Thanh Hóa: Dự án nhà máy điện Mặt trời nghìn tỷ… “đắp chiếu”

GD&TĐ - Dự án Nhà máy điện Mặt trời được UBND tỉnh Thanh Hóa chấp thuận chủ trương đầu tư từ tháng 1/2017 đến cuối năm 2019 phải hoàn thành. Tổng vốn đầu tư dự án này hơn 2.600 tỷ đồng. Đến nay dự án này vẫn…“đắp chiếu”.

Diện tích đất trong khu vực bị thu hồi để xây dựng Nhà máy điện Năng lượng mặt trời vẫn đang bỏ hoang.
Diện tích đất trong khu vực bị thu hồi để xây dựng Nhà máy điện Năng lượng mặt trời vẫn đang bỏ hoang.

Nghìn tỷ nằm… trên giấy?

Tháng 1/2017, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ký quyết định chấp thuận đầu tư xây dựng dự án Nhà máy điện năng lượng Mặt trời (NLMT), tại xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc (Thanh Hóa).

Dự án do Công ty CP Đầu tư thương mại và du lịch Hoàng Sơn (Công ty Hoàng Sơn), ở TP Thanh Hóa làm chủ đầu tư. Tổng vốn đầu tư dự án này lên tới khoảng 2.680 tỷ đồng. Tổng diện tích đất dự kiến sử dụng của dự án này khoảng 150 ha.

Công suất thiết kế của Nhà máy điện NLMT này là 90MW. Dự án gồm nhà điều hành 3 tầng (khoảng 500m2), nhà xưởng kết hợp kho (20.000m2), móng đặt tấm pin NLMT (1.080.000m2)... và các công trình hạ tầng kỹ thuật, phụ trợ khác.

Mục tiêu của dự án là cung cấp điện năng cho hệ thống lưới điện quốc gia, mang lại hiệu quả kinh tế cho doanh nghiệp. Góp phần phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, giảm thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường.

Chống biến đổi khí hậu theo hướng phát triển bền vững. Tạo việc làm và thu nhập ổn định cho lao động và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương...

Theo quyết định chấp thuận đầu tư, dự án này được khởi công xây dựng quý I/2017, hoàn thành và đưa vào sử dụng quý IV/2019. Thế nhưng, hơn 4 năm qua, dự án Nhà máy điện NLMT xã Kiên Thọ vẫn chỉ là khu đất trống. Cũng từng đó năm, người dân có đất ở khu vực ảnh hưởng dự án này không dám sản xuất, canh tác.

Thống kê từ UBND xã Kiên Thọ cho thấy, diện tích dự kiến thu hồi để phục vụ dự án này đã làm ảnh hưởng tới 346 hộ dân. Cho đến nay, toàn bộ diện tích 150 ha đất của người dân ở khu vực này phải bỏ hoang.

Nhiều phụ huynh ở xã Kiên Thọ cho hay, có không ít phần đất trước kia được bà con trồng keo, sắn và mía. Nhưng từ khi chính quyền xã thông báo sẽ thu hồi để nhường đất cho dự án, bà con không dám sản xuất, canh tác nữa. Chính quyền xã Kiên Thọ cũng đã cử cán bộ đi kiểm kê tài sản, đất đai cây trồng để đền bù giải phóng mặt bằng (GPMB).

Ông Quách Văn Phong - Chủ tịch UBND xã Kiên Thọ, cho biết: “Sau khi tỉnh chấp thuận đầu tư cho dự án, chính quyền xã đã tuyên truyền, vận động người dân nhường đất, tạo điều kiện cho chủ đầu tư xây dựng dự án. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì, đến nay dự án vẫn không triển khai.

Nhiều người dân muốn ra sản xuất, canh tác trên diện tích đất đó, nhưng chính quyền xã vẫn phải động viên bà con không nên. Vì, nếu dự án được thực hiện, thì bà con lại mất công, mất của. Chúng tôi cũng chỉ biết động viên bà con hãy cố gắng chờ đợi”.

Cột mốc địa giới của Nhà máy điện NLMT tại xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc (Thanh Hóa) được dựng lên từ năm 2017.
Cột mốc địa giới của Nhà máy điện NLMT tại xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc (Thanh Hóa) được dựng lên từ năm 2017.

Chủ đầu tư khẳng định lỗi do chính quyền

Trao đổi với Báo GD&TĐ, ông Lê Văn Hoàng – Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Hoàng Sơn cho biết, dự án chậm tiến độ là do Ban GPMB huyện Ngọc Lặc chưa GPMB để bàn giao về công ty thực hiện đền bù cho người dân.

Bên cạnh đó, do chưa có giá điện chung, nên cũng làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công dự án. Ngoài ra, do tình hình dịch bệnh, đã làm ảnh hưởng đến việc thực hiện dự án này.

“Do chậm GPMB, nên vừa rồi UBND tỉnh đã phải điều chỉnh lại thời gian cho chúng tôi hoàn thành nhà máy vào năm 2022. Bên cạnh đó, năm nay Chính phủ chưa ban hành giá điện, vì thế công ty cũng chưa thực hiện được dự án.

Hiện nay, do dịch bệnh, các nhà máy đang giảm công suất sản xuất, dẫn đến thừa nguồn điện, nên không khuyến khích đầu tư xây dựng nhà máy điện. Từ những ảnh hưởng khách quan đưa lại, nên chúng tôi đã đề nghị tỉnh gia hạn, kéo dài thời gian cho công ty thực hiện dự án”, ông Hoàng thông tin thêm.

Tuy nhiên, trái ngược với những gì ông Lê Văn Hoàng trao đổi với chúng tôi, theo tài liệu do UBND huyện Ngọc Lặc cung cấp, ngày 7/1/2019, UBND tỉnh Thanh Hóa có quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Nhà máy điện NLMT xã Kiên Thọ.

Trên cơ sở đó, UBND huyện Ngọc Lặc phối hợp với chủ đầu tư thực hiện công tác kiểm kê, điều chỉnh, rà soát hồ sơ kiểm kê, dự toán bồi thường, hỗ trợ GPMB theo diện tích điều chỉnh là 79,4 ha đất. Số hộ dân bị ảnh hưởng là 180 gia đình.

Đến ngày 8/5/2019, Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư GPMB huyện Ngọc Lặc đã gửi số liệu kiểm kê, dự toán bồi thường cho chủ đầu tư rà soát, thống nhất. Tuy nhiên, phía chủ đầu tư cũng không thực hiện chuyển trước số tiền 5 tỷ đồng cho Hội đồng GPMB huyện để chi trả bồi thường, hỗ trợ cho người dân, mà công ty này đã cam kết.

Do đó, ngày 16/1/2020, UBND huyện Ngọc Lặc có văn bản gửi UBND tỉnh Thanh Hóa, đề nghị tỉnh yêu cầu chủ đầu tư có cam kết cụ thể về việc thực hiện dự án đúng tiến độ. Nếu chủ đầu tư không thực hiện các nội dung đã cam kết, thì phải có biện pháp xử lý. Từ đó có cơ sở để UBND huyện Ngọc Lặc thông báo cho các hộ dân bị ảnh hưởng biết, chủ động trong sinh hoạt và sản xuất.

Đến ngày 14/4 vừa qua, UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành văn bản đồng ý gia hạn và chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư Nhà máy điện NLMT (theo quyết định ngày 7/1/2019), cho Công ty Hoàng Sơn.

Thời gian gia hạn đến hết ngày 30/9/2021. Nếu hết thời hạn, Công ty Hoàng Sơn không hoàn thành hồ sơ sử dụng đất theo quy định, giao Sở Kế hoạch Đầu tư thông báo việc hết hiệu lực của văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư.

Đồng thời, gửi đến các sở, ngành, đơn vị liên quan biết, thực hiện. Công ty Hoàng Sơn không được bồi thường, hỗ trợ bất kỳ các khoản kinh phí đã đầu tư, chi phí liên quan đến dự án.

Ngày 7/5 vừa qua, UBND huyện Ngọc Lặc có văn bản gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư Thanh Hóa, về việc thống nhất với đề nghị xin điều chỉnh chủ trương đầu tư Nhà máy điện NLMT tại xã Kiên Thọ của Công ty Hoàng Sơn. Chủ tịch UBND huyện Ngọc Lặc đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo Công ty Hoàng Sơn thực hiện đúng cam kết. Đó là, bố trí, chuyển đủ kinh phí GPMB cho huyện Ngọc Lặc trong quý II/2021 và phối hợp triển khai công tác kiểm kê lại diện tích, tài sản bị ảnh hưởng để làm cơ sở chi trả bồi thường cho người dân.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ