Công nghệ 3D phục vụ y tế và giáo dục
Đoạt giải thưởng cao nhất của cuộc thi Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp 2019 là dự án của nhóm sinh viên đến từ Trường Đại học Bách khoa Hà Nội với đề tài “Ứng dụng công nghệ 3D chế tạo sản phẩm phục vụ y tế và giáo dục”.
Nguyễn Khánh Tùng - thành viên của dự án cho biết: Dự án hướng tới làm chủ công nghệ 3D để thiết kế, gia công vật liệu nhựa y sinh, chế tạo ra các mảnh xương, bộ phận thay thế phục vụ trong y tế có chất lượng và đặc tính cao, ưu việt hơn để điều trị bệnh nhân tốt hơn, đồng thời cung cấp dịch vụ thiết kế và in 3D giáo cụ trực quan phục vụ giáo dục STEM.
Nguyễn Khánh Tùng đã tìm hiểu các đối thủ cạnh tranh và nhận định: Đa số các đội đều lấy ý tưởng liên quan đến xu hướng công nghệ thông tin, riêng dự án của sinh viên Bách khoa không chỉ dừng lại ở nghiên cứu mà đã ứng dụng công nghệ vào các sản phẩm cụ thể phục vụ cộng đồng.
Được biết, dự án “Ứng dụng công nghệ 3D chế tạo sản phẩm phục vụ y tế và giáo dục” được kế thừa từ các tiền bối của trường là PGS.TS Nguyễn Văn Vinh và TS Nguyễn Thị Kim Cúc, những giảng viên đang công tác tại Phòng Thí nghiệm Quang cơ điện tử.
Trước đó, đề tài đã từng “chinh chiến” tại cuộc thi ý tưởng sáng tạo và xuất sắc giành giải cao nhất. Có thể thấy sự tiếp nối các thế hệ tại Trường ĐH Bách khoa Hà Nội mang lại niềm hứng khởi, sự tự tin, tính hiệu quả cho mỗi đề tài nghiên cứu.
Thầy Vinh và cô Cúc đã dành nhiều thời gian, tâm sức để hướng dẫn học trò. Điều hai thầy cô trăn trở nhất chính là làm sao để sinh viên vừa giỏi nghiên cứu, vừa giỏi tính kinh tế, thuyết trình, làm sao dạy sinh viên biết nhìn chuyên môn kỹ thuật dưới góc nhìn kinh tế, biết trình bày hấp dẫn, thuyết phục người nghe...
Dự án thân thiện với môi trường
Với ý tưởng nuôi giun quế tại các khu xử lý rác thải, biến rác thành tài nguyên, tạo sinh kế cho phụ nữ nghèo, nhóm nghiên cứu đến từ Đại học Kiến trúc Hà Nội thực hiện dự án khởi nghiệp “Nuôi giun quế từ rác”, dự kiến sẽ đạt doanh thu hơn 1 tỷ đồng mỗi năm, tạo việc làm cho khoảng 20 người.
Trong quá trình thực tập công nghệ môi trường, nhóm dự án đã tiếp cận với Ban lãnh đạo Khu liên hiệp xử lý chất thải rắn Nam Định và đề xuất ý tưởng giảm thiểu thể tích phần chất thải rắn chôn cất bằng cách tăng hệ số thu hồi tài nguyên thông qua mô hình nuôi giun quế trên giá thể sẵn có là phân compost thành phẩm đang tồn đọng trong khu xử lý rác thải.
Hoàng Phương Nam - thành viên của nhóm cho biết thêm: Khu liên hiệp xử lý chất thải rắn Nam Định hình thành từ năm 1999 nhưng đứng trước áp lực phải đóng cửa do không thể mở rộng hoạt động sang quỹ đất dự trữ. Hệ thống kĩ thuật của khu chế biến phân compost đã bỏ không nhiều năm nay do không có đầu ra cho phân compost.
Như vậy, dự án của các bạn sinh viên Kiến trúc sau khi thực hiện sẽ giải quyết đầu ra cho bài toán quy hoạch xử lý chất thải rắn giai đoạn 2030, tầm nhìn 2050 của tỉnh Nam Định và đem lại sinh kế cho nhóm phụ nữ đơn thân làm chủ hộ trên địa bàn huyện Mỹ Lộc.
Bên cạnh đó, mô hình cộng đồng trực tiếp tham gia vào giai đoạn triển khai dự án sẽ làm thay đổi sâu sắc phương thức truyền thông theo hướng tự lan tỏa, tự hình thành ý thức thông qua điều kiện cơ sở vật chất cụ thể là sản phẩm giun quế. Sau giai đoạn sản xuất thử nghiệm, thu hồi vốn đầu tư ban đầu, nhóm tiếp tục tái đầu tư mô hình này cho các khu xử lý chất thải rắn khác với dự kiến 6 dự án trong vòng 5 năm.
Giá trị mà dự án đem lại cho khách hàng là lợi ích kinh tế, tiết kiệm khoảng 30% chi phí nguyên liệu đầu vào cho thức ăn chăn nuôi, trồng trọt, cải tạo sức sản xuất cho đất, một loại tài nguyên đặc biệt không thể thay thế trong nền sản xuất nông nghiệp địa phương. Lợi ích thương phẩm đến từ nhãn hàng an toàn, đáp ứng các tiêu chí đánh giá xếp hạng của ngành cũng như khả năng xuất khẩu ra thị trường quốc tế.
Ngoài ra, khách hàng khi tiêu thụ sản phẩm của dự án còn góp phần kéo dài tuổi thọ của Khu liên hiệp xử lý chất thải rắn Nam Định, giúp chính quyền địa phương giải quyết công tác quản lý môi trường, mang lại lợi ích bảo vệ môi trường theo hướng bền vững.