Xây dựng 3 tiêu chí của trường học hạnh phúc
Theo cô Ngô Thị Thu Anh- Hiệu trưởng Trường THCS Trần Phú (quận Hoàng Mai, Hà Nội), trường học hạnh phúc không chỉ là nơi cung cấp và đáp ứng các nhu cầu giáo dục mà phải là nơi tạo ra hạnh phúc góp phần tạo nên một xã hội hạnh phúc để có thể tăng trưởng và phát triển bền vững.
Tại Trường THCS Trần Phú, nội dung xây dựng trường học hạnh phúc gồm 3 tiêu chí cơ bản: Tiêu chí về môi trường nhà trường và phát triển cá nhân; tiêu chí về dạy và học; tiêu chí về các mối quan hệ trong và ngoài trường.
Với tiêu chí về môi trường nhà trường và phát triển cá nhân, nhà trường tăng cường tổ chức các hoạt động giao lưu văn nghệ, thể dục thể thao, trò chơi dân gian giữa các lớp, các hoạt động giáo dục kỹ năng sống để tăng cường sức khỏe thể chất và tinh thần cho học sinh.
Nhà trường tăng cường cải tạo, tu sửa các phòng làm việc, sân chơi, thư viện, đảm bảo an toàn, phòng chống tai nạn thương tích. Phối hợp với phụ huynh tăng cường công tác xã hội hóa giáo dục và phát huy mọi nguồn lực để tạo dựng khung cảnh sư phạm thêm sáng - thoáng- xanh- sạch - đẹp, thân thiện và cởi mở.
Trong tiêu chí về dạy và học, nhà trường yêu cầu trong mọi hoạt động giáo dục, hoạt động dạy và học. Các thầy cô giáo phải làm gương cho học sinh và chú trọng phương pháp giáo dục bằng nêu gương; thực hiện phân công nhiệm vụ cho học sinh một cách công bằng, hợp lý, phù hợp với điều kiện và khả năng của bản thân...
Trong tiêu chí về các mối quan hệ trong và ngoài trường, các thầy cô giáo phải làm gương cho học sinh trong các mối quan hệ, trong tương tác, giao tiếp và đối thoại. Các cán bộ, giáo viên lắng nghe tích cực, phản hồi mang tính xây dựng trong xử lý công việc với đồng nghiệp và học sinh; phối hợp hiệu quả với CMHS, cộng đồng địa phương và các lực lượng liên quan trong công tác giáo dục học sinh.
Cao Phương Trang - học sinh lớp 9A cho biết: Trong thời gian học tại trường, em thực sự cảm thấy hạnh phúc. Thầy cô không chỉ truyền đạt kiến thức mà còn là những người thân trong gia đình, chỉ bảo dạy dỗ những lời hay lẽ phải cho học sinh. Thầy cô luôn nhắn gửi rằng các em học sinh sẽ luôn sống và chia sẻ yêu thương bằng trái tim chân thành nhất, luôn vươn tới những hoài bão lớn lao và hết mình cho từng phút giây của cuộc đời.
Xây dựng trường học hạnh phúc - quá trình lâu dài
Theo cô hiệu trưởng Ngô Thị Thu Anh, để cụ thể hóa những tiêu chí của trường học hạnh phúc là một quá trình lâu dài, trong đó quan trọng nhất là phải nâng cao nhận thức của cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh về mục đích, ý nghĩa của việc tham gia xây dựng trường học hạnh phúc.
Trong năm học vừa qua, nhà trường tiếp tục tuyên truyền, vận động, quán triệt lại đối với cán bộ, giáo viên các quy định của Nhà nước, của ngành về đạo đức nhà giáo, về xây dựng trường học thân thiện, an toàn, các tiêu chí của trường học hạnh phúc; tổ chức sinh hoạt chuyên đề về đạo đức nhà giáo, về trường học thân thiện, hạnh phúc trong sinh hoạt chuyên môn của Hội đồng sư phạm, sinh hoạt Công đoàn nhà trường hàng tháng.
Xây dựng các tư liệu về tình huống sư phạm, các câu chuyện đạo đức, về truyền thống Tôn sư trọng đạo, văn hóa ứng xử, kỹ năng sống. Vận động giáo viên chia sẻ, học tập “Khi thầy cô thay đổi” nhằm tạo động lực cho giáo viên có ý thức tự rèn luyện bản thân trong công việc, trong ứng xử với tác phong chuẩn mực sư phạm...
Một trong những sáng kiến hiệu quả của trường THCS Đền Lừ là xây dựng thành công mô hình “Lớp học hạnh phúc điểm”. Trong năm học vừa rồi, nhà trường chỉ đạo giáo viên các lớp 6A, 7A, 8A xây dựng khung cảnh lớp học xanh- sạch - đẹp- an toàn; xây dựng tiêu chí “Lớp học hạnh phúc”; tổ chức các hoạt động theo tiêu chí trong học sinh; phối hợp với cha mẹ học sinh trong ứng xử với học sinh.
Cô Phạm Thị Bình, giáo viên chủ nhiệm lớp 6A cho biết: Trong những năm học vừa qua, phong trào xây dựng lớp học hạnh phúc với 3 yếu tố “yêu thương, chia sẻ và tôn trọng” đã thực sự lan tỏa đến tất cả cán bộ giáo viên và học sinh; tạo cơ hội để mỗi học sinh và mỗi thầy cô giáo đều được phát triển tối đa tiềm năng của bản thân, không ai bị bỏ lại, không ai bị lãng quên; tất cả đều thay đổi để phù hợp và tiến bộ.