Tham vấn Khung năng lực trí tuệ nhân tạo cho học sinh phổ thông

GD&TĐ - Hội thảo tham vấn quốc gia với chủ đề “Khung năng lực trí tuệ nhân tạo cho học sinh phổ thông” diễn ra ngày 16/10 tại Hà Nội.

Toàn cảnh hội thảo
Toàn cảnh hội thảo

Sự kiện do Viện Khoa học giáo dục Việt Nam phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) tổ chức.

Phát biểu tại Hội thảo, GS.TS Lê Anh Vinh - Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục Việt Nam nhìn nhận, để hình thành những thế hệ người học thành công trong tương lai, việc phát triển năng lực AI cho học sinh là vấn đề mang tính chất chiến lược.

Xây dựng năng lực trí tuệ nhân tạo cho học sinh phổ thông sẽ tạo cầu nối, giúp thế hệ trẻ không chỉ hiểu rõ về công nghệ, mà còn biết cách sử dụng nó một cách thông minh, có trách nhiệm và chuẩn bị hành trang cần thiết để vững bước vào tương lai.

ai-2-3777.jpg

GS.TS Lê Anh Vinh chia sẻ, Khung năng lực AI cho học sinh của UNESCO được giới thiệu vào Tuần lễ số của UNESCO (đầu tháng 9/2024). Sáng kiến này cung cấp tư liệu quý giá cho các tổ chức, nhà giáo dục, giúp chúng ta xác định năng lực thành phần cốt lõi của Khung năng lực AI, đồng thời gợi mở những ý tưởng để áp dụng Khung vào trong nhà trường.

Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học cùng thảo luận Khung năng lực AI, những tiền đề vững chắc để chuẩn bị cho học sinh đối mặt với thách thức và cơ hội trong tương lai.

Dưới đây là Khung năng lực trí tuệ nhân tạo dành cho học sinh Việt Nam được Viện Khoa học giáo dục Việt Nam đề xuất:

image001-4273.png

Trong giai đoạn này, bà Tara O’Cornell, Trưởng Chương trình Giáo dục Tổ chức UNICEF Việt Nam cho rằng, không còn nghi ngờ gì về sự cần thiết về một Khung năng lực AI dành cho học sinh phổ thông.

AI không chỉ là công cụ hay công nghệ cho tương lai, mà nó đang thay đổi căn bản phương pháp dạy – học và cách sống của chúng ta. Thực tế này đòi hỏi sự thay đổi trong các kỹ năng mà chúng ta bồi dưỡng cho học sinh.

Theo bà Tara O’Cornell, ngoài các môn học truyền thống, học sinh cần các năng lực về tư duy phân tích, sáng tạo, giải quyết vấn đề, tự chủ, hợp tác và đạo đức. Ở giai đoạn này, học sinh cần phát triển năng lực mới. Các em cần hiểu về AI, tương tác với nó theo những cách có đạo đức, hiệu quả và có trách nhiệm.

ai-4-9605.jpg
Bà Tara O’Cornell phát biểu tại hội thảo.

Trưởng Chương trình Giáo dục Tổ chức UNICEF Việt Nam nhấn mạnh, mục đích của Khung năng lực AI là trang bị cho học sinh kiến thức căn bản về trí tuệ nhân tạo. Khung này sẽ tập trung vào khả năng tiếp cận và truyền cảm hứng cho nhiều học sinh khám phá AI một cách toàn diện hơn. “Tôi muốn nhấn mạnh, kiến thức về AI không phải là đặc quyền dành riêng cho một số ít người” - bà Tara O’Cornell nói.

Nhận diện những thách thức đối với giảng dạy AI tại Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Phi Lê – Giám đốc điều hành Trung tâm nghiên cứu quốc tế về AI (ĐH Bách khoa Hà Nội) cho rằng, đó là sự khác biệt của AI với tin học truyền thống. Cụ thể, AI vẫn là lĩnh vực mới, thay đổi nhanh và hạ tầng tính toán yêu cầu cao.

Trong giảng dạy AI, PGS.TS Nguyễn Phi Lê nhìn nhận thách thức nằm ở việc thiết kế chương trình, làm sao để thật sự phù hợp và có ích cho người học. Ngoài ra, đó là xây dựng học liệu, đào tạo giáo viên và hạ tầng tính toán.

ai-1-8769.jpg
PGS.TS Nguyễn Phi Lê trao đổi tại hội thảo.

Hội thảo nằm trong chuỗi sự kiện do Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam phối hợp với UNICEF tổ chức để nghiên cứu, thiết kế và xây dựng Khung năng lực AI dành cho học sinh phổ thông. Viện đã thực hiện lấy ý kiến chuyên gia, các thầy cô giáo ở Hà Nội và Kon Tum về Khung này và nhận được những góp ý khoa học, cùng những phản hồi tích cực.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

UKA Bà Rịa nâng cấp dịch vụ School Bus

UKA Bà Rịa nâng cấp dịch vụ School Bus

GD&TĐ - Dịch vụ School Bus tại UKA Bà Rịa được nâng cấp toàn diện với xe đời mới, ứng dụng theo dõi hành trình, hệ thống chuông giám sát cảnh báo an toàn.