Lớp học hạnh phúc không rào cản
TS Ngô Xuân Hiếu - Phó Trưởng bộ môn Quản lý Giáo dục, Trường ĐH Thủ đô Hà Nội tâm đắc với câu nói “Nếu bạn tin điều gì, bạn sẽ chia sẻ điều đó”. Liên quan vấn đề kiến tạo những lớp học online hạnh phúc, TS Ngô Xuân Hiếu cho rằng, xã hội thay đổi hàng ngày thì tất nhiên mọi ngành nghề nói riêng và con người nói chung đều phải thay đổi để đáp ứng nhu cầu thực tế của xã hội, nhất là trong bối cảnh cuộc cách mạnh công nghệ lần thứ 4 và đại dịch Covid-19. Qua đó nghề giáo không ngoại lệ.
Sự thay đổi của thầy cô không chỉ là thay đổi về kiến thức mà còn cả phương pháp giảng dạy, tư duy trong cách tiếp cận bài giảng, giao tiếp và ứng xử với học sinh… Giáo viên không chỉ dạy kiến thức mà còn là người truyền cảm hứng, chia sẻ kỹ năng sống, lan tỏa những giá trị tốt đẹp... đến học sinh thân yêu.
Để có tiết học hạnh phúc, công nghệ không thể làm thay giáo viên. Do vậy, giáo viên hoàn toàn là người quyết định việc xây dựng lớp học hạnh phúc, trường học hạnh phúc. Giáo viên thay đổi thông qua tự học, tự phát triển bản thân bằng việc đọc sách, học hỏi từ những đồng nghiệp, người thầy tốt.
Theo TS Ngô Xuân Hiếu: Trường học hạnh phúc là khi mỗi học sinh cảm nhận được sự ấm áp, yêu thương từ thầy cô, bạn bè với niềm vui được nhân lên và nỗi buồn được san sẻ.
Những hành động đẹp, lời nói đẹp, cảnh quan đẹp của thầy cô, bè bạn, mái trường đều góp phần dệt nên xúc cảm hạnh phúc, hân hoan trong trái tim, suy nghĩ tuổi học trò.
Qua đó cho thấy, xây dựng tiết học hạnh phúc, lớp học hạnh phúc, trường học hạnh phúc đâu có thể nói kinh tế là nhân tố quyết định hoàn toàn, việc cảm xúc và thăng hoa trong mỗi tiết học phụ thuộc mỗi giáo viên và tập thể học sinh.
Lớp học thành phố, lớp học nông thôn, lớp học vùng cao… điều đó chỉ là thể hiện về mặt địa lý hành chính và cơ sở vất chất, còn bản chất của tiết học hạnh phúc là chính giáo viên và học sinh cùng tôn trọng, yêu thương nhau.
Giáo viên tôn trọng học sinh, yêu nghề, biết lắng nghe, biết cống hiến…, còn học sinh yêu trường, yêu lớp, quý mến cô… thì tiết học đó chắc chắn sẽ hạnh phúc. Chúng ta có thể thấy rất nhiều trường ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa thực hiện xây dựng lớp học hạnh phúc rất tốt.
Hạnh phúc có sức lan toả tự thân
Thầy Nguyễn Hữu Định - Hiệu trưởng Trường THPT Thới Lai (TP Cần Thơ) cho biết: Xây dựng trường học hạnh phúc là việc làm tự nguyện của mỗi nhà trường. Trước khi có khái niệm “Trường học hạnh phúc” thì trong các nhà trường đã thực hiện nhiều mục tiêu, phương châm và các cuộc vận động mang nội hàm như “Trường học hạnh phúc”, chẳng hạn cuộc vận động "Dân chủ, kỷ cương, tình thương, trách nhiệm” hay cuộc vận động “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”...
Trên cơ sở của các cuộc vận động đã thực hiện thì nhà trường không nhất thiết phải đầu tư thêm cơ sở vật chất, nhân lực..., cần nhất là thay đổi về nhận thức tạo ra giá trị bền vững cho sự phát triển của nhà trường.
Cũng theo thầy Nguyễn Hữu Định: Xây dựng mô hình Trường học hạnh phúc không phải một sớm một chiều mà cần phải có một quá trình. Trước tiên nhà trường cần tạo sự nhận thức đối với giáo viên, học sinh và phụ huynh, đây là quá trình tác động lâu dài bằng nhiều biện pháp, phương thức khác nhau.
Chúng ta không thể tuyên bố “năm học này xây dựng trường học hạnh phúc” mà phải trải qua lộ trình xây dựng tổ chức nhà trường, xây dựng văn hóa nhà trường, xây dựng các quy chế ứng xử, quy chế làm việc... trong nhà trường để làm cơ sở pháp lý cho giáo viên, học sinh và phụ huynh tham gia.
“Hãy để việc xây dựng trường học hạnh phúc đến với giáo viên, học sinh và phụ huynh một cách nhẹ nhàng. Đôi khi họ không biết đó là cách mà nhà trường đang thực hiện xây dựng trường học hạnh phúc bởi vì nếu triển khai rầm rộ sẽ trở thành việc làm mang tính phong trào, hình thức” - Thầy Nguyễn Hữu Định nhấn mạnh.
Còn theo TS Ngô Xuân Hiếu: Để kiến tạo và lan tỏa không cần làm gì to tát, chỉ cần chia sẻ ngay với những đồng nghiệp trong chính ngôi trường mà ta đang dạy, truyền cảm hứng trên các trang mạng xã hội, ngày này qua ngày khác, từng việc nhỏ thôi cũng đủ để ta có những dấu ấn đẹp trên cá nhân của ta, trước tiên là truyền cảm hứng chính cho ta rồi sẽ lan rộng ra những người xung quanh.
Mỗi giáo viên nên tâm niệm một điều “những gì ta có thể làm là làm những gì ta có thể, dù nhỏ thôi nhưng với tình yêu lớn, ta đã góp phần xây dựng một xã hội tốt đẹp, qua các tiết học của chúng ta”.
“Giáo viên phải là người hạnh phúc trong công việc mới lan toả và nhân lên hạnh phúc cho học trò, và tạo nên trường học hạnh phúc. Để thầy cô có được hạnh phúc, nhà trường phải xây dựng môi trường làm việc dân chủ, minh bạch và thân thiện. Mỗi giáo viên được tạo cơ hội để sáng tạo, được bày tỏ quan điểm và nhất là được sự tôn trọng từ ban giám hiệu, phụ huynh và được sự kính trọng từ học sinh và xã hội” - Thầy Nguyễn Hữu Định.