Tình nguyện về vùng khó
Tốt nghiệp Trường ĐH Y Hà Nội năm 2014, Nguyễn Văn Hiếu được tuyển dụng về làm việc tại Khoa Hồi sức cấp cứu - Bệnh viện Thanh Nhàn. Nhưng với quyết tâm mang theo những hoài bão lớn lao của tuổi trẻ, và tâm niệm “sống phải thật sự trách nhiệm với cộng đồng, xã hội”, bác sĩ Nguyễn Văn Hiếu đã viết đơn tình nguyện về công tác tại Trung tâm Y tế huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên.
Được phân công ở ngay trong khu nội trú của Trung tâm Y tế huyện Mường Nhé, nên khi có bệnh nhân nặng, dù không phải ca trực của mình, bác sĩ Hiếu luôn sẵn sàng hỗ trợ kịp thời để cứu sống nhiều bệnh nhân trong tình trạng nguy cấp.
“Điều khó khăn nhất là tôi không biết nhiều về tiếng dân tộc nên việc thăm khám gặp khó khăn khi giao tiếp với bệnh nhân. Bà con không có cảm nhận về bệnh. Họ mô tả bệnh chung chung nên việc trao đổi giữa bác sĩ và bệnh nhân gặp nhiều rào cản.
Bà con biết nói tiếng Kinh, nhưng khi bác sĩ giải thích về bệnh thì bà con không hiểu được những từ chuyên môn về bệnh lý. Tôi phải nhờ đồng nghiệp hỗ trợ hoặc nhờ người nhà đi cùng bệnh nhân để phiên dịch.
Một thách thức nữa là lúc kê đơn, bà con không đọc được đơn thuốc nên bác sĩ lo sợ họ uống nhầm liều. Vì vậy, phương hướng đặt ra trong điều trị khám bệnh ở Mường Nhé là nếu bệnh nặng thì cho bà con điều trị nội trú, còn bệnh nhẹ thì bác sĩ kê đơn kèm theo dặn dò cẩn thận”, bác sĩ Hiếu cho biết.
Viết tiếp trang sử “đâu cần thanh niên có”
Vượt qua điều kiện khó khăn, thiếu thốn, bác sĩ Hiếu không ngừng nỗ lực trong công tác chuyên môn, góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại Mường Nhé.
Không chỉ trau dồi về chuyên môn, nghiệp vụ, tham gia giảng dạy 2 buổi/tuần cho các đồng nghiệp tuyến cơ sở, trạm y tế xã, bác sĩ Hiếu còn cố gắng học thêm tiếng của các dân tộc đang sinh sống tại huyện Mường Nhé để có thể giao tiếp với bệnh nhân dễ dàng hơn. Bên cạnh đó, bác sĩ Hiếu còn tìm hiểu về phong tục, tập quán của đồng bào để giúp cho công tác khám chữa bệnh được thuận lợi hơn.
Chia sẻ về những khó khăn trong thời gian làm việc ở Mường Nhé, Điện Biên, bác sĩ Hiếu tâm sự: “Mặc dù công việc bận rộn, nhưng đôi khi, nghĩ về hai con còn nhỏ, vợ bị bệnh suy giáp/lao hạch đang phải điều trị ở quê nên không tránh khỏi lo lắng, suy tư…
Thế nhưng, đổi lại, 7 tháng công tác là thời gian ngắn nhưng quá trình “cọ xát” môi trường thực tế đã cho tôi hiểu được những vất vả, khó khăn của các đồng nghiệp, qua đó giúp tôi rèn luyện, trưởng thành và hoàn thiện trong công việc”.
Thời gian 3 năm công tác tại đây sẽ còn nhiều những khó khăn nhưng tôi tin rằng, với nhiệt huyết tuổi trẻ và tình yêu nghề, bác sĩ trẻ sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ, chăm lo tốt sức khỏe cho bà con nơi mình công tác.