Hàng trăm GV kêu khó
Phản ánh tới Báo GD&TĐ, nhiều giáo viên ở huyện miền núi Lang Chánh (Thanh Hóa), nêu: Từ tháng 1/2021 đến nay, không hiểu vì sao UBND huyện lại dừng chi trả khoản tiền phụ cấp vùng đặc biệt khó khăn hàng tháng cho giáo viên. Do đó, đời sống của nhiều người đang gặp khó khăn.
Một cô giáo Trường Tiểu học II, thị trấn Lang Chánh cho biết, trước kia hưởng 8,9 triệu đồng/tháng, nhưng từ tháng 1 đến nay, giảm xuống chỉ còn 6,3 triệu/tháng. Cô nói: “Từ khi bị cắt giảm khoản tiền phụ cấp này, cuộc sống của gia đình tôi khó khăn lắm.
Bởi lẽ, trước kia để có tiền xây dựng nhà ở, tôi phải “cắm” sổ lương của mình, vay ngân hàng gần 200 triệu đồng. Hàng tháng, ngân hàng trừ khoảng 5 triệu đồng tiền gốc và lãi vào lương. Bây giờ, mỗi tháng lương chỉ còn 6,3 triệu đồng, sau khi trừ tiền nợ ngân hàng, các khoản đóng góp khác, tôi chỉ nhận về hơn 1 triệu đồng”.
Còn cô Ph.Th.Nh. Trường Mầm non Tam Văn trước kia hưởng lương hơn 6 triệu đồng/tháng. Nhưng từ tháng 1 đến nay, lương tháng của cô chỉ còn 4 triệu đồng. “Lương hàng tháng của tôi bị cắt giảm hơn 2 triệu đồng, chưa kể phải trừ khoản tiền vay ngân hàng. Trong khi đó, chồng tôi không có công ăn, việc làm ổn định, quả là cuộc sốngđang thật sự khó khăn”, cô Nh. tâm sự.
Thầy Phạm Chí Thọ - Hiệu trưởng Trường THCS Tân Phúc (Lang Chánh), cho biết: Từ tháng 1 đến nay, thầy Thọ cũng bị cắt giảm khoản tiền phụ cấp vùng đặc biệt khó khăn, chứ không riêng gì giáo viên.
Trước kia, mỗi tháng lương của thầy Thọ là 14 triệu đồng. Nhưng từ tháng 1 đến nay chỉ còn 10 triệu đồng/tháng. “Nhiều giáo viên có điều kiện kinh tế gia đình đang rất khó khăn, nay bị cắt giảm đi khoản tiền khá lớn, lại càng khó khăn hơn.
Bởi lẽ, thực tế có nhiều giáo viên phải dùng sổ lương vay ngân hàng để mua sắm xe máy, sửa chữa nhà cửa...rồi trừ tiền vay hàng tháng vào lương. Nay bị cắt giảm khoản tiền phụ cấp nêu trên, cuộc sống của họ thực sự vất vả”, thầy Thọ chia sẻ.
Huyện dừng chi trả tiền phụ cấp?
Ông Lê Minh Thư – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Lang Chánh cho biết, trên địa bàn huyện này có hơn 900 giáo viên các cấp học (từ mầm non đến THCS). Từ khi giáo viên bị cắt giảm khoản tiền phụ cấp vùng đặc biệt khó khăn, có nhiều người gọi điện phản ánh lên lãnh đạo phòng GD&ĐT.
Cũng theo ông Thư, thực tế cho thấy, nhiều giáo viên ở huyện 30A này có điều kiện kinh tế rất khó khăn. Đặc biệt, nhiều thầy, cô giáo là người ở dưới miền xuôi lên vùng sâu, vùng xa công tác. Tất cả chỉ trông chờ vào đồng lương và phụ cấp hàng tháng. Nay bị cắt giảm khoản phụ cấp đáng kể này đã làm ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống sinh hoạt của họ.
“Tuy nhiên, phòng GD&ĐT cũng chỉ là đơn vị thực hiện quản lý chuyên môn, chứ không quản lý chế độ tiền lương. Do đó, lãnh đạo phòng GD&ĐT cũng đã có ý kiến lên UBND huyện Lang Chánh tại một số cuộc họp giao ban. Thế nhưng, cũng chỉ nhận được câu trả lời là đang chờ hướng dẫn của cấp trên”, ông Thư thông tin.
Trao đổi với Báo GD&TĐ, ông Quách Văn Hoan – Trưởng phòng Tài chính – Kế hoạch UBND huyện Lang Chánh cho biết: Theo Quyết định582, ngày 28/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ về “Phê duyệt danh sách thôn đặc biệt khó khăn, xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016-2020”, thì đã hết thời hiệu.
Tuy nhiên, đến thời điểm này chưa có quyết định thay thế và chưa xác định được mức phụ cấp từng khu vực để thực hiện chi trả chế độ phụ cấp đặc biệt khó khăn cho giáo viên.
“Chúng tôi cũng đã xin ý kiến tỉnh và Sở Tài chính. Tuy nhiên, Sở Tài chính yêu cầu tạm dừng chi trả, chứ không phải là cắt giảm. Còn khi nào xác định được mức phụ cấp cho các khu vực, thông qua quyết định của Chính phủ, thì sẽ thực hiện. Theo đó, các thầy, cô giáo thuộc đối tượng nào sẽ được truy lĩnh tương ứng”, ông Hoan cho hay.
Cũng theo ông Hoan, hiện nay ngân sách cấp cho khoản phụ cấp nêu trên đã được phân bổ về đơn vị dự toán từ đầu năm 2021. Tuy nhiên, do chưa có hướng dẫn cụ thể, nên huyện Lang Chánh vẫn chưa thể cấp chế độ này cho giáo viên. Khi nào có hướng dẫn cụ thể, thì ngay lập tức huyện sẽ chỉ đạo các nhà trường cho giáo viên truy lĩnh.