Xây dựng Trường học hạnh phúc: Thầy cô là người truyền cảm hứng

GD&TĐ - Giáo viên giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong việc truyền cảm hứng cho học sinh. Do đó, muốn xây dựng Trường học hạnh phúc thì trước tiên, thầy cô giáo phải cảm nhận được hạnh phúc ở chính nơi mình công tác.

Học sinh Trường THPT Vĩnh Yên hạnh phúc khi tham gia các hoạt động do nhà trường tổ chức. Ảnh tư liệu
Học sinh Trường THPT Vĩnh Yên hạnh phúc khi tham gia các hoạt động do nhà trường tổ chức. Ảnh tư liệu

Kinh nghiệm từ thực tiễn

Trường THPT Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) là một trong những trường đi đầu tỉnh Vĩnh Phúc về xây dựng mô hình Trường học hạnh phúc.

Theo chia sẻ của nhà giáo Nguyễn Thị Mai Chang – Hiệu trưởng nhà trường, Trường học hạnh phúc là một chỉ số quan trọng xây dựng nhà trường tiên tiến. Và, muốn có trường học hạnh phúc, trước tiên thầy cô phải là người cảm nhận được hạnh phúc thì mới có thể truyền ngọn lửa đam mê, nhiệt huyết đến học sinh.

Nhận thức được tầm quan trọng đó, thời gian qua, Trường THPT Vĩnh Yên đã đẩy mạnh xây dựng mô hình “Trường học hạnh phúc” với chủ trương đúng đắn và nhiều phong trào dưới các hình thức tổ chức phong phú.

Tập thể cán bộ, giáo viên Trường THPT Vĩnh Yên. Ảnh tư liệu do nhà trường cung cấp
Tập thể cán bộ, giáo viên Trường THPT Vĩnh Yên. Ảnh tư liệu do nhà trường cung cấp

Trước tiên, nhà trường tập trung xây dựng bộ tiêu chí “Trường học hạnh phúc” trong đó đưa ra các chỉ số và các mức độ đáp ứng chỉ số hạnh phúc về phía nhà trường, giáo viên, học sinh và phụ huynh học sinh.

Thứ hai, tập trung đầu tư chất lượng đội ngũ giáo viên và không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho giáo viên nhà trường. Nền tảng, gốc rễ của một nhà trường tiến bộ là đội ngũ giáo viên. Đội ngũ giáo viên quyết định chất lượng dạy và học. Thái độ nghề nghiệp, cảm xúc và hành vi của giáo viên sẽ quyết định cảm xúc, hành vi của học trò trong các hoạt động giáo dục.

Thứ ba, nhà trường nhận thức sâu sắc mục tiêu hướng tới của ngôi trường hạnh phúc là học trò phải hạnh phúc. Học trò hạnh phúc khi các em được là chính mình, được học tập và giáo dục trong môi trường yêu thương, tôn trọng và an toàn. 

Thứ tư, phối hợp chặt chẽ và đồng hành với phụ huynh học sinh trong các hoạt động giáo dục, từ đó lan tỏa giá trị yêu thương, để phụ huynh an tâm khi thấy con em mình vui vẻ, hạnh phúc mỗi ngày. Thầy cô hạnh phúc, học trò hạnh phúc, trường học hạnh phúc tất yếu phụ huynh cũng hạnh phúc.

Điều cuối cùng là chú trọng chăm lo sức khỏe tâm thần học đường, coi đây là một trong những tiêu chí quan trọng đánh giá mức độ hạnh phúc của thầy và trò. 

Giáo viên Trường THPT Vĩnh Yên hướng dẫn học sinh học tập theo nhóm. Ảnh tư liệu
Giáo viên Trường THPT Vĩnh Yên hướng dẫn học sinh học tập theo nhóm. Ảnh tư liệu

Giảm áp lực cho thầy cô

Thầy giáo Đào Chí Mạnh từng được nhắc đến với vai trò tiên phong trong xây dựng Trường học hạnh phúc tại Vĩnh Phúc. Từng là hiệu trưởng Trường TH Kim Ngọc, hiện đảm nhận cương vị Hiệu trưởng Trường TH Hội Hợp B (TP Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc), thầy Đào Chí Mạnh đã có chia sẻ với Báo GD&TĐ về kinh nghiệm cá nhân khi xây dựng Trường học hạnh phúc ở những ngôi trường này.

Thầy Đào Chí Mạnh cùng giáo viên Trường TH Hội Hợp B. Ảnh tư liệu
Thầy Đào Chí Mạnh cùng giáo viên Trường TH Hội Hợp B. Ảnh tư liệu

Thầy Đào Chí Mạnh cho biết: "Ở hai ngôi trường tôi đã từng làm Hiệu trưởng, tôi đã có hai khẩu hiệu mà tôi rất tâm đắc đó là: “Happy teachers happy students” – thầy cô hạnh phúc, học sinh hạnh phúc và “ Happy school happy world” – trường học hạnh phúc, thế giới hạnh phúc. Như vậy, trường học hạnh phúc bắt đầu từ chính thầy cô giáo.

Thầy cô giáo, trong đó có cán bộ quản lý là điểm khởi đầu của việc xây dựng trường học hạnh phúc. Để thầy cô hạnh phúc thì thầy cô, cán bộ quản lý cần có rất nhiều thay đổi mà theo tôi thay đổi đầu tiên bắt đầu từ mục tiêu giáo dục".

Việc chạy theo căn bệnh thành tích –  sẽ là việc làm mà dồn áp lực nên nhà trường, giáo viên và học sinh do đó các thầy cô giáo, đặc biệt là cán bộ quản lý cần hết sức chú ý bởi chúng ta thấy rằng hiện nay áp lực trên đôi vai của thầy cô là rất lớn và từ nhiều phía. Trường học sẽ có cơ hội để được hạnh phúc nếu ta giúp thầy cô vơi đi những áp lực không đáng có. Điều này là có thể làm được nếu các nhà quản lí tại cơ sở giáo dục có mong muốn chuyển áp lực thành động lực.

Học sinh Trường TH Kim Ngọc hạnh phúc mỗi khi đến trường. Ảnh tư liệu
Học sinh Trường TH Kim Ngọc hạnh phúc mỗi khi đến trường. Ảnh tư liệu

Với giáo viên cũng cần không nên chạy theo điểm số, chạy theo những thành tích mà không đem lại lợi ích cho học sinh trong việc rèn và phát triển năng lực, từ đó tuyên truyền tới phụ huynh và đó cũng là việc giúp các thầy cô giảm áp lực để được hạnh phúc. Bởi, áp lực từ điểm số là áp lực lâu nay luôn có một sức nặng không hề nhỏ lên đôi vai của thầy cô.

“Ở trường cũ tôi áp dụng công thức 3 chữ làm trong hầu hết các hoàn cảnh và thấy rất hữu ích đó là: Hướng dẫn thầy cô làm; tạo điều kiện cho thầy cô làm và tạo động lực cho thầy cô làm. Cùng với đó là việc áp dụng 5 giá trị cốt lõi của trường học hạnh phúc đối với mọi mối quan hệ trong và ngoài nhà trường, với mọi thành phần đó là: “được yêu thương; được tôn trọng; được an toàn; được hiểu và được có giá trị”. Việc tuyên truyền để các thầy cô giáo, phụ huynh, học sinh hiểu và thực hành 5 giá trị này sẽ rất tốt trong xây dựng văn hóa nhà trường để mọi người hướng tới hạnh phúc” – Thầy Đào Chí Mạnh chia sẻ thêm.

Theo nhà giáo Nguyễn Thị Mai Chang, khi xây dựng Trường học hạnh phúc điều cần thay đổi đầu tiên là thay đổi suy nghĩ và nhận thức của giáo viên. Điều này thật không dễ dàng và cần có lộ trình lâu dài. Để làm được điều này, nhà trường đã tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, tập huấn và nâng cao năng lực đổi mới tư duy của phần đông giáo viên, giúp họ tiếp cận các phương pháp giáo dục mới, các kĩ thuật dạy học hiện đại, các chương trình đào tạo kĩ năng mềm…

Nhờ vậy, giáo viên dần có ý thức rằng giáo dục bằng tình yêu thương là phương tiện giáo dục hiệu quả nhất nuôi dưỡng tình yêu và hạnh phúc của mỗi đứa trẻ. Từ thay đổi về nhận thức đó, thầy cô đang dần tiếp cận và áp dụng nhiều mô hình giáo dục sáng tạo với học trò, nhằm tạo hứng thú và truyền cảm hứng trong học tập và rèn luyện cho học sinh.

Khi thay đổi, thầy cô đều xác định mô hình “Trường học hạnh phúc” đang được toàn xã hội quan tâm, ngành giáo dục vào cuộc quyết liệt nên thầy cô luôn có sự hỗ trợ, khích lệ và đồng hành từ phía nhà trường và ngành giáo dục. Bên cạnh đó là sự ủng hộ của đông đảo phụ huynh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ