sinh mà thậm chí cha mẹ còn khát khao mong muốn hơn rất nhiều.

Và khi kỳ vọng càng lớn bao nhiêu thì áp lực dồn lên vai học sinh nhiều bấy nhiêu. Hiện thực, kết quả không như mong đợi thì phụ huynh là người sốc hơn cả, họ sẵn sàng chút lên con em mình những mắng mỏ, dè bửu, trách cứ, so sánh, chì chiết con cái với lời lẽ sâu cay... Lẽ ra khi ấy người làm cha mẹ cần phải hiểu rõ tâm lý lo lắng của trẻ để động viên chia sẻ thay vì dồn các em vào chân tường của sự cô đơn, chán nản.

Sau mỗi kỳ thi lớn của học sinh từ bậc THPT, xã hội đã từng chứng kiến nhiều học sinh phản ứng tiêu cực khi nhận kết quả không tốt mà lại không nhận được sự động viên kịp thời của cha mẹ thay vào đó là sự nặng nhẹ, mắng mỏ. Với trường hợp phản ứng nhẹ nhàng hơn thì các em có thái độ bất hợp tác trong sinh hoạt hàng ngày, không nói năng, chào hỏi, chuyện trò, hoặc hơn thế có thể bỏ nhà, chìm vào game, tụ tập bạn bè lao vào những cuộc chơi, phá phách... để khỏa lấp một cách tạm thời.

Theo các nhà tâm lý học, sau kỳ thi trượt nếu cha mẹ càng dồn ép, con cái càng cảm thấy mình cô đơn, lạc lõng và không có điểm tựa. Chính con cái càng thấy mình tệ hại hơn và những áp lực sẽ quật ngã các em trong hành trình làm người lớn để vào đời.

Hãy chia sẻ thay chì chiết

Khi nói về vấn đề trên, cùng con vượt qua những thất bại, cú sốc trong cuộc sống, PGS.TS tâm lý Huỳnh Văn Sơn chia sẻ: Cuộc sống cho thấy có khá nhiều thách thức cho mỗi con người chúng ta. Việc thi không đỗ hay việc thất bại với một mục tiêu cũng chỉ là một thách thức chứ không phải tất cả.

Nếu không vững tin vào chính mình, không thực sự biết đối diện với sự thật, nhiều bạn trẻ sẽ không thể tìm ra được lối đi mới ngay cú trượt ngã dù là đầu tiên hay kế tiếp trong cuộc đời của mình.

Cha mẹ nên nhận ra rằng bài học của sự thành công có giá trị một lần thì bài học của sự thất bại sẽ có giá trị gấp n lần. Không ai muốn thất bại nhưng học bài học của sự thất bại là điều cần làm. Quan trọng nhất là đối diện với thất bại và đứng dậy để bước đi...

Chính vì vậy, cha mẹ hãy tập chấp nhận sự thật, nhìn về chính mình trong quá khứ để xem mình thực sự có phải chỉ thành công? Đặt vào vị trí con mình để thông cảm, nở một nụ cười bản lĩnh, xiết chặt cho mình hay thậm chí là một cái nắm tay cũng đủ làm trẻ được trấn an ngay...

PGS.TS Huỳnh Văn Sơn nhắn nhủ đến các bậc làm cha mẹ: hãy biết nghiêng người xuống để lắng nghe tiếng lòng của con trẻ, hãy cố gắng một lần thức khuya cùng con để học.

Hãy nhìn sâu vào mắt của con, hãy quan sát những chuyển động rất nhỏ của những vết nhăn bé xíu trên vầng trán, trên khóe mắt, làn môi... để hiểu con mình đã cố gắng như thế nào.

Hãy nhìn vào những căng thẳng hay những biểu hiện của sự tự thất vọng ở con trẻ để nhẹ nhàng và nhanh chóng đón con vào lòng như đón tất cả những gì tồn tại rất thật trong con người chúng ta và trong cuộc sống này.

Tiếp tục thử sức mình với một thời gian tập luyện để thi lại hay chọn cho mình một ngã rẽ hoặc “đi tắt – đón đầu”… đều là những biện pháp khả thi nếu sức mạnh tổng hợp giữa niềm tin cá nhân và sự bao dung của mẹ cha gặp gỡ và lên tiếng.

Điều này cho thấy chọn đường nào để thành công là sự lựa chọn của mỗi bạn trẻ, mỗi gia đình. Tuy nhiên, người quyết định vẫn là: bạn trẻ.

Các bậc cha mẹ cũng cần biết rằng, trong thực tế đã ghi nhận nhiều nhân tài nhưng lại không đi theo con đường truyền thống là học tập tại các trường CĐ, ĐH nhưng vẫn thành công bằng sự nỗ lực và lựa chọn con đường đúng đắn. Chúng ta từng biết đến điển hình trường hợp như Bill Gates - người sáng lập tập đoàn Microsoft. Steve Jobs - Tổng giám đốc điều hành của hãng máy tính Apple; Một James Cameron – đạo diễn điện ảnh tên tuổi, hiếm hoi đoạt giải Oscar đã đi đường vòng để đến Hollywood… Và còn có thể kể tới biết bao tên tuổi nổi tiếng thế giới khác cũng trong hoàn cảnh tương tự

Bài học của sự thành công có giá trị một thì bài học của sự thất bại sẽ có giá trị gấp nhiều lần. Không ai muốn thất bại nhưng học bài học của sự thất bại là điều cha mẹ cần biết chấp nhận và giúp các em hiểu được giá trị đó. Hãy giúp con em mình đứng lên và đối diện với thất bại để làm lại đáng quý và quan trọng hơn tất cả thay thì đẩy trẻ vào cùng cực của sự bấn loạn, cô đơn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ