Tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư về làm việc tại Trường Đại học Hải Phòng được hỗ trợ từ 300 - 500 triệu đồng. Đây là cơ chế đột phá nhằm thu hút,“giữ chân” giảng viên giỏi, góp phần đào tạo nhân lực chất lượng cao cho thành phố và cả nước.
Chính sách đãi ngộ vượt trội
Những năm gần đây, thành phố Hải Phòng triển khai nhiều chính sách về thu hút, đào tạo, bồi dưỡng nhân lực chất lượng cao. Hiện, thành phố điều chỉnh, bổ sung, ban hành mới các chính sách đãi ngộ vượt trội nhằm thu hút nhân tài đến làm việc, tạo ra cuộc cạnh tranh gay gắt trong tuyển dụng nhân lực chất lượng cao.
Trong đó, tại Kỳ họp thứ 21, ngày 4/12, UBND thành phố đã trình HĐND thành phố khóa 16 xem xét, thảo luận và thông qua Nghị quyết về cơ chế, chính sách hỗ trợ thu hút và đào tạo, bồi dưỡng giảng viên trình độ cao cho Trường Đại học Hải Phòng giai đoạn 2025 - 2030. Đây được xem như “cú hích”, động lực để trường thu hút, “giữ chân” giảng viên giỏi, đào tạo nhân lực chất lượng cao cho thành phố và cả nước.
Trường Đại học Hải Phòng hiện có 754 viên chức, người lao động, trong đó có 417 giảng viên. 100% số giảng viên đạt và vượt chuẩn về trình độ chuyên môn, đáp ứng cơ bản yêu cầu giảng dạy và nghiên cứu khoa học, trong đó 9 giảng viên có chức danh phó giáo sư, 103 giảng viên trình độ tiến sĩ, bảo đảm tiêu chuẩn theo quy định tại Thông tư số 01/2024 của Bộ GD&ĐT về Chuẩn cơ sở giáo dục đại học. Tuy nhiên, đội ngũ nguồn nhân lực của nhà trường đang trong tình trạng mất cân đối, thừa thiếu cục bộ.
Cụ thể, trường thừa giảng viên khối ngành sư phạm, thiếu giảng viên khối ngành kinh tế, kỹ thuật. Tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ, chức danh giáo sư, phó giáo sư thấp; thiếu giảng viên có trình độ tiến sĩ, chức danh giáo sư, phó giáo sư ở một số ngành/chuyên ngành. Đáng nói, trường còn hiện tượng “chảy máu chất xám” đội ngũ cán bộ, giảng viên có trình độ cao.
5 năm qua, 31 giảng viên có trình độ tiến sĩ của nhà trường xin nghỉ việc, chuyển công tác. Do đó, việc xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ thu hút, bồi dưỡng giảng viên trình độ cao là cần thiết, góp phần nâng cao, phát triển đội ngũ giảng viên chất lượng đáp ứng mục tiêu, nhiệm vụ được giao. Đồng thời, đẩy mạnh thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cho thành phố nói chung và Trường Đại học Hải Phòng nói riêng.
Theo đề xuất trong nghị quyết, giảng viên Trường Đại học Hải Phòng tuyển dụng trước năm 2023 được hưởng chế độ hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng. Cụ thể, trường hợp đạt chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư được hỗ trợ 200 triệu đồng; giảng viên là tiến sĩ tự túc kinh phí đào tạo được hỗ trợ 200 triệu đồng đối với bằng do cơ sở đào tạo trong nước cấp và 300 triệu đồng đối với bằng do cơ sở nước ngoài cấp.
Trường hợp được hưởng chế độ thu hút giảng viên trình độ cao là giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ thuộc các ngành đào tạo mũi nhọn. Mức hỗ trợ kinh phí một lần khi tuyển dụng viên chức như sau: Đối với học hàm giáo sư do cơ sở đào tạo trong nước cấp được hỗ trợ 500 triệu đồng, học hàm phó giáo sư được hỗ trợ 400 triệu đồng và tiến sĩ 300 triệu đồng; trường hợp được cấp bằng tiến sĩ do cơ sở đào tạo nước ngoài cấp được hỗ trợ 400 triệu đồng.
Ngoài chế độ hỗ trợ như trên, giảng viên trình độ cao được hưởng các chính sách đãi ngộ như: Tuyển dụng thông qua hình thức xét tuyển, tiếp nhận. Đối với giảng viên ngoài thành phố, nhà trường hỗ trợ phòng ở, điện nước sinh hoạt khi lưu trú tại trường hoặc 5 triệu đồng/tháng. Tổng kinh phí đào tạo, bồi dưỡng và thu hút giảng viên trong giai đoạn 2025 - 2030 là hơn 44,47 tỷ đồng.
Tạo đà bứt phá
PGS.TS Bùi Xuân Hải - Hiệu trưởng Trường Đại học Hải Phòng cho biết, tháng 6/2024, UBND thành phố Hải Phòng ban hành Quyết định số 1869 về việc phê duyệt Đề án “Đổi mới và phát triển Trường Đại học Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Mục tiêu tổng quát của đề án là đổi mới và phát triển Trường Đại học Hải Phòng đến năm 2045 trở thành Đại học Hải Phòng (đại học vùng), một trong các cơ sở giáo dục đại học hàng đầu của Việt Nam và ngang tầm các trường đại học trung bình khá của khu vực Đông Nam Á, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho thành phố và đất nước.
Để thực hiện mục tiêu trên, nhà trường đã đề ra các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể thực hiện theo lộ trình, trong đó chú trọng vào cơ cấu tổ chức và xây dựng đội ngũ. Bên cạnh việc tinh giản bộ máy, trường chú trọng chế độ đãi ngộ, thu hút giảng viên chất lượng cao.
Phấn đấu đến năm 2025, có hơn 35% số giảng viên trình độ tiến sĩ và 20% số giảng viên sử dụng ngoại ngữ trong giảng dạy; đến năm 2030, hơn 50% số giảng viên trình độ tiến sĩ và 30% số giảng viên sử dụng ngoại ngữ trong giảng dạy; đến năm 2045 có hơn 50% số giảng viên sử dụng thành thạo ngoại ngữ trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học.
Mục tiêu thời gian tới, trường xây dựng vị trí việc làm theo hướng nâng cao tỷ lệ giảng viên (65 - 70%), giảm tỷ lệ viên chức hành chính và phục vụ (tối đa 30 - 35%), bảo đảm tăng năng suất và hiệu quả lao động, nâng cao thu nhập cho viên chức, người lao động.
Đồng thời, nhà trường tăng cường hỗ trợ cán bộ, giảng viên đào tạo, nâng cao trình độ, có học vị tiến sĩ trong nước và nước ngoài, tự bồi dưỡng để nâng cao trình độ sử dụng ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh, Trung, Nhật, Hàn; đẩy mạnh thu hút nhân tài từ bên ngoài, đội ngũ giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ và các chuyên gia từ những địa phương khác, nhất là Hà Nội và TPHCM.
Chia sẻ về nội dung trên, bà Bùi Thị Sinh - nguyên Phó Chủ tịch UBND thành phố, Chủ tịch Danh dự Hội Cựu giáo chức thành phố cho hay: Việc xây dựng, ban hành Nghị quyết về cơ chế, chính sách hỗ trợ thu hút và đào tạo, bồi dưỡng giảng viên trình độ cao cho Trường Đại học Hải Phòng thể hiện sự quan tâm, đầu tư của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố. Với sự quan tâm về cơ chế, chính sách từ thành phố, trường sẽ được tạo đà bứt phá, bảo đảm nhiệm vụ đào tạo, cung ứng nguồn nhân lực mũi nhọn, nhân lực chất lượng cao cho thành phố và đất nước.
Với giảng viên được tuyển dụng trước năm 2023 để hưởng chế độ hỗ trợ cần đạt điều kiện có ít nhất 1 năm công tác tại đơn vị (không kể thời gian tập sự) tính đến thời điểm cử đi học. Có ngành đào tạo phù hợp; ưu tiên đội ngũ giảng viên đi học tiến sĩ ngành Ngôn ngữ Nhật, Hàn Quốc.
Giảng viên có trình độ tiến sĩ phải cam kết tiếp tục làm việc tại trường ít nhất 6 năm sau khi hoàn thành khóa học. Đối với giáo sư, phó giáo sư cam kết làm việc ít nhất 5 năm sau khi nhận hỗ trợ. Đối với giảng viên được cử đi bồi dưỡng nâng cao trình độ ngoại ngữ: Cam kết tiếp tục làm việc tại trường ít nhất 3 năm sau khi hoàn thành khóa học…
Nếu không thực hiện đúng cam kết hoặc vi phạm các quy định phải thực hiện đền bù (gấp 2 lần chế độ hỗ trợ).