Trường vùng sâu vun đắp xây dựng trường học hạnh phúc

GD&TĐ - Bằng những hoạt động thiết thực gắn kết giáo viên, học sinh với nhà trường, Trường THPT Thới Lai, huyện Thới Lai (TP Cần Thơ) là điểm sáng trong việc xây dựng Trường học hạnh phúc.

HS Trường THPT Thới Lai cùng nhau trồng giá đỗ tại trường. Ảnh tư liệu.
HS Trường THPT Thới Lai cùng nhau trồng giá đỗ tại trường. Ảnh tư liệu.

Trường học hạnh phúc phải xuất phát từ tâm

Trường THPT Thới Lai tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa cho học sinh song song với việc học tập, rèn luyện. Theo thầy Nguyễn Hữu Định, Hiệu trưởng nhà trường, trường xây dựng phương châm giáo dục “Dạy người, dạy chữ, dạy nghề”. Từ phương châm cốt lõi đó, nhà trường đặt ra phương châm hành động  là “Xây dựng trường học văn minh, thân thiện, hạnh phúc".

Để cụ thể hóa các phương châm đó, hướng tới xây dựng trường học hạnh phúc, nhà trường đã xây dựng các quy chế chặt chẽ như: Quy chế làm việc, Quy chế dân chủ trong nhà trường, Quy chế thi đua, Quy ước ứng xử văn hóa trong nhà trường. Việc xây dựng văn hóa nhà trường lành mạnh đã giúp học sinh và giáo viên cảm thấy thoải mái trong học tập, vui chơi.

Không gian trường học được bố trí hợp lý, xanh, sạch đẹp, có tác dụng giáo dục đối với học sinh. Mỗi bảng biểu trang trí đều mang một thông điệp để mỗi ngày đến trường tất cả  học sinh đọc, hiểu và làm theo.

“Xây dựng trường học hạnh phúc là cả một quá trình dài, được tích tụ, bồi đắp từ từ. Trong đó, có sự lan tỏa yêu thương, lan tỏa giá trị được tạo ra từ chính cái tâm của người thầy đến với đồng nghiệp, đến với học sinh, phụ huynh và xã hội”, thầy Định chia sẻ.

Đặc biệt, Nhà trường đã  thành lập 12 câu lạc bộ sở thích (CLB khéo tay, CLB Hoa Kiểng, CLB Cờ vua - Cờ tướng, CLB ảo thuật, CLB bóng bàn, CLB bóng đá, CLB bóng rổ, CLB, tiếng Anh, CLB Sinh học, CLB Khoa học kỹ thuật, CLB Ảo thuật, CLB Âm nhạc). Rất nhiều học sinh tham gia CLB trong các giờ ra chơi. Ngoài ra, nhà trường còn tổ chức trồng rau sạch, giáo viên và học sinh cùng tham gia tạo môi trường rất thân thiện.

Nhiều phong trào, nhiều cuộc thi  được trường tổ chức hướng đến mục tiêu làm cho học sinh có nhiều niềm vui, hạnh phúc như: Ngày hội sắc màu, Đại hội thể dục thể thao, Hội xuân...

Thầy Định tâm đắc quan niệm xây dựng trường học hạnh phúc không phải là phong trào, mà phải xuất phát từ tâm và cái gì từ tâm mới bền vững. Hạnh phúc bắt nguồn từ tâm hồn, chúng ta cảm thấy tâm hồn, suy nghĩ của mình thoải mái thì  sẽ cảm thấy hạnh phúc hơn hết.

HS Trường THPT Thới Lai tham gia Hội xuân. Ảnh tư liệu.
HS Trường THPT Thới Lai tham gia Hội xuân. Ảnh tư liệu.

Lan tỏa từ nhà trường đến cộng đồng

Để lan tỏa ý nghĩa của Trường học hạnh phúc, Lớp học hạnh phúc, Trường THPT Thới Lai trước hết đưa ra những mục tiêu để xây dựng trường học hạnh phúc phù hợp với đặc điểm, văn hóa địa phương.

Người đứng đầu đơn vị quyết tâm trong hành động, tạo sự thống nhất về nhận thức trong đội ngũ về xây dựng trường học hạnh phúc, đưa ra các giải pháp xây dựng văn hóa nhà trường lành mạnh; Tạo môi trường thuận lợi hỗ trợ cho hoạt động dạy và học của giáo viên và học sinh;  Chú ý xây dựng thương hiệu của nhà trường ở một số mặt cụ thể. Từ đó sẽ tạo được niềm tin trong đội ngũ, học sinh và cha mẹ học sinh, lan tỏa được ý nghĩa cũng như những giá trị của Trường học hạnh phúc, lớp học hạnh phúc.

Thầy Nguyễn Hữu Định, Hiệu trưởng Trường THPT Thới Lai.
Thầy Nguyễn Hữu Định, Hiệu trưởng Trường THPT Thới Lai.

Theo thầy Nguyễn Hữu Định, thực tế ở Trường THPT Thới Lai, nhà trường xác định mục tiêu xây dựng trường học hạnh phúc bắt đầu từ việc hình thành cho các em học sinh những thói quen: biết chào hỏi, biết cảm ơn, biết xin lỗi…

Qua thời gian, những thói quen đó trở thành văn hóa ứng xử đặc trưng của nhà trường để mỗi lần thầy/cô ở các trường bạn hoặc phụ huynh đến trường khi ra về đều cảm thấy hài lòng về sự chăm ngoan, lễ phép của học sinh. Điều đó đã giúp cho nhà trường lan tỏa được những giá trị tích cực đến mọi người và cũng chính là lan tỏa ý nghĩa của trường học hạnh phúc.

Để xây dựng nên Trường học hạnh phúc, Lớp học hạnh phúc, Hiệu trưởng nhà trường là người đóng vai trò kiến tạo, thúc đẩy và lan tỏa mục tiêu đến đội ngũ thầy cô giáo và các em học sinh bằng chính những giải pháp cụ thể.

Thầy Định cho rằng, thầy cô giáo là người tiếp xúc với các em học sinh hàng ngày, thầy cô dạy học sinh bằng chính nhân cách của mình, bằng sự nêu gương. Vì vậy, thầy cô giáo là người đóng vai trò quyết định để xây dựng nên Trường học hạnh phúc, Lớp học hạnh phúc.

Trước hết, mỗi thầy/cô giáo trong nhà trường phải thể hiện sự đoàn kết, thống nhất giúp đỡ lẫn nhau. Đối với học sinh, thầy/cô thể hiện vai trò là người hướng dẫn, chỉ bảo các em bằng chính tình thương yêu chân thành của mình. Như vậy, học sinh sẽ cảm thấy được tình thương của người thầy dành cho các em, điều đó sẽ mang lại hạnh phúc cho các em .

"Giáo viên phải là người hạnh phúc trong công việc mới lan toả và nhân lên hạnh phúc cho học trò, mới tạo nên trường học hạnh phúc. Để thầy/cô có được hạnh phúc, nhà trường phải xây dựng môi trường làm việc dân chủ, minh bạch và thân thiện, mỗi giáo viên được tạo cơ hội để sáng tạo, được bày tỏ quan điểm và nhất là được sự tôn trọng từ Ban Giám hiệu, phụ huynh và được sự kính trọng từ học sinh và xã hội…", thầy Định chia sẻ.

Thực tế tại Trường THPT Thới Lai, 2.000 giáo viên và học sinh là 2.000 trạng thái, cảm xúc khác nhau thì việc dung hòa các mối quan hệ để tạo ra môi trường không có xung đột là không hề dễ.

Bằng chính sự quyết tâm của Ban Giám hiệu và đội ngũ giáo viên luôn hướng về một mục tiêu tất cả vì học sinh thân yêu, chúng tôi luôn luôn giữ được trạng thái tâm lý làm việc trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau, đặt lợi ích tập thể lên trên hết, tạo không gian làm việc của nhà trường như không gian của một gia đình. Từ đó, thầy/cô luôn có được tâm lý thoải mái trong công tác, cảm thấy hạnh phúc và điều này đã lan tỏa đến học sinh và phụ huynh.
Thầy Nguyễn Hữu Định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ