Thanh Hóa: Xây dựng trường học hạnh phúc từ sự đổi mới

GD&TĐ - Với nhiều giáo viên các trường THPT ở huyện Như Xuân, Như Thanh, Nông Cống (Thanh Hóa), xây dựng trường học hạnh phúc hiểu đơn giản là mỗi ngày đến trường đều vui.

Các đại biểu tham gia chia sẻ kinh nghiệm tại cuộc Hội thảo Xây dựng mô hình Trường học hạnh phúc.
Các đại biểu tham gia chia sẻ kinh nghiệm tại cuộc Hội thảo Xây dựng mô hình Trường học hạnh phúc.

Sự đổi mới trong phương pháp giảng dạy cùng thái độ tôn trọng, lắng nghe của giáo viên (GV) đã mang lại nhiều điều tích cực, đó là sự yêu mến, biết ơn của nhiều thế hệ học trò.

Mỗi ngày đến trường là ngày vui

Công đoàn ngành Giáo dục Thanh Hóa đã tổ chức hội thảo xây dựng mô hình “Trường học hạnh phúc” cụm các trường THPT Như Thanh, THPT Như Xuân và Trường THPT Nông Cống 1.

Đây là một trong những hoạt động của ngành Giáo dục (GD) tỉnh Thanh trong chuỗi các hoạt động xây dựng mô hình “Trường học hạnh phúc” năm học 2021 – 2022 và những năm tiếp theo.

Tham luận tại hội thảo, cô Lê Thị Hồng, giáo viên (GV) Trường THPT Như Xuân cho biết, tiêu chí xây dựng trường học hạnh phúc bao gồm việc dạy và học.

Mỗi học sinh (HS) đều có tính cách, hoàn cảnh cũng như khả năng không giống nhau. Vì vậy, GV cần biết cách để HS có thể phát triển theo khả năng và hoàn cảnh của mình.

“Đây là lý do Trường THPT Như Xuân áp dụng phương pháp GD tích cực trong dạy và học. Bước đầu, đã mang lại hiệu quả rõ rệt trong việc xây dựng trường học hạnh phúc”, cô Hồng chia sẻ.

Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa Bùi Thị Thanh phát biểu tại cuộc Hội thảo Xây dựng mô hình Trương học học phúc.
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa Bùi Thị Thanh phát biểu tại cuộc Hội thảo Xây dựng mô hình Trương học học phúc.

Theo cô Hồng, phương pháp này khác xa với cách dạy truyền thống. Cụ thể, với mỗi môn học, thầy cô luôn tập trung vào hoạt động nhận thức cho HS, cách tìm ra chân lý.

Từ đó, các em sẽ ghi nhớ được kiến thức, đồng thời rèn luyện được các kỹ năng, như: Phát hiện và giải quyết vấn đề, khả năng nghiên cứu, làm việc nhóm, gắn lý thuyết với thực tiễn…

“Ở ngôi trường của chúng tôi, mỗi giờ lên lớp là một sự đổi mới. Việc đổi mới phương pháp dạy học luôn được chú trọng trong mỗi tiết học.

Cũng vì vậy, HS được phát huy tối đa vai trò chủ động, sáng tạo trong việc tiếp nhận kiến thức mới và vận dụng vào thực tiễn”, cô Hồng nói.

Điển hình như môn Ngữ văn do cô Hồng đảm trách, HS luôn được thể hiện năng lực của mình. Các em có thể hóa thân thành một nhân vật kể lại câu chuyện đã học.

Chuyển thể một văn bản văn học thành một kịch bản sân khấu hay xử lý một tình huống giao tiếp giả định (như phỏng vấn nhân vật văn học),…

Phương pháp đóng vai nhân vật vừa tạo sự sinh động cho môn học vừa mang lại hứng thú cho HS, giúp các em dễ dàng ghi nhớ và hệ thống kiến thức.

“Trường học hạnh phúc, hiểu theo cách đơn giản nhất là mỗi ngày đến trường của GV, HS đều vui. Vì thế, nhiệm vụ của thầy cô không chỉ truyền đạt kiến thức mà còn phải biết cách giúp trường học trở thành một nơi để sống và làm những điều thú vị”, cô Hồng chia sẻ.

Đại diện Trường THPT Nông Cống 1, bà Trương Thị Ngọc Hân – Chủ tịch Công đoàn nhà trường cho biết, việc xây dựng trường học thân thiện, hạnh phúc được các thế hệ GV ý thức từ ngày thành lập trường.

Mỗi GV nhà trường luôn tôn trọng, lắng nghe HS. Việc lắng nghe HS một cách chủ động mang lại nhiều điều tích cực. GV không chỉ phản hồi kịp thời mà còn tháo gỡ những khó khăn mà các em gặp phải.

Ông Trần Văn Bình - Chủ tịch Công đoàn ngành GD tỉnh Thanh Hóa phát biểu tại Hội thảo.
Ông Trần Văn Bình - Chủ tịch Công đoàn ngành GD tỉnh Thanh Hóa phát biểu tại Hội thảo.

Theo bà Ngọc Hân, nhiều GV của trường không chỉ có chuyên môn vững vàng, mà còn làm công tác chủ nhiệm giỏi. Các thầy, cô đã đóng góp công sức trong việc cảm hóa, giáo dục, rèn luyện HS cá biệt.

Nhờ vậy, trong năm học 2020 – 2021, tỷ lệ HS xếp loại hạnh kiểm yếu, kém lớp 11,12 của trường là  0% và chỉ có 0,21% đối với HS lớp 10.

Cùng với thái độ tôn trọng, lắng nghe HS, mỗi GV luôn làm mới mình từ những tiết giảng trên lớp. Từ đó, tạo nên những giờ học hạnh phúc, tiết học vui vẻ, hiệu quả.

“Trong những năm qua, GV của trường đã tìm tòi đổi mới sáng tạo, phối hợp nhiều phương pháp giảng dạy tạo sự hứng thú cho HS.

Chẳng hạn như học tập qua trò chơi, làm việc nhóm, học tập thông qua các hoạt động trải nghiệm…vừa cung cấp kiến thức vừa mang lại tiếng cười, sự thoải má cho các em”, bà Hân nói.

Trong khi đó, tại Trường THCS&THPT Như Thanh, mô hình xây dựng trường học hạnh phúc được triển khai ngay từ đầu năm học 2021 – 2022 ở 2 lớp 12, sau đó sẽ nhân rộng ra toàn trường.

Xây dựng trường học hạnh phúc cần nhiều yếu tố

Ông Trần Văn Bình - Chủ tịch Công đoàn ngành GD tỉnh Thanh Hóa cho biết, mô hình trường học hạnh phúc phản ánh quyết tâm lớn của ngành GD. Đồng thời, lan tỏa những tín hiệu tích cực, nỗ lực không ngừng nhằm đáp ứng tốt hơn nữa yêu cầu, đòi hỏi của xã hội.

“Để trường học xứng đáng là ngôi nhà, tổ ấm thứ hai với mỗi GV, HS thì những giá trị yêu thương, sẻ chia cần được đưa lên hàng đầu và cần thực hành tốt ở mỗi trường.

Giáo dục phải xuất phát từ tình yêu thương, nhưng cũng cần phải gắn với kỷ luật, kỷ cương, nếp sống văn minh và tiến bộ”, ông Bình nói.

Giáo viên trình bày tham luận tại Hội thảo.
Giáo viên trình bày tham luận tại Hội thảo.

Bà Bùi Thị Thanh – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa khẳng định, xây dựng mô hình “Trường học hạnh phúc” không phải là chuyện một sớm một chiều, mà đó là cả quá trình. Từ việc xây dựng văn hóa nhà trường, các quy chế ứng xử … để làm cơ sở pháp lý cho GV, HS và phụ huynh tham gia.

Theo bà Thanh, trường học hạnh phúc chính là khi người học được đảm bảo quyền lợi chính đáng của mình, được tôn trọng, lắng nghe và chia sẻ. Vì vậy, các trường cần đảm bảo tiêu chí, trước hết là tạo ra môi trường làm việc, học tập lý tưởng cho GV, HS.

Tạo các điều kiện tốt nhất để mỗi học sinh có cơ hội phát triển, thể hiện và khẳng định năng lực, giá trị của bản thân. Sử dụng phương pháp giảng dạy tạo sự hứng cho các em.

Cuối cùng là sự sẻ chia, giúp đỡ HS có hoàn cảnh đặc biệt. Quản lý tốt những cảm xúc tiêu cực, làm gương cho các em trong tương tác, giao tiếp và đối thoại…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.