Lôi cuốn bởi cổng Parobol
Cổng Parabol của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội được xây dựng cách đây khoảng 50 năm và đã từng là niềm tự hào của sinh viên và giảng viên trường này.
Chàng trai sinh năm 1983 Trịnh Ngọc Hải cũng có mơ ước một ngày bước qua chiếc cổng đáng tự hào đó. Tuy nhiên, anh lại có duyên với nước Nga và Hải đã học đại học và thạc sĩ tại Cộng hoà Liên bang Nga. Anh chỉ bước chân vào cổng Parabol danh tiếng khi trở về Việt Nam công tác tại Viện Toán ứng dụng và Tin học, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội.
Tại đây, các nghiên cứu sinh (NCS) có thể truy cập để tìm các tài liệu cần thiết, không mất thời gian cho những thủ tục hành chính rườm rà. Họ còn được chủ động trong nghiên cứu. Đây có lẽ là một trong nhiều tác nhân quan trọng giúp Hải hoàn thành xuất sắc chương trình tiến sĩ trước thời hạn, với thời gian hơn 2 năm.
TS Trịnh Ngọc Hải chia sẻ: “Có lẽ Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đòi hỏi khắt khe với những yêu cầu cao về quy định đào tạo tiến sĩ. Điều này vừa là áp lực, nhưng cũng là động lực để tôi quyết tâm hoàn thành đề tài nghiên cứu của mình để đem lại kết quả cao nhất”.
Điều này Trịnh Ngọc Hải nhận định hoàn toàn đúng. Trường Đại học Bách khoa Hà Nội lâu nay luôn là một trong những địa chỉ đào tạo và nghiên cứu khoa học uy tín hàng đầu đất nước. Ở Viện Toán ứng dụng và Tin học, nơi Hải làm việc đã có những cải cách đột phá về chế độ đãi ngộ cho cán bộ giảng dạy có năng lực nghiên cứu.
Từ việc thường xuyên trao đổi nắm bắt tâm tư nguyện vọng của cán bộ, giảng viên, cho đến tạo điều kiện tối đa cho mọi người làm việc và nghiên cứu; giữ chân người tài bằng đãi ngộ thoả đáng, Trịnh Ngọc Hải là một trong số ít cán bộ có mức lương cao so với mặt bằng chung của cán bộ Viện Toán ứng dụng và Tin học cũng như cán bộ Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.
Chặng đường đến ISI
PSG.TS Trần Văn Tớp – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội rất tự hào về thành tích của Trịnh Ngọc Hải, mà theo ông đây là một NCS “Best thesis” (xuất sắc nhất) trong đợt tốt nghiệp và trao bằng tiến sĩ năm 2019.
Tuy nhiên, khi được hỏi bí quyết để có được thành công trên, anh lại hết sức khiêm tốn: “Tôi không có bí quyết gì đặc biệt, đó chỉ là kết quả của việc chuẩn bị trước, làm việc với thầy hướng dẫn, theo seminar của nhóm”.
Anh chia sẻ: Phải nghiên cứu tài liệu nhiều, tham khảo bài báo của các tác giả khác, từ đó phát triển ra kết quả của mình.
Đúng là thành công không dành cho những bước chân lười biếng. Với Trịnh Ngọc Hải, bắt nguồn từ niềm say mê nghiên cứu và tìm tòi những điều mới lạ của Toán học, anh đã nghiên cứu thành công đề tài mong muốn của mình. Thời điểm làm nghiên cứu sinh của Hải cũng cùng lúc hàng loạt các bài tầm cỡ ISI được xuất bản.
Hải cho biết: “Vì đã chuẩn bị trước, nên có những bài báo khoa học quốc tế tôi viết và gửi đăng trước thời điểm đăng ký làm NCS. May mắn là các tạp chí chấp nhận đăng vào cùng một thời điểm”. Điều này cũng lý giải vì sao cùng một năm, Trịnh Ngọc Hải công bố đến 6 bài báo ISI. Đây là con số mơ ước của không ít người làm khoa học nói chung và toán học nói riêng.
Được biết đề tài nghiên cứu của anh Trịnh Ngọc Hải có tên gọi “Một số phương pháp giải pháp giải bài toán cân bằng và điểm bất động có cấu trúc”. Đây là đề tài có thể áp dụng trong nhiều lĩnh vực như giao thông, kinh tế, y học… được nhiều nhóm nghiên cứu trong và ngoài nước đã nghiên cứu 20 năm qua với không ít bài báo công bố trên tạp khí khoa học quốc tế.
Tuy nhiên, Hải không nề hà mà vẫn chọn đề tài nhiều người đã nghiên cứu. Như anh tâm sự: Vấn đề là tìm ra được một hướng đi mới, một hướng nghiên cứu của riêng mình. Thật vui mừng là bằng nỗ lực và quyết tâm không mệt mỏi, Hải đã có kết quả được công bố trên nhiều bài báo khoa học trên các tạp chí chuyên ngành thuộc danh mục ISI.
Chia sẻ về học trò của mình, GS.TSKH Phạm Kỳ Anh – giảng viên hướng dẫn nhận định: Hải là người được đào tạo bài bản ở nước ngoài, kiến thức rất vững. Với tinh thần học tập, nghiên cứu nghiêm túc, tính cầu thị cao, Hải chắc chắn sẽ thu được nhiều kết quả tốt trong nghiên cứu sau này.